"Gối đầu giường" - Từ "thép đã tôi thế đấy" tới iPhone

ANTD.VN - Ngày còn đi học, thế hệ chúng tôi vẫn được cô giáo dạy văn dạy về những cuốn sách “gối đầu giường” của những thế hệ trước. Còn bây giờ thế hệ chúng tôi, thậm chí thế hệ con của chúng tôi “gối đầu giường” bằng những chiếc iPhone...

Chuyến bay muộn trở về Hà Nội. Hành khách trên tàu bay ai cũng mệt mỏi, mong sớm trở về nhà đoàn tụ với người thân. Tôi tựa lưng vào ghế nhưng cảm thấy khó chịu, không sao ngủ được vì ánh đèn rọi từ ghế của hai vị khách ngồi hai bên vẫn sáng.

Hai hành khách trung niên người Việt Nam, ngoài 50 tuổi. Họ đang đọc sách, hai cuốn sách đều nguyên bản tiếng Anh. Tôi liếc nhìn sang đầy ngạc nhiên. Một cuốn là tiểu thuyết về Sherlock Homels, cuốn còn lại là một cuốn sách nổi tiếng về khởi nghiệp “Zero to one”: Từ không đến một... Những hình ảnh đã từ lâu lắm rồi tôi không còn nhìn thấy.

“Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn” và đi thi học sinh giỏi văn lúc học... chuyên toán

Tuổi thơ của chúng tôi hầu như không có niềm đam mê nào ngoài sách. Cũng may mắn là thế hệ bố mẹ chúng tôi rất ham đọc sách. Tôi và cậu bạn thân của tôi, nhà có hai tủ sách rất dày, và chúng tôi sau khi đọc hết toàn bộ tủ sách thì có một đam mê là trao đổi và cho nhau mượn sách.

Chúng tôi đã đọc hết những tác phẩm nổi tiếng thế giới như: Chiến tranh và Hòa bình, Cuốn theo chiều gió, Sông đông êm đềm..., khoảng hơn 100 tác phẩm kinh điển ngay khi chúng tôi còn là học sinh cấp hai và rất nhiều tác phẩm khác nữa...

Cậu bạn tôi thì khao khát được mượn tiểu thuyết “Nhóm Chim Xanh” của tôi, còn tôi thì chỉ mong ước được mượn cuốn “Tiếng gọi nơi hoang dã” từ tủ sách nhà cậu ấy.

Những cuộc phiêu lưu của Huklberry Finn

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 ở Hà Nội, không internet, không có mạng xã hội, không tivi màn hình phẳng với hàng trăm kênh thuê bao... Sau khi đọc hết toàn bộ tủ sách của mình và của bạn bè, chúng tôi rủ nhau tìm sách ở ngoài. Thời ấy xuất hiện những cửa hàng cho thuê truyện, tuy nhiên chủ yếu là các loại truyện kiếm hiệp mà chúng ta hay gọi là truyện “chưởng”. Không hề có các tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng.

Thế là chúng tôi rủ nhau đi mua sách đọc. Sách truyện hồi đó cũng rất hiếm hoi và chưa bán nhiều như bây giờ. Chúng tôi là khách hàng ruột của những hiệu sách cũ – cũng rất hiếm vào thời ký ấy. Tôi còn nhớ chúng tôi hay lang thang ở hai hiệu sách cũ, một ở Quán Thánh và một ở phố Bà Triệu và dành dụm những đồng tiền quà sáng ít ỏi để mua sách.

Sau giờ học chúng tôi lại đạp xe đi lang thang để xem sách và mua sách. Tới mức bố tôi có một thời điểm thấy sau giờ học chúng tôi không về ngay và đi đâu đó đã bí mật theo dõi. Như sau này bố tôi kể lại, tuy nhiên khi thấy chúng tôi lang thang đi xem và mua sách. Bố tôi lại yên tâm quay về...

