Giá thuốc giảm mạnh giúp tiết kiệm 251 tỷ đồng, liệu có tiền nào của nấy?

ANTD.VN -Thuốc chữa bệnh là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Thế nên thông tin qua đấu thầu thuốc tập trung 20 mặt hàng thuốc kháng sinh đầu năm 2018 tiết kiệm được hơn 251 tỷ đồng nhờ giá thuốc giảm mang đến nhiều niềm vui nhưng cũng không ít băn khoăn…

Thẩm định hồ sơ đấu thầu tập trung thuốc quốc gia tại BHXH Việt Nam

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa thông tin cho biết, nhờ đấu thầu tập trung đã giúp giảm đến hơn 251 tỷ đồng tổng giá trị của 20 thuốc kháng sinh thuộc 5 hoạt chất so với năm 2017, trung bình mỗi mặt hàng thuốc giảm giá 10 - 15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó. Đặc biệt, có mặt hàng thuốc giảm tới 54%.

Điều dư luận băn khoăn là giá thuốc rẻ, liệu chất lượng có đảm bảo? Trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, thuốc là một mặt hàng đặc biệt nên kế hoạch đấu thầu phải đảm bảo tiêu chí quan trọng là chất lượng, số lượng và giá hợp lý.

“5 hoạt chất này được chia thành các nhóm thuốc: Nhóm sản xuất ở nước ngoài, nhóm sản xuất trong nước... Do đó, nhóm thuốc thể hiện chất lượng thuốc chứ không phải giá thuốc, và không có chuyện "tiền nào của nấy”” – ông Sơn khẳng định.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Trưởng ban Dược - Vật tư - BHXH Việt Nam dẫn cho biết, trước đây có hiện tượng cùng một loại thuốc, một loại vật tư, nhưng tại các tỉnh giá lại khác nhau, do đó, đấu thầu tập trung khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá.

Ví dụ, cùng một loại thuốc nhưng năm trước đấu thầu với giá 2.000 đồng thì năm nay đấu thầu tập trung chỉ còn 1.500 đồng, tức là giá đã rẻ hơn 500 đồng. Nghĩa là giá rẻ hơn nhưng vẫn là cùng một loại thuốc đó chứ không phải thuốc kém chất lượng hơn.

Hơn nữa, với cách tổ chức tự đấu thầu như trước kia, mỗi địa phương, mỗi bệnh viện là một hội đồng thầu khiến nhà thầu tốn kém tiền bạc vì di chuyển để làm hồ sơ thầu ở nhiều nơi, khiến giá thuốc phần nào bị đẩy cao hơn. Hình thức đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia giải quyết được bất cập nêu trên. Hơn nữa, nếu đơn vị tổ chức đấu thầu khi xây dựng giá kế hoạch tốt, sẽ có chất lượng tốt, nếu giá phê duyệt cao thì mua giá cao.

Ngoài ra, việc đấu thầu tập trung thuốc quốc gia cũng giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí đấu thầu so với trước đây. Nếu như trước đây, việc đấu thầu riêng lẻ tại các tỉnh/ thành, các cơ sở khám chữa bệnh thì các hội đồng thầu phải rất nhiều lần tổ chức đấu thầu, mỗi cuộc kéo dài khoảng 4 tháng, nhà thầu mất nhiều thời gian thì nay BHXH Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung 1 lần đã giải quyết được nhu cầu sử dụng thuốc cho khoảng 483 cơ sở khám, chữa bệnh…

Đại diện BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, các nhà thầu, bệnh viện, cơ quan báo chí nếu phát hiện bất kỳ điều gì không minh bạch, không công khai liên quan tới giá, chất lượng thuốc thì cơ quan này sẽ vào cuộc làm rõ, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Giá thuốc điều trị luôn được người bệnh đặc biệt quan tâm

Phía BHXH Việt Nam thông tin thêm, theo kế hoạch 2018, đơn vị này đã đề xuất với Bộ Y tế tổ chức đấu thầu thuốc tập trung 9 hoạt chất với 21 danh mục thuốc và sẽ áp dụng vào năm 2019 - 2020. Đây là 9 hoạt chất được sử dụng với số lượng lớn và ở nhiều nhóm, mức giá khác nhau, trong 21 thuốc thì nhóm kháng sinh chiếm 16 thuốc…

Dù vậy, cả BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đều cùng khẳng định, để đảm bảo hiệu quả việc đấu thầu thuốc tập trung, đảm bảo số lượng và chất lượng thuốc thì sau đấu thầu, vấn đề quan trọng là phải giám sát chất lượng thuốc và điều phối nhu cầu sử dụng thuốc giữa các cơ sở y tế.

Theo lãnh đạo một số bệnh viện, mục tiêu hướng tới không phải nền y tế giá rẻ mà phải mà là nâng cao chất lượng thuốc để người bệnh dùng thuốc giá hợp lý, bảo đảm chất lượng, sớm khỏi bệnh. Mà để nâng cao chất lượng thuốc, phải dựa vào các đơn vị dùng thuốc vì họ có nhiều kinh nghiệm nhất.