Giảm gánh nặng cho người bệnh

ANTD.VN - Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia được kỳ vọng là một trong những giải pháp hữu hiệu, đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh, hướng tới giá cả hợp lý, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài chính trên cơ sở vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. 

Bộ Y tế vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu mua thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc lần đầu tiên được thực hiện theo hình thức tập trung đã tiết kiệm được 477 tỷ đồng so với phương pháp đấu thầu trước đó. Đây là một tín hiệu đáng mừng tuy vẫn còn khá nhiều vướng mắc, băn khoăn.

Việc đấu thầu đơn lẻ thuốc thời gian qua tại từng tỉnh, thành phố và cơ sở khám chữa bệnh đã tạo ra sự vênh giá trúng thầu khác nhau, khiến một số mặt hàng có giá quá cao. Ngay trong một địa phương, giữa các bệnh viện khác nhau cũng có giá chênh lệch với cùng một loại thuốc, cùng một dạng hoạt chất.

Đấu thầu riêng lẻ còn gây ra sự hỗn loạn về các mặt hàng thuốc khi có khá nhiều loại thuốc trúng thầu có cùng một hoạt chất. Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu đấu thầu thuốc tập trung sẽ giúp quản lý tốt hơn chuỗi cung ứng, giá và chất lượng thuốc. Với mục tiêu giảm giá thuốc đấu thầu khoảng 10-15% theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của nhân dân, đấu thầu tập trung được cho là thích hợp nhất và bước đầu thực hiện cũng ghi nhận kết quả đáng mừng khi giá thuốc trúng thầu đã giảm được 17% so với giá kế hoạch.

Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, kết quả đấu thầu là khả quan, nhưng vấn đề là đưa vào thực tiễn điều trị cho người bệnh như thế nào. Đặc biệt, trong khâu đấu thầu cũng bộc lộ khó khăn.

Thông tư của Bộ Y tế không quy định các tỉnh, thành phố được thành lập trung tâm đấu thầu thuốc tập trung, do vậy các địa phương giao cho một bệnh viện đứng ra đấu thầu, gây ra tình trạng quá tải vì bệnh viện đâu phải là “chủ thầu” chuyên nghiệp, cho nên việc giải quyết những rắc rối “hậu đấu thầu” gặp lúng túng, nhất là mối quan hệ với các bệnh viện bộ, ngành.

Hơn thế, một số bệnh viện hợp đồng lại lấy ít hơn một số loại thuốc so với dự trù khiến nhà thầu khó xử lý. Mặt khác, trong danh mục đấu thầu có một số hoạt chất ít được sử dụng hoặc sử dụng với số lượng nhỏ nên nhà thầu không thể ký hợp đồng hoặc không cung ứng được.

Nhìn vào con số 477 tỷ đồng tiết kiệm được trong lần đầu tiên đấu thầu thuốc tập trung, chắc chắn người bệnh vui mừng, phấn khởi hơn ai hết. So với các nước có điều kiện tương đồng về kinh tế, người dân Việt Nam vẫn phải chi cho thuốc chữa bệnh rất cao, lên tới 41%. Đấu thầu thuốc tập trung chính là giảm gánh nặng cho hàng nghìn người bệnh, vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa có giá trị kinh tế.