Hà Nội chạm ngưỡng 6.000 ca mắc sốt xuất huyết, đang ở cao điểm của dịch

ANTD.VN - Tính đến cuối tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 5.993 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue. Số mắc được dự báo vẫn tiếp tục tăng nhanh vì hiện đang là giai đoạn cao điểm của dịch trên địa bàn thành phố…

Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc SXH là trẻ em, phụ nữ mang thai

Ngày 14-10, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2019 đến cuối tuần qua (11-10), toàn thành phố đã ghi nhận 5.993 ca mắc SXH Dengue, không có trường hợp tử vong. Số mắc tập trung nhiều ở một số quận, huyện như: Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đống Đa…

Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch, xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào mùa mưa và hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh này ở các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Nội, bệnh nhân SXH ghi nhận ở cả trẻ em và người lớn.

Ông Tuấn cho biết, đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm, xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt - giai đoạn nguy hiểm - giai đoạn hồi phục.

Trong đó, giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong.

BSCKII Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, đối với bệnh nhân SXH, nếu sốt cao ≥ 38,5 độ C, cần cho uống thuốc hạ nhiệt paracetamol đơn chất, không dùng aspirin, analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch sớm bằng đường uống như uống nhiều nước oresol, nước trái cây, hoặc nước cháo loãng với muối. Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ để tránh nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa…