Hạ đường huyết ở người đái tháo đường

ANTĐ - Những người bị đái tháo đường, nhất là dạng type 1 khi hạ đường huyết có thể biến chứng nguy hiểm. Đáng lo là hầu như cơ thể họ khó cảm nhận được tình huống này mặc dù đôi khi cũng có một số dấu hiệu như run rẩy, chóng mặt, ra mồ hôi, lo lắng…

Đối tượng và nguyên nhân

Hạ đường huyết là tình trạng có thể xảy ra với bất cứ ai bị bệnh đái tháo đường, cho dù là dùng insulin hay uống thuốc để kiểm soát lượng đường huyết. Lượng đường trong máu thấp thường xảy ra ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1. Nó làm suy yếu khả năng đáp ứng của cơ thể về đường huyết.

Trong khi đó, mất khả năng cảm nhận tình trạng hạ đường huyết cũng phổ biến hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, mặc dù nó có thể xảy ra đối với những người có bệnh tiểu đường type 2. Càng bị tiểu đường lâu, nguy cơ mất cảm giác với hạ đường huyết càng cao. Sau 20 năm, có thể bệnh nhân chỉ nhận ra khi đường huyết đã xuống thấp nghiêm trọng.

Khi đường huyết xuống thấp, cơ thể thường dừng việc giải phóng insulin và bắt đầu sinh ra các hormone khác, trong đó có glucagon và epinephrine giúp ổn định lượng đường trong máu. Epinephrine là hormone có thể gây ra các dấu hiệu hạ đường huyết mà người bị đái tháo đường nhận ra được. Nhưng nếu đường huyết tiếp tục xuống thấp, việc giải phóng epinephrine cũng sẽ ngừng lại. Khi đó, người bệnh khó có thể nhận ra đường huyết đã xuống thấp đến mức nào.

Cũng có một số nguyên nhân gây mất triệu chứng báo hiệu hạ đường huyết nếu bệnh nhân có bệnh lý thần kinh, hoặc tổn thương thần kinh; Từng có lần đường huyết xuống thấp nghiêm trọng; Dùng một số thuốc điều trị tim mạch hoặc huyết áp cao.

Ngoài ra, người bị đái tháo đường nói chung rất dễ bị hạ đường huyết do uống thuốc quá liều; do chế độ ăn quá kiêng khem, để quá giờ, mệt mỏi không ăn được hoặc bỏ bữa ăn; cũng có thể do vận động thể lực quá mức hay uống nhiều rượu.

Biến chứng và cách khắc phục

Hạ đường huyết thường xảy ra giữa các bữa ăn hoặc gần bữa ăn, nhất là khi bụng đói, ban đêm khi ngủ. Người bệnh cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh, toát mồ hôi, tay chân lạnh, đau vùng trước tim rồi cảm thấy khó thở. Dần dần, bệnh nhân hoa mắt, chóng mặt, nặng hơn là vã mồ hôi, ớn lạnh hoặc rét run. Ở giai đoạn nặng, biến chứng đái tháo đường có thể gặp là lú lẫn, kích động, liệt nửa người, co giật, hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở thậm chí dẫn đến tử vong.

Nếu cảm thấy mất khả năng cảm nhận hạ đường huyết, bệnh nhân nên đến bác sỹ để có kế hoạch điều trị tốt nhất. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được khuyên: 

- Thiết lập tăng lượng đường huyết cao hơn mức bình thường trong vài tuần.

- Kiểm tra đường huyết càng nhiều càng tốt: Trước khi đi ngủ, trước và sau khi tập thể dục, lý tưởng nhất vẫn là trước và sau ăn. 

- Tránh nguy cơ hạ đường huyết, ví dụ có thể cần phải điều chỉnh liều insulin cho phù hợp hơn với chế độ ăn uống và tập thể dục.

- Luôn mang theo thuốc uống đề phòng xử lý khẩn cấp.