Gửi tiết kiệm hay tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn?

ANTD.VN - Một trong những vấn đề được nhiều người lao động quan tâm là gửi tiết kiệm hay tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn?

Tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội được bảo toàn giá trị và tăng trưởng

Vấn đề này vừa được các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chia sẻ tại buổi Tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 22-8.

Bảo hiểm xã hội an toàn hơn

Chia sẻ quan điểm cũng như thông tin về việc gửi tiết kiệm hay tham gia bảo hiểm xã hội có lợi hơn, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp người lao động đặt câu hỏi bày tỏ về băn khoăn này. Họ cho biết với mức lương như hiện nay, nếu tích lũy theo hình thức gửi tiết kiệm sẽ tốt hơn và tôi đã trực tiếp giải thích cho họ rằng, tính an toàn của bảo hiểm xã hội cao hơn”.

“Tham gia bảo hiểm xã hội là phương án có tính chất chiến lược và dài hơi hơn, còn gửi tiết kiệm có thể giải quyết vấn đề trước mắt nhưng độ an toàn thấp hơn”, ông Vũ Quang Thọ cho hay. 

Về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thêm: “Trong thời gian vừa qua, có lẽ để thu hút khách hàng nên trên các trang mạng xã hội có đưa ra thông tin so sánh giữa việc tham gia bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm với quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu”. Theo ông Đỗ Ngọc Thọ: “Các thông tin đó đều đi đến kết luận là tham gia bảo hiểm nhân thọ và gửi tiết kiệm có lợi hơn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã so sánh và thấy rằng có một số khác biệt cơ bản”.

Ông Đỗ Ngọc Thọ phân tích: “Bảo hiểm xã hội là hoạt động phi lợi nhuận, còn bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiết kiệm là nhằm mục đích sinh lời. Vậy tiền lời đó ở đâu ra? Mặt khác, thù lao hay hoa hồng cho các đại lý của bảo hiểm nhân thọ rất lớn, những năm đầu từ 20-25% sau đó giảm dần nhưng cũng đến 5%. Chi hoa hồng lớn như vậy nhưng vẫn có lãi, thì lãi đó ở đâu ra? Những cái lợi đó sẽ lấy một phần từ đóng góp của người dân”.

Phần được là rất lớn

“Một vấn đề nữa đã được Luật quy định là quỹ bảo hiểm xã hội được Nhà nước bảo hộ, trong khi đối với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hay ngân hàng thì rõ ràng vẫn có thể phá sản. Khi các tổ chức này phá sản thì những đóng góp của người dân vào đó có thể mất trắng”, ông Đỗ Ngọc Thọ so sánh.

Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội chia sẻ thêm, các loại hình nêu trên có cơ chế vận hành khác nhau. Gửi tiết kiệm hoặc bảo hiểm nhân thọ thì hàng tháng sẽ nhận được một khoản tiền là lãi suất hoặc bảo tức. Tuy nhiên, gửi tiết kiệm nếu tính lâu dài thì trong vài chục năm sau, tiền gốc bị giảm giá trị rất nhiều. 

“Tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội được bảo toàn giá trị và tăng trưởng. Khi người lao động tới tuổi nghỉ hưu, giải quyết chế độ thì tiền đóng bảo hiểm ban đầu là 1 đồng thì đến lúc nhận chế độ không phải là 1 đồng nữa mà có giá trị tương đương nhiều đồng”, ông Đỗ Ngọc Thọ cho hay.

Ngoài ra, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu thì người hưởng lương hưu được bảo hiểm y tế. Đáng chú ý là trong thời gian vừa qua, gần như năm nào Chính phủ cũng tăng lương hưu. Từ năm 2003 đến nay, mức tăng lương hưu so với năm 2002 xấp xỉ là 7,5 - 9,3 lần. 

Như vậy, những cái được là rất lớn, khi người hưởng qua đời, thân nhân vẫn được chi trả một khoản trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, tương đương 13 triệu. Và thân nhân đủ điều kiện sẽ được hưởng chế độ tử tuất. “Vì những thông tin lan truyền trên mạng nên vừa qua chúng tôi đã có một so sánh rất chi tiết với đầy đủ các tham số đúng với trong thực tế thì bất luận trong trường hợp nào thì quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội vẫn lớn hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm”, ông Đỗ Ngọc Thọ khẳng định.