Giao dịch qua mạng, du khách hoảng hồn bỏ chạy khi nhận phòng nghỉ sát...nghĩa trang

ANTD.VN -Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc phản ánh, mặc dù đã đặt phòng khách sạn qua mạng, thanh toán đầy đủ nhưng khi tới nơi tìm mỏi mắt vẫn không thấy khách sạn đã đặt đâu, hoặc có tìm thấy thì hình ảnh thực tế cũng khác xa quảng cáo.

Phòng hướng biển thành "view"...bãi tha ma

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ, chị  B.H.P ở Khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, do gia đình chị lên chương trình đi nghỉ mát khá gấp vào đầu tháng 7 tại Quảng Bình nên chị đã vội vã lên mạng Internet tìm đặt phòng, vé máy bay. Vì sát ngày nên những khách sạn chị P dự định đặt không còn chỗ trống.

Trong khi chưa biết xử lý ra sao, chị P bất ngờ đọc được thông tin của một tài khoản đăng trên Facebook với nội dung nhượng lại phòng khách sạn ở Quảng Bình với giá rẻ do có việc đột xuất. Mừng như bắt được vàng, chị P nhắn tin vào tài khoản trên đề nghị lấy lại phòng và nhanh chóng thanh toán  toàn bộ chi phí qua chuyển khoản.

Tuy vậy, khi đến Quảng Bình, mặc dù đã mất vài tiếng đồng hồ tìm kiếm, chị P vẫn không thể tìm được khách sạn mình đã đặt. Liên lạc với người đã bán phòng nhưng không nhận được hồi âm, chị P hỏi thăm những người dân sống tại khu vực thì được biết, khách sạn đó không hề tồn tại và trước chị P cũng đã có du khách rơi vào tình cảnh tương tự.

Mùa du lịch, du khách cần thận trọng khi đặt phòng khách sạn qua mạng (ảnh minh họa)

Không đặt khách sạn qua mạng xã hội, chị B.P.C ở khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội lại chọn cách vào các trang web trên mạng để tìm phòng. Qua một trang web đặt phòng của Mỹ có hỗ trợ tiếng Việt và thanh toán tiền qua thẻ visa, sau khi xem những ảnh chụp khách sạn, phòng ăn, ở khá lung linh với những giàn hoa, thảm cỏ xanh mướt kèm theo, chị C đã đặt quyết định đặt phòng hướng biển tại một khách sạn ở Hà Tĩnh với tổng số tiền (bao gồm cả phí dịch vụ) là 1.500.000 đồng/phòng/1 đêm.

Song khi đến nơi, gia đình chị C phải nhanh chóng bỏ của chạy lấy người khi thấy khách sạn đó nằm...sát nghĩa địa, hướng phòng ngủ nhìn thẳng ra các ngôi mộ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của khách sạn này cũng khá nghèo nàn, nhếch nhác, khác xa những hình ảnh hoành tráng trên mạng. Chị C đã liên hệ với số điện thoại hỗ trợ của trang web đặt phòng khách sạn này ở Việt Nam nhưng không ai nhấc máy. 

Cực chẳng đã, dù đang trong tình trạng vừa đói vừa mệt, gia đình chị C phải rồng rắn kéo nhau đi tìm khách sạn khác vào lúc 20h tối, chấp nhận mất toàn bộ số tiền đã đặt phòng.

Làm thế nào để không bị lừa?

Anh Trần Trọng Hoàng – Giám đốc một Công ty lữ hành ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, khi đặt phòng khách sạn online, khách hàng phải thanh toán tiền trước khi sử dụng phòng mà chưa trực tiếp đến khách sạn xem qua phòng nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Phần lớn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng chung các chiêu thức như đăng tải hình ảnh siêu đẹp từ nội thất căn phòng, phong cảnh, tiện ích ngoại vi của khách sạn, đưa ra giá rẻ bất ngờ…

Để thu hút khách, có cá nhân còn lập ra các tài khoản giả danh khách hàng  tự đánh giá chất lượng bốn sao, năm sao cho khách sạn của mình trên các website đặt phòng online hoặc đưa những bình luận có cánh về chất lượng phòng như “siêu rẻ, siêu hấp dẫn”, “siêu ưu đãi”…

Để tránh tình trạng bị lừa khi đặt phòng qua mạng (phòng giá cao, phòng không đúng như trong quảng cáo, khách sạn “ma”) khách hàng nên tìm khách sạn trên các website booking sau đó đặt trực tiếp qua khách sạn.

 Nếu muốn đặt phòng qua các trang web, du khách nên chọn các ứng dụng uy tín, phổ biến. Trước khi đặt phòng, mỗi cá nhân nên tham khảo giá ít nhất 3 trang web đặt phòng khác nhau. Du khách cũng nên lựa chọn các khách sạn có nhiều bình luận, phản hồi tốt của khách đã thuê trước đó – anh Trọng Hoàng đưa ra lời khuyên.

Khi đặt phòng trực tuyến, khách hàng cần tìm hiểu kỹ các thông tin như số lượng người/phòng, loại phòng, địa chỉ khách sạn, đơn vị đặt phòng. Du khách nên truy cập vào website hoặc gọi điện thoại đến khách sạn mình lựa chọn để kiểm tra lại các thông tin được khách sạn cung cấp có trùng khớp với thông tin trên ứng dụng trung gian không.

Ngoài ra, du khách cũng cần tra cứu tên, địa chỉ của khách sạn trên ứng dụng tìm kiếm để xác thực khách sạn mình chọn ở có thực hay không, tránh tham rẻ để sập bẫy kẻ gian.

Về hành vi gian lận trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng đặt phòng qua mạng, theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội, Nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt cao nhất đối với cá nhân có hành vi này là 20 triệu đồng. Mức phạt này được nhân đôi đối với tổ chức. Nếu đủ dấu hiệu cẩu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS 2015 với mức phạt tù cao nhất là 5 năm tù.