Gây tổn hại về tinh thần cũng có thể là hành vi bạo lực gia đình

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Tôi bị vợ bắt làm việc nhà hàng ngày, rồi thường xuyên chửi bới, lăng mạ tôi và không cho giao thiệp với bạn bè. Vậy đó có phải là bạo hành tinh thần không, thưa luật sư?Vũ Xuân Ân (Bắc Ninh)

Lăng mạ và cấm chồng giao thiệp với bạn bè sẽ bị xử phạt hành chính 

Luật sư trả lời: Bạo lực tinh thần là dạng hành vi không sử dụng vũ lực thông thường như đánh đập, hành hạ, hay bất cứ hành vi nào gây tổn thương vật lý đến cơ thể nạn nhân. Loại bạo lực này chủ yếu sử dụng lời nói chì chiết, nhục mạ, hạ thấp phẩm giá nạn nhân, kiểm soát hoạt động của nạn nhân, lợi dụng vị thế trong gia đình của mình để gây áp lực, buộc người kia phải tuân theo mình, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy khó nhận diện hơn so với bạo lực thể chất nhưng hậu quả, di chứng của bạo lực tinh thần lại có thể kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân.

Theo quy định tại Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Cụ thể, Điều 2, Luật Phòng chống bạo lực gia đình xác định, bạo lực gia đình gồm các hành vi: hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; cưỡng ép quan hệ tình dục; cưỡng ép tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ, kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính...

Những hành vi bạo lực này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng. Như vậy là pháp luật thừa nhận hành vi gây tổn hại về tinh thần là một trong những hành vi bạo lực gia đình. 

Luật sư Đặng Văn Sơn - VPLS Đặng Sơn và Cộng sự Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội

Về chế tài của hành vi bạo lực gia đình thì Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình đã quy định rõ. Cụ thể: 

- Điều 51: Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình quy định, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình. 

- Điều 52: Nghị định này cũng quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó...

Đối chiếu với trường hợp bạn nêu thì vợ bạn đã vi phạm quy định về phòng chống bạo lực gia đình, tương ứng với các hành vi mà mức xử phạt quy định tại Điều 51 và 52, Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, bạo lực gia đình thường liên quan chặt chẽ đến cá nhân và mối quan hệ gia đình riêng tư nên việc xử lý hành chính bằng phạt tiền hay xin lỗi nạn nhân, thậm chí cả hình phạt tù không hẳn là phương thức hữu hiệu. Mặt khác, những hậu quả, ảnh hưởng mà nạn bạo lực nói chung và bạo lực tinh thần nói riêng gây ra là vô cùng nghiêm trọng. Vì vậy, pháp luật cần có thêm những quy định chặt chẽ nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực tinh thần trong gia đình hiện nay.