Giải cứu tôm hùm và trào lưu ăn theo "mốt"

ANTD.VN - Dịch Covid-19 bùng phát rồi lan ra mấy chục quốc gia trên thế giới khiến giao thương đình trệ, nhiều mặt hàng nông sản ùn ứ rồi xuống giá mạnh do không xuất khẩu được. Các bà nội trợ thi nhau giải cứu từ dưa hấu cho tới thanh long, chuối…Và lần đầu tiên, tôm hùm, đặc sản cao cấp cũng bị lâm vào cảnh… khủng hoảng thừa. 

Giải cứu tôm hùm và trào lưu ăn theo "mốt" ảnh 1

Thiên nan, vạn nan

Thực ra, nếu không có dịch Covid-19 thì hiếm có gia đình nào bỗng dưng mua tôm hùm về để chế biến bữa ăn thường ngày. Bởi lẽ, ngoài việc nó là đặc sản cao cấp, giá thành có khi bằng tiền chợ cả tháng của một bà nội trợ thì còn một lý do khác khá quan trọng và mang tính quyết định - chế biến nó là cực kỳ phức tạp.

Chỉ quãng tuần trước thôi, dường như toàn bộ facebooker Việt Nam vào cuộc giải cứu tôm hùm. Các bài viết của bạn bè, đâu đâu cũng thấy check-in cạnh mấy con tôm hùm, lúc thì livestream cảnh tôm còn sống bơi lờ đờ trong bể, khi ảnh tôm đã được hấp chín đỏ rực nằm cạnh chén muối tiêu. Người bán tôm hùm trên mạng cũng muôn hình vạn trạng. Có khi đang bán mỹ phẩm xách tay, thấy tôm hùm bắt “trend” (từ khóa tìm kiếm nhiều) liền quay ra nhập tôm hùm về bán. Dĩ nhiên, tất cả đều ship tận nơi.

Tôi có anh bạn nhà báo, ngày thường chăm chỉ viết lách, tự dưng thấy rao bán tôm. Ừ thì ủng hộ, chỗ quen nên tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng. Thấy bảo, ngày thường, tôm to cỡ 4-5 lạng/con giá dao động từ khoảng 1,5- 1,7triệu/kg. Nay mua, giá hạ nhiều, chỉ còn 890 nghìn đồng/kg. Tôi mua 6 con, mọi giao dịch đều thực hiện qua tin nhắn  facebook. Anh bạn cẩn thận mang tôm đến tận nhà rồi dạy cách bảo quản tôm, đảm bảo còn sống cho đến khi… vào nồi.

Thực ra, nếu không có dịch Covid-19 thì hiếm có gia đình nào bỗng dưng mua tôm hùm về để chế biến bữa ăn thường ngày. Bởi lẽ, ngoài việc nó là đặc sản cao cấp, giá thành có khi bằng tiền chợ cả tháng của một bà nội trợ thì còn một lý do khác khá quan trọng và mang tính quyết định - chế biến nó là cực kỳ phức tạp.

Trước tôm hùm, mạng xã hội có nhiều trào lưu về ẩm thực. Đỉnh điểm nhất là trào lưu chè khúc bạch. So với những món chè truyền thống của Hà Nội thời bây giờ, chè khúc bạch là món ăn theo mốt. Mà đã là mốt thì có lúc lên ngôi sẽ có lúc thoái trào. Cơ bản, món chè khúc bạch giờ đây gần như không được ai nhắc đến nữa.

Chuyện “ăn tôm hùm” nó đơn giản vì từ bé đến giờ cũng dăm bảy lần ăn ở các nhà hàng hải sản rồi, nhưng mua về nhà, tự tay chế biến tôm thì ôi chao, thiên nan vạn nan. Cảm giác cầm vào con tôm nặng tới nửa cân vẫn còn sống, đuôi đập tanh tách nói chung rất khó tả. Sơ chế thế nào là câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu. “Giáo trình” dạy nấu ăn trên Youtube được mở ra. Đầu tiên là rửa cho sạch, sau đó thì tách ra làm đôi. Vỏ tôm thì cứng, kéo lách vào cắt mãi mới chia được ra thành 2 phần.

Mướt mồ hôi. Thôi chẳng phức tạp nướng phô mai hay bơ tỏi này kia. Thân tôm thì hấp. Hấp bao nhiêu phút, lại phải nhờ Youtube thị phạm. Đầu tôm thì nấu cháo. Youtube dạy, trước khi mang gạo đi nấu cháo phải rang lên cho thơm. Vậy là rang, kèm thêm chút đậu xanh. Xào qua xào lại rồi cho vào nồi hầm. Hành hoa, mùi, ớt bột, tiêu bột chờ sẵn cho tôm chín, cháo nhuyễn. 

Vừa làm vừa học thế cũng xong. Lên mâm cả nhà đương nhiên ngon miệng. Tất nhiên lần đầu vừa làm vừa dò thế cũng là thành công. Ăn được cả, không đến nỗi bị chê là nội trợ gia đình đã hả hê lắm rồi. Nhưng tóm lại tôm hùm không đơn giản như các con tôm khác. Nó vẫn phải là món ăn sang trọng trên bàn tiệc. Nó phải được chế biến theo một cách chuyên nghiệp chứ không phải nghiệp dư vừa tách tôm vừa nhìn Youtube  dạy nấu ăn.

Dù cho giá có hạ sâu, mua theo kiểu giải cứu thì vẫn là món ăn đắt đỏ. Vì thế, đa phần các bà nội trợ vốn có tính căn cơ bảo nhau:  “Thôi ăn một lần cho biết!”. Cũng không biết có phải vì thế hay không, mà tuần này, “trend” tôm hùm giảm hẳn nhiệt trên “phây”.

Xu thế ẩm thực trên mạng xã hội

Thực ra, nhu cầu ăn tôm hùm không phải là sự quá thôi thúc với nhiều người nếu như mạng xã hội không liên tục tấn công vào tư duy và thị giác. Việc giải cứu tôm hùm cứ tưởng là rẻ, nhưng vẫn phải tiền triệu/kg (nếu là tôm loại ngon và còn sống) và không hề dễ dàng với các bà nội trợ như như giải cứu dưa hấu (7 nghìn đồng/kg) hay giải cứu củ cải, thanh long, chuối…. Việc mua tôm hùm, ăn thì vừa phải mà đăng lên mạng xã hội mới là mục đích chính của rất nhiều người.

Trước tôm hùm, mạng xã hội có nhiều trào lưu về ẩm thực. Đỉnh điểm nhất là trào lưu chè khúc bạch. So với những món chè truyền thống của Hà Nội thời bây giờ, chè khúc bạch là món ăn theo mốt. Mà đã là mốt thì có lúc lên ngôi sẽ có lúc thoái trào. Cơ bản, món chè khúc bạch giờ đây gần như không được ai nhắc đến nữa.

Món thứ hai, cả mạng xã hội từng rùng rùng kéo nhau đi ăn và bây giờ gần như biến mất trong thực đơn là mỳ cay 7 cấp độ. Những người sành ăn, khó tính kiểu như những người Hà Nội cũ mới chỉ nhìn nồi mỳ thôi đã lắc đầu đi ra chứ đừng nói là ăn, mà lại còn cay xé ruột xé gan. Ấy thế mà thi nhau đi ăn. Ai ăn thì cũng phải check-in. Bây giờ ở Hà Nội, hình như những hàng mỳ cay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, hoặc là phải thay đổi thực đơn rồi. Có biết bao người trẻ, đầu tư vào mỳ cay 7 cấp độ để rồi vỡ mộng khi trào lưu đã nhạt.