- Mở cổng nhắn tin ủng hộ bệnh nhân lao
- Thế giới tuyên chiến với bệnh lao - "đại dịch lây lan nguy hiểm"
- Hướng dẫn cai thuốc lá hiệu quả bằng các biện pháp khoa học
Điều trị cho bệnh nhân mắc lao
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chiến lược phòng chống lao của Chính phủ, đến thời điểm này Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản thực hiện theo lộ trình các mục tiêu đã đặt ra.
Cụ thể, số bệnh lao thu nhận giảm bình quân 0,6 – 1%/năm, giảm từ 4.769 bệnh nhân vào năm 2014 còn 4.187 bệnh nhân năm 2018; số người mắc lao trong cộng đồng ở mức 65/10 vạn dân, tiêm cận với mục tiêu năm 2020 là 63 người/10 vạn dân); tỷ lệ người mắc bệnh lao khỏi và hoàn thành điều trị đạt 90% với người mắc lao mới và 70% đối với người bệnh lao đa kháng thuốc,…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, dù công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn còn gặp khó khăn, nhất là tình trạng lao kháng thuốc, siêu kháng thuốc và thể bệnh lao phức tạp có xu hướng tăng nhanh, song với những nền tảng hiện tại, Hà Nội cam kết hoàn thành các mục tiêu Chiến lược Quốc gia phòng, chống bệnh lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Đặc biệt, Hà Nội đã mạnh dạn đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân; tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 2/100.000 người dân và thực hiện mục tiêu TP Hà Nội chấm dứt lưu hành bệnh lao trước năm 2030.
Trên phạm vi cả nước, trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình là 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm tăng nhanh hơn, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là một kết quả rất đáng khích lệ, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Dù vậy, hiện Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Bệnh lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Để Việt Nam sớm hoàn thành sứ mệnh phòng, chống lao, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung công tác phòng chống Lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Việt Nam cũng cam kết với cộng đồng quốc tế về mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu không chỉ ngành y tế mà cả hệ thống chính trị cùng phải vào cuộc, nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về bệnh lao bởi phát hiện và điều trị sớm bệnh lao là vô cùng quan trọng và có tính quyết định.