Hai chúng tôi học lớp chuyên toán. Tuy nhiên lại học cũng khá môn văn. Tôi được đi thi học sinh giỏi văn của Quận. Còn bạn tôi sau này lên cấp ba viết văn tốt đến nỗi buổi học nào cũng được cô giáo dạy văn gọi lên phát biểu và khen ngợi. Thầy chủ nhiệm có lần nói với bố tôi rằng, cháu nhà bác học không tập trung gì cả, suốt ngày ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ suy nghĩ cái gì ý, tôi lo là cháu nó không thể vào được cấp ba...

Ngày hôm nay, “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”, một tiểu thuyết nổi tiếng của Mark Twain đã rất phổ biến có thể tìm thấy dễ dàng ở bất kỳ hiệu sách nào. Cuốn sách đó in rất đẹp và nhiều màu sắc. Nhưng thời điểm ấy, những cuộc phiêu lưu của chúng tôi là tìm cho bằng được cuốn sách này. Nhưng không thấy ở bất kỳ hiệu sách cũ nào. Cho tới bây giờ chúng tôi vẫn nhớ, mong ước của chúng tôi là có được cuốn sách ấy, để khoe với bạn bè, tao đã được đọc tiểu thuyết này rồi.

Tuổi thơ của chúng tôi đã trôi qua bên những trang sách như vậy. Có thể nói đó là một tuổi thơ đầy bình lặng nhưng đã ảnh hưởng lớn tới tâm hồn của chúng tôi sau này...

Từ “sách gối đầu giường” tới “iPhone gối đầu giường”

 Nếu như thế hệ bố mẹ của chúng tôi trưởng thành và lớn lên với cuốn sách gối đầu giường là “Thép đã tôi thế đấy” thì đối với thế hệ chúng tôi, có lẽ là thế hệ cuối cùng còn có khái niệm đam mê và đọc sách.

Rất tiếc là tới thế hệ chúng tôi, đã không còn một cuốn sách nào có thể gọi là gối đầu giường nữa. Văn hóa đọc đã dần dần mất đi không thể cưỡng lại được. Khi chúng tôi lên cấp ba, làn sóng truyện tranh nước ngoài đã tràn vào Việt Nam.

Thay vì đọc những tác phẩm kinh điển toàn chữ và dày cộp, chúng tôi đã chuyển sang đọc những 07 viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Đôrêmon... Những chuyện tranh đó mô tả trẻ con đánh nhau với các tiếng chát, bụp hự... được vẽ bằng tranh.

Đó đã không còn là những câu chuyện kinh điển, những dòng chữ mà khi đọc chúng tôi tưởng tượng như thấy được hình ảnh đàn chó chạy như bay trên băng tuyết trong Tiếng gọi nơi hoang dã hay hình ảnh Scarlett đứng trong ráng chiều đỏ rực ở Tara của Cuốn theo chiều gió...

Hôm nay, gối đầu giường của chúng tôi theo nghĩa đen và nghĩa bóng là những chiếc iPhone hay smartphone nào đó. Chúng tôi dùng iPhone để vào facebook, để xem tin tức, để chơi games, để làm việc. Hầu như ít ai dùng iPhone để đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học kinh điển. Ai cũng nói rằng không có thời gian, dài thế làm sao mà đọc được, thế nhưng không ai nhận ra rằng, chút văn hóa đọc cuối cùng của chúng ta đã dần dần mất đi...

Tới iPhone gối đầu giường trong thế kỷ 21

"Gối đầu giường" - Từ "thép đã tôi thế đấy" tới iPhone ảnh 4

Tập trung vào smartphone

"Gối đầu giường" - Từ "thép đã tôi thế đấy" tới iPhone ảnh 5

Sách là nơi cất giữ trí tuệ...

Gần đây, một bài viết có tên là “Người Trung Quốc không đọc sách, thật đáng lo ngại” của một người kỹ sư Ấn Độ đã lan truyền rộng rãi trên các trang mạng. Người kỹ sư này lo lắng rằng nếu như thế thì Trung Quốc tương lai có thể sẽ phải trả giá lớn. Trong tác phẩm “Xã hội chỉ số thông minh thấp” của ông Kenichi Ohmae, bậc thầy quản lý người Nhật Bản bất ngờ đã động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của người Trung Quốc.

