Hà Nội chính thức khảo sát liên kết dạy ngoại ngữ trong nhà trường

ANTD.VN - Chiều 13-3, Đoàn Giám sát của HĐND TP đã khởi động chương trình khảo sát giảng dạy ngoại ngữ liên kết trong trường học nhằm làm rõ những vấn đề còn bất cập được báo chí phản ánh.

Theo ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hoá Xã hội HĐND TP, qua phản ánh trên một số cơ quan báo chí, công tác liên kết đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường còn một số vấn đề bất cập như chất lượng đào tạo, chương trình, giáo viên của một số trung tâm chưa được thẩm định, kiểm soát... Vấn đề tự nguyện thu chi cũng khiến nhiều phụ huynh học sinh băn khoăn.

Ông Trần Thế Cương đặt vấn đề, vậy các cấp quản lý có biện pháp gì để tránh trường hợp lạm thu trong các trường. Theo thông tin có được thì tỷ lệ chi học phí thu được giữa trung tâm và nhà trường là 80-20, thực tế như thế nào?

Đoàn giám sát HĐND TP làm việc với trường học, trung tâm ngoại ngữ về liên kết dạy tiếng Anh trong trường học

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Ba Đình cho biết, hiện nay, số trường công lập trên địa bàn quận đang thực hiện liên kết giảng dạy ngoại ngữ với các Trung tâm ngoại ngữ giảng dạy bổ trợ. Cụ thể, 80% các trường mầm non, 100% các trường khối tiểu học, 90% các trường khối THCS có liên kết với các trung tâm ngoại ngữ giảng dạy bổ trợ 1 hoặc 2 tiết/tuần.

Thông tin cung cấp từ các trường thuộc quận Ba Đình cho biết, bậc mầm non chỉ có khoảng 20% học sinh đăng ký học liên kết đào tạo ngoại ngữ. Con số này ở cấp tiểu học là 90%, cấp THCS chỉ có khoảng 30%.

100% các Trung tâm tham gia dạy liên kết ở quận Ba Đình đều được thực hiện đúng quy trình quy định của Sở GD-ĐT và phòng GD-ĐT về phê duyệt Kế hoạch liên kết vào thời điểm đầu năm học.

Trong năm học 2016 - 2017, Phòng GD-ĐT đã phê duyệt Kế hoạch liên kết của các trường Tiểu học, THCS trong quận đúng quy trình thẩm định gồm: thẩm định các chương trình giảng dạy liên kết, các điều kiện về cơ sở vật chất để liên kết...

Bà Nguyễn Thị  Vân Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Đồng cho biết, giáo viên giảng dạy ngoại ngữ trong trường theo định mức cho 43 lớp học chỉ có 2 giáo viên. Số giáo viên này không đủ đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh trong trường học và yêu cầu học 4 tiết theo đề án ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT... Do vậy, các trường đều phải liên kết với trung tâm ngoại ngữ bên ngoài như Trung tâm ngoại ngữ Bình Minh.

Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng thừa nhận, trung tâm này vẫn thường nhận giáo viên tiếng Anh của các trường để dạy học sinh trường đó nên có phản ánh rằng còn có sự nể nang dù giáo viên trình độ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Làm việc tại Trung tâm Ngoại ngữ Bình Minh, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Bình Minh cho biết, công ty này hoạt động ở nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục. Xuất phát từ nhu cầu của gia đình muốn tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường, nhưng trong đó có những điểm thiếu hụt như kỹ năng nghe nói, công ty đã đầu tư nghiên cứu bộ giáo trình bổ trợ cho sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT đang dạy trong nhà trường.

Hiện công ty này đang phối hợp với 115 trường tiểu học trên 14 quận huyện toàn thành phố. Hiện có 180-200 giáo viên nước ngoài làm việc với Bình Minh trong một năm học. Với 8 tiết/tháng mức thu của trung tâm này là 150.000 đồng/tháng/học sinh cho tiểu học, 160.000 đồng/tháng/học sinh với mầm non, 160.000 đồng/tháng/học sinh THCS.

Về vấn đề sĩ số học sinh trong lớp quá đông, đại diện trung tâm này cho biết, đây là thực trạng tại hầu hết các trường công lập ở Hà Nội. Do vậy, việc đưa giáo viên nước ngoài vào trường công lập là để tạo ra môi trường bản ngữ giúp học sinh làm quen với giao tiếp. 

Bên cạnh đó, các lớp phải chia nhóm, tổ để có thể luyện tập, giáo viên chú ý đầu tư cho học sinh yếu kém. Với mức học phí đại trà để đại đa số gia đình chấp nhận được, mục đích của trung tâm chỉ là để học sinh không e dè khi tiếp xúc với nước ngoài và đáp ứng kiến thức cơ bản.

Theo chương trình khảo sát, Đoàn giám sát sẽ làm việc với hàng loạt quận huyện và Sở GD-ĐT Hà Nội đến hết 15-3 nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục bất cập và nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong trường học.