Hà Nội: Lái xe uống rượu bia gây tai nạn có thể phải ngồi tù tới 15 năm

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, sáng 1/5, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại hầm đường bộ Kim Liên hướng đi Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Xe ô tô Mercedes mang BKS 30F-154.78 do Lê Trung Hiếu, SN 1980, ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội đã va chạm với xe máy của 2 phụ nữ khiến 2 người này tử vong tại chỗ.

Uống rượu bia khi lái xe - nguy cơ chết người!

Theo thông tin ban đầu, Lê Trung Hiếu đã lái xe ô tô được 13 năm. Song trước khi gây tai nạn, Hiếu đã uống rượu bia. Tại thời điểm xảy ra vụ việc, nồng độ cồn đo được của lái xe này là 0,751 mg/1 lít khí thở. Hiện đối tượng đã bị CAQ Hai Bà Trưng tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc.

Đáng buồn, sự việc trên không phải hi hữu. Thời gian qua, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên tiếp xảy ra cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội, mà nguyên nhân xuất phát từ việc chủ phương tiện đã sử dụng rượu bia trước khi lái xe. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chế tài xử lý đối với những đối tượng gây tai nạn chưa đủ mạnh?

Về hành vi điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia gây tai nạn, Luật sư Lê Hồng Vân  - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nghĩa là người điều khiển xe ô tô không được có nồng độ cồn trong máu hay khí thở.

Hầm đường bộ Kim Liên - nơi xảy ra vụ tai nạn làm 2 người chết

Còn theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Ngoài ra người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.

Về trách nhiệm dân sự, Điều 596 BLDS 2015 quy định, người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường. Mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế như các chi phí mai táng, thiệt hại về tinh thần...và các thiệt hại khác do luật quy định.

Trường hợp lái xe sau khi gây tai nạn bỏ chạy nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS 2015.

Cụ thể, người lái xe ô tô trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định gây thiệt hại tính mạng cho 2 người thì bị phạt tù từ 3-10 năm. Phạm tội thuộc làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương mỗi người 61% trở lên…thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, tại một số nước trên thế giới, hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn cao bị áp dụng chế tài rất nghiêm khắc, từ phạt tiền, phạt tù đến cấm lái xe suốt đời. Trong khi đó ở Việt Nam, chế tài xử lý đối với lái xe uống rượu bia còn quá nhẹ.

Mặc dù Luật GTĐB 2008 quy định, cấm người điều khiển ô tô sử dụng rượu, bia và chất kích thích, song chỉ khi xảy ra đến TNGT, gây hậu quả nghiêm trọng, những đối tượng này mới bị xử lý hình sự, còn nếu chưa xảy ra tai nạn, chưa gây hậu quả, họ chỉ bị xử phạt hành chính nếu nồng độ cồn vượt quá quy định.

Hiện có khá nhiều người lái xe ô tô thường xuyên nhưng lại sử dụng rượu bia rất tùy tiện. Điều này thể hiện sự coi thường quy định pháp luật, coi rẻ tính mạng của bản thân họ và những người xung quanh. Nó cũng cho thấy, mức phạt tiền cao nhất quy định theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP là 17 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng còn quá nhẹ.

Do vậy, nhằm ngăn chặn tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông lái xe sau khi uống rượu, bia, cơ quan chức năng cần sửa đổi bổ sung quy định theo hướng tăng nặng các hình thức xử phạt đối với lái xe (tăng thời gian tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tăng mắc phạt tiền, bổ sung hình phạt lao động công ích…), thậm chí cấm điều khiển xe suốt đời và tịch thu bằng lái vĩnh viễn đối với những hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, để nâng cao tính phòng ngừa, có thể xem xét  xử lý hình sự những người đã uống rượu bia vẫn lái xe, dù chưa gây tai nạn. Với đối tượng gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có nồng độ cồn ở mức cao có thể truy tố về Tội giết người – Luật sư Hồng Vân đề xuất.