Ông nói trong sách của mình: “Khi du lịch ở Trung Quốc phát hiện, khắp mọi ngõ ngách trong thành phố đều là tiệm mát-xa, còn cửa hàng sách thì chỉ lèo tèo thưa thớt. Người Trung Quốc đọc sách mỗi ngày không đến 15 phút, trung bình chỉ bằng một phần mấy chục của Nhật Bản, Trung Quốc là ‘quốc gia chỉ số thông minh thấp’ điển hình, trong tương lai khó có thể trở thành một quốc gia hiện đại”.

Khi đọc những bài viết này, chúng ta cũng cần giật mình nhìn nhận lại văn hóa đọc của chúng ta.

Theo một thống kê được đưa ra, trung bình hàng năm mỗi người Trung Quốc chỉ đọc 0,7 quyển sách, Hàn Quốc là 7 quyển, người Nhật Bản đọc 40 quyển, người Nga là 55 quyển. Trong số 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, hầu hết đều là các quốc gia phát triển, các cường quốc.

Danh sách này không có Trung Quốc và cũng không có Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công bố tháng 4-2013, mỗi năm mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách.

Chúng ta sang liên bang Nga hay Nhật Bản đều thấy những hình ảnh rất quen thuộc trên đường phố. Hình ảnh người Nga hay người Nhật chăm chú đọc sách khi đi bộ, trong ga tàu điện ngầm, trên xe điện. Họ là những quốc gia có nền văn hóa đọc. Văn hóa để phát triển bền vững và nhân văn. Còn đối với chúng ta, hình ảnh một nhóm bạn trong một quán cafe mỗi người đều chăm chú vào chiếc iphone và không để ý tới ai khác không còn xa lạ...

Quốc gia thích đọc sách nhất thế giới là Israel. Ở Israel, trung bình mỗi năm người dân đọc đến 64 quyển sách. Ngay từ khi trẻ nhỏ bắt đầu biết nhận thức, hầu như mỗi bà mẹ đều nghiêm túc dạy bảo con: “Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được”.

Văn hóa đọc – Văn hóa tôn trọng và lắng nghe nhau...

Tôi không dám kết luận bất kỳ điều gì về giá trị của văn hóa đọc với sự phát triển của một quốc gia, đất nước. Tôi chỉ suy nghĩ một cách đơn giản là, nếu có văn hóa đọc, chúng ta sẽ tôn trọng, lắng nghe và hiểu nhau hơn. Cuộc sống sẽ tốt đẹp và nhân văn hơn...

Khi nhìn bài viết dài của một người bạn trên facebook, điều đầu tiên chúng ta làm là bỏ qua, không đọc vì dài quá, có thể like một cái cho bạn phấn khởi rồi... bỏ qua. Không đọc những dòng ấy, có thể khiến chúng ta mất đi cơ hội được đọc, được nghe những điều thú vị và có ý nghĩa. Không phải bởi chúng ta ngại, vì chúng ta không có văn hóa đọc...

Rồi khi chúng ta viết dài, chúng ta lại muốn bạn bè của mình đọc, và muốn được khen... Không muốn đọc bài và khen bài của người khác nhưng lại muốn người khác đọc bài và khen bài của mình... Đó là chúng ta đã không có văn hóa tôn trọng và lắng nghe nhau.

Dần dần tới những công việc lớn hơn và phức tạp hơn, những văn bản dài cần phải góp ý, nghiên cứu kỹ, nhưng vì ngại đọc, không đọc, nên vô tình chúng ta để xuất hiện những lỗi đáng tiếc... Đôi khi vì không đọc kỹ các văn bản, nên dẫn đến những hiểu lầm, tranh cãi không đáng có. Thậm chí có những hậu quả đau thương hơn, gia đình tan vỡ...

Một thầy giáo của chúng tôi đã từng nói, bố mẹ tốt thì đọc chuyện cổ tích cho con nhỏ nghe, bố mẹ xấu thì cắm mặt vào smartphone. Có lẽ từ hôm nay, hãy mạnh dạn bỏ những chiếc iPhone và truyện tranh ra khỏi tay con của mình để tặng cho con những cuốn truyện cổ tích nhân văn và sâu sắc. Để xây dựng lại văn hóa đọc – văn hóa tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Dẫu muộn còn hơn không...