Hà Nội cam kết cung ứng đủ thịt lợn cho người dân dịp Tết Nguyên đán

ANTD.VN - Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan, dự báo nhu cầu mặt hàng thịt lợn trong tháng tết là khoảng 22,4 nghìn tấn. Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, tìm nguồn cung ứng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin tại hội nghị

Chiều nay (24-12), tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Sở Công Thương Hà Nội đã thông tin về công tác cân đối cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020.

Theo tính toán của Sở Công Thương, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết (tính cho 2 tháng Tết) gồm: gạo 191.400 tấn; thịt lợn 44.600 tấn; thịt gà 14.800 tấn; thịt bò 12.306 tấn; trứng gia cầm 260 triệu quả; rau, củ 247.400 tấn; thực phẩm chế biến 12.800 tấn; thủy hải sản 11.364 tấn; bánh mứt kẹo 3.000 tấn bán; rượu, bia, nước giải khát 200 triệu lít.

Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 31.200 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch Tết năm 2019).

Đề cập đến nguồn cung mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán 2020, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, nhu cầu thịt lợn trên địa bàn 2 tháng Tết là khoảng 44.600 tấn hơi.

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm 2019 nên hiện nay, nguồn cung thịt lợn phục vụ Tết trên địa bàn nói chung và từ các tỉnh, thành phố có chăn nuôi lợn có giảm.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở NN&PTNT, tổng số đàn lợn đã giảm 42% so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng hơi xuất chỉ giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Về sản lượng lợn hơi xuất chuồng trong quý IV/2019: tháng 10 -2019: 18.800 tấn, cơ bản đủ, thiếu 3.500 tấn so với nhu cầu tháng tết; tháng 11-2019: 18.000 tấn, cơ bản đủ, thiếu 4.300 tấn so với nhu cầu tháng tết; tháng 12-2019 dự kiến 22.250 tấn, cơ bản đáp ứng nhu cầu tháng Tết.

Theo các thông tin trên, nguồn cung mặt hàng thịt lợn cho đến thời điểm hiện tại cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân ở thời điểm hiện tại. Sản lượng thịt lợn xuất chuồng cũng đã tăng do số lượng lợn đến lứa xuất chuồng tăng, đồng thời nhu cầu người dân tăng cao nên các đơn vị giết mổ tăng cường thu mua từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã vận động 23 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia chương trình dự trữ lượng hàng hoá phục vụ 2 tháng trong dịp Tết với tổng giá trị đến 212.510 tỷ đồng (gấp 15 lần so với kế hoạch), tổ chức đưa hàng bình ổn đến 11.800 điểm bán hàng (tăng 1.112 điểm bán).

Các doanh nghiệp đều có kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 7%-25% so với Tết 2019, ngoài mặt hàng thịt lợn, các mặt hàng thiết yếu khác đảm bảo dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán 2020.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để cân đối cung cầu mặt hàng thịt lợn trên địa bàn trong dịp Tết, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PT-NT, Cục Hải quan TP và các đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin về các cơ sở sản xuất, chăn nuôi có khả năng cung ứng mặt hàng thịt lợn ngay cho thị trường để kịp thời tổ chức kết nối, cung cấp thông tin cho các đơn vị giết mổ, phân phối, khai thác đưa về Hà Nội phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra, xử lý trường hợp lợi dụng, găm hàng, đẩy giá bán thịt lợn lên cao bất hợp lý gây mất cân đối trên địa bàn; Sở Tài chính Hà Nội tổ chức việc kiểm tra chấp hành quy định về giá bán hàng thịt lợn trên địa bàn để tránh trường hợp giá bán mặt hàng thịt lợn tăng bất hợp lý gây mất cân đối cung cầu.

Cho đến thời điểm này, nguồn cung thịt lợn cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn. Trong đó, nguồn cung nội tại của thành phố đáp ứng được khoảng 60%, từ các tỉnh khoảng 40%. Hà Nội cũng chưa tính toán đến nguồn nhập khẩu vì đã cơ bản đáp ứng đủ.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cũng khuyến cáo, người dân không nên “găm hàng” để trục lợi. Người chăn nuôi giữ lợn thịt chờ giá là có hại, vì khi lợn nuôi quá lứa hệ số chuyển đổi kinh tế thấp đi. Đặc biệt, nếu ai cũng "găm hàng", sẽ đến một lúc nào đó tất cả đều đổ ra thị trường thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ.