Giáo viên bạo hành học sinh: Cần xử lý nghiêm khắc để răn đe

ANTĐ - Thời gian qua tại một số trường học đã liên tiếp xảy ra những vụ giáo viên có hành vi bạo lực đối với học sinh. Hiện tượng này không chỉ báo động về sự xuống cấp đạo đức của người thầy mà còn khiến nhiều phụ huynh và học sinh cảm thấy bất an.

Giáo viên bạo hành học sinh: Cần xử lý nghiêm khắc để răn đe ảnh 1Hình ảnh một giáo viên túm tóc, mắng chửi học sinh được chia sẻ trên mạng

Bị thầy đánh rạn xương 

Cách đây không lâu, đoạn clip ghi lại hình ảnh tại một lớp học ở tỉnh Quảng Ninh đã được tung lên mạng và lan truyền khá nhanh. Trong clip này, một cô giáo đã túm tóc và không ngớt lời chửi mắng học trò chỉ vì cậu học sinh mắc lỗi trước đó. 

Vào đầu tháng 1 vừa qua, thầy N.M.Đ (một giáo viên ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã phải nhận quyết định kỷ luật do có hành động xâm phạm thân thể, nhân phẩm nhiều học sinh tại trường như bắt học sinh nằm ngửa rồi đổ nước vào miệng, dùng thước đánh vào đầu, bắt trò nằm sấp xuống nền nhà rồi dùng thước đánh, dùng tay bạt tai. 

Gần đây nhất, vào ngày 24-2 tại tỉnh Thanh Hóa, em Đ.L.A đã bị hành hung ngay tại trường, khiến em bị rạn xương cánh tay, vỡ mỏm khuỷu tay. Nguyên nhân là do sáng 24-2 khi chưa vào giờ học, có bạn trong lớp nhặt được cây gậy tập thể dục bị gãy đã mang lên lớp chơi. Đến giờ học, thầy giáo thu lại để lên góc bảng. Trong giờ học, A và bạn cãi nhau gây ồn nên thầy giáo yêu cầu A đứng dậy lấy gậy mang xuống văn phòng rồi cầm gậy này vụt vào gáy, lưng và tay A gây thương tích.

Bình luận về những hành động nêu trên có nhiều ý kiến trái chiều. Anh Nguyễn Văn Đình - một phụ huynh học sinh ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ, trẻ con vốn hiếu động, đặc biệt là trẻ nam ở độ tuổi mới lớn thường nghịch ngợm. Khi bị bố mẹ hay thầy cô nhắc nhở hay có phản ứng lại khá gay gắt khiến người lớn dễ mất bình tĩnh, không kiềm chế được. “Sự việc nào cũng có nguyên nhân từ hai phía. Khi thấy con mình bị thầy cô áp dụng các hình thức kỷ luật, phụ huynh cần hỏi lại cho cặn kẽ, không nên quy kết trách nhiệm ngay cho bất cứ bên nào. Hơn nữa, thầy cô cũng chỉ là người thường nên có lúc mắc sai lầm, cần được thông cảm”.

Trái ngược với quan điểm này, chị Lê Thị Lan Thu, ở khu đô thị Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm tỏ ra khá giận dữ: “Đành rằng khi gặp học sinh cá biệt, ngang ngược các thầy cô rất dễ nổi cáu. Nhưng những giáo viên thích thể hiện uy quyền, đứng trước học sinh mà ngang nhiên văng tục hoặc có hành vi hạ nhục, đánh đập học sinh là hành động phản giáo dục, không chấp nhận được. Theo tôi, ngành giáo dục cần xử lý nghiêm những giáo viên này tránh làm ảnh hưởng đến uy tín của các thầy cô nói chung”.

Giáo viên chưa được chú trọng đào tạo kỹ năng sống

Về nạn bạo lực trong nhà trường xảy ra thời gian gần đây, cô Vũ Minh Hằng - nguyên giảng viên môn Tâm lý học - trường ĐH Quốc gia cho rằng, điều này thể hiện sự bức xúc, dồn nén tâm lý trong bản thân mỗi giáo viên khiến họ mất khả năng kiểm soát trong một thời điểm nào đó.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do giáo viên tuy được giáo dục nhiều về chuyên môn nghiệp vụ, song lại không được chú trọng đào tạo về kỹ năng sống, đạo đức nghề nghiệp, cách ứng phó với tình huống khủng hoảng. Những hành động của họ cũng chứng tỏ rằng, tình thương yêu của họ với học sinh chưa đủ lớn. Trong khi đó, về góc độ học sinh, công tác giảng dạy tại các nhà trường hiện cũng chỉ quan tâm đến việc dạy chữ mà xem nhẹ việc dạy làm người, khiến nhiều em học sinh có những hành động, cử chỉ thiếu lễ phép với các thầy cô giáo, coi thường nội quy, quy định của nhà trường.

Xét cho cùng, dù học sinh mắc lỗi gì thì việc sử dụng bạo lực của giáo viên là hoàn toàn sai lầm. Nó tác động mạnh đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ bị bạo hành sẽ không còn hứng thú khi đến trường, không còn sự tôn trọng đối với thầy cô, dần hình thành tư tưởng tiêu cực như chống đối, bất mãn, thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm trong thời gian dài. 

Hơn nữa, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hay tội cố ý gây thương tích... Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc tiếp theo, mỗi giáo viên cần tự hoàn thiện kỹ năng sống, từ đó có cách xử sự phù hợp trong mọi tình huống, để học trò luôn “tâm phục, khẩu phục”! Đồng thời ngành giáo dục cũng cần có những hình thức xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe những thầy cô còn có ứng xử chưa phù hợp với học sinh.