Hà Nội: Cô gái 15 tuổi đâm gãy chân cảnh sát cơ động có phải chịu trách nhiệm hình sự?

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, chiều 12-8, tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội, một cô gái 15 tuổi điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, chạy tốc độ cao khi bị CSCĐ ra tín hiệu dừng xe nhưng không chấp hành còn cho xe quay đầu chạy ngược chiều và đâm thẳng vào Đại uý Phạm Văn Tuyền đang làm nhiệm vụ khiến đồng chí này bị gãy chân.

Đâm xe vào cảnh sát cơ động có thể phải ngồi tù

Cô gái có hành vi đâm xe vào CSCĐ được xác định là Đỗ Thanh T, sinh năm 2003, ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Về vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, tuy tuổi còn nhỏ nhưng hành vi của Đỗ Thanh T thể hiện ngông cuồng, coi thường tính mạng và sức khỏe của người khác, thiếu hiểu biết về pháp luật. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, Đỗ Thanh T có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo BLHS 2015, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng đối với một số tội như Giết người; Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác; Hiếp dâm; Cưỡng dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Mua bán người; Cướp tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…

                     

Cô gái có hành vi đâm xe vào cảnh sát cơ động đang làm nhiệm vụ

Vào thời điểm hành vi vi phạm diễn ra, Đỗ Thanh T đã 15 tuổi. Do đó, nếu có đủ căn cứ chứng minh cô gái này cố ý đâm xe vào CSCĐ đang làm nhiệm vụ nhằm cản trở họ thi hành nhiệm vụ, hòng tẩu thoát thì hành vi đó có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo tại Điều 134 BLHS 2015 (sửa đổi).

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.  Phạm tội thuộc một trong các trường hợp thuộc khoản 3, 4, 5 thì bị phạt tù từ 5-20 năm hoặc tù chung thân.

Tuy vậy, với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, nếu tỉ lệ thương tích của chiến sĩ cảnh sát cơ động thuộc một trong các khoản 3, 4 hoặc 5 Điều 134 thì cô gái sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Còn nếu tỉ lệ thương tích chỉ thuộc khoản 1 và 2 thì đối tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Thể hiện sự ngông cuồng, coi thường pháp luật

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, nếu chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, người thực hiện hành vi vi vi phạm có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính. Điều 22 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định hình thức cảnh cáo áp dụng đối với mọi hành vi, vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Theo khoản 3, điều 134 luật này quy định trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.

Điều đáng nói là sự việc trên không phải cá biệt. Cũng tại Hà Nội, cách đây không lâu, dư luận xôn xao trước việc chị N.T.T.H nhận là sinh viên đã tìm cách tháo chạy sau đó tấn công thô bạo cảnh sát cơ động khi bị lực lượng này yêu cầu dừng xe vì không đội mũ bảo hiểm. Sau khi bị bắt, nữ sinh này lớn tiếng vu cảnh sát cơ động là… giả, đồng thời hùng hổ xô đẩy, kéo cổ áo và đấm vào mặt một chiến sỹ cảnh sát. Hành vi ngông cuồng, bất chấp pháp luật này khiến những người chứng kiến vô cùng bất bình.

Trước đó, tại TP.HCM một nữ sinh 9X khi bị bắt giữ vì vi phạm 4 lỗi giao thông, thay vì xuất trình giấy tờ đã xông vào tát liên tiếp vào mặt cảnh sát giao thông rồi quay ra… ngất. Khi vụ án được đưa ra xét xử, đối tượng này đã phải lĩnh án 6 tháng tù giam.

Liên quan đến những hành vi trên, PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định, theo đánh giá của cơ quan chức năng, thời gian gần đây, thanh niên chính là đối tượng vi phạm giao thông và gây tai nạn nhiều nhất.Các lỗi vi phạm thường là điều khiển xe phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, không giấy phép lái xe, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. Khi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thay vì nhận lỗi và nghiêm túc nộp phạt, một số đối tượng, trong đó có không ít cô gái trẻ lại lựa chọn cách chống đối quyết liệt. Hành vi này thể hiện sự lệch lạc trong ý thức và lối sống của một bộ phận giới trẻ …

“Nhằm ngăn chặn những hành vi này, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành những chế tài mạnh, đủ sức răn đe, lực lượng chức năng cần cương quyết hơn nữa trong việc xử lý đối với những cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, các gia đình, nhà trường và xã hội cần phối hợp chặt chẽ trong công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho giới trẻ” – PGS.TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ quan điểm.