Gấp rút chuẩn bị cho hơn 866.000 thí sinh thi THPT quốc gia

ANTD.VN - Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào cuối tuần sau với 90.000 cán bộ và hơn 85.000 tình nguyện viên phục vụ công tác thi trên toàn quốc.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia sẽ được hỗ trợ điều kiện tốt nhất để hoàn thành kỳ thi

Với 866.000 thí sinh dự thi trên cả nước, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào ngày 21-6 và kéo dài đến 24-6. Để phục vụ kỳ thi có quy mô lớn nhất trong năm, lực lượng lớn cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên được huy động phục vụ cho kỳ thi với sự tham gia của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.

90.000 cán bộ, nhân viên phục vụ kỳ thi

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm nay, cả nước có 866.000 thí sinh dự thi với 2.364 điểm thi và 36.532 phòng thi. Số lượng cán bộ, nhân viên được huy động tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2017 là hơn 90.000 người. Trong đó, số lượng cán bộ, giảng viên huy động từ các trường ĐH, CĐ là 34.645 người, giảm hơn 20.000 người so với năm ngoái.

Trao đổi với báo chí ngày 12-6, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những khâu đặc biệt quan trọng của kỳ thi này là làm đề và in sao đề. “Ngày 10-6, đề thi THPT quốc gia đã được chuyển đến các Sở GD-ĐT. Hiện tại, 63 tỉnh thành phố đang tiến hành in sao đề thi” - ông Mai Văn Trinh cho biết.

Việc in sao, vận chuyển, bảo mật đề thi cũng được Bộ GD-ĐT và các địa phương chỉ đạo sát sao. In sao đề thi được thực hiện cách ly 3 vòng độc lập với những quy trình chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc vận chuyển đề thi luôn có sự giám sát của lực lượng công an và phòng lưu trữ đề thi đặt tại mỗi điểm thi luôn được Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 đặc biệt quan tâm bởi khâu in sao, bảo mật đề thi vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh các điểm thi trên cả nước cũng là vấn đề mà Cục trưởng Cục Khảo thí băn khoăn do số lượng phòng thi, điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay rất lớn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp tích cực từ lực lượng công an, tình nguyện viên cũng như các ngành liên quan tại 63 tỉnh, thành phố.

Phát động sớm chương trình tiếp sức mùa thi

Kỳ thi THPT quốc gia lần này sẽ do các Sở GD-ĐT địa phương chủ trì và tới nay, công tác chuẩn bị đang được tích cực triển khai. Đặc biệt, chương trình Tiếp sức mùa thi với quy mô lớn lên tới hơn 85.000 tình nguyện viên đã được phát động từ ngày 11-6. Chương trình này được triển khai sớm hơn nhằm nắm bắt đầy đủ các thông tin về thí sinh để có các hình thức hỗ trợ hiệu quả, trong đó hướng tới 2 mục tiêu: đảm bảo tất cả các điểm thi trên toàn quốc có đội hình “Tiếp sức mùa thi” và tất cả các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ trong kỳ thi. 

Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã thành lập được 663 đội hình tình nguyện cấp tỉnh với 22.052 tình nguyện viên; 2.729 đội hình tình nguyện cấp cơ sở với trên 63.013 tình nguyện viên. Đợt cao điểm của chương trình là từ ngày 20 đến 25-6 với các hoạt động: tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, đảm bảo an ninh, an toàn cho thí sinh và người nhà thí sinh; giới thiệu nhà trọ miễn phí và nhà trọ giá rẻ; hướng dẫn nơi ăn uống giá rẻ, đảm bảo vệ sinh; hướng dẫn đi lại, phối hợp đảm bảo giao thông, an ninh tại địa điểm thi; hỗ trợ đi lại bằng “xe ôm” miễn phí hoặc giá rẻ; hướng dẫn làm các thủ tục thi cho thí sinh…

Việc đảm bảo an ninh kỳ thi, phòng chống các hiện tượng tiêu cực cũng được Bộ GD-ĐT đặc biệt chú trọng. Ông Mai Văn Trinh cho biết, đối với việc hạn chế gian lận trong kỳ thi, nhất là việc sử dụng các công nghệ cao, Ban chỉ đạo thi đã phối hợp với lực lượng công an để có những hướng dẫn, tập huấn cụ thể cho cán bộ coi thi. 

Tuy nhiên, ông Mai Văn Trinh cho rằng, các phương tiện công nghệ cao hiện nay rất nhiều và rẻ trong khi điều kiện hiện tại chưa thể áp dụng các kỹ thuật để ngăn chặn thì cách tốt nhất là tăng cường trách nhiệm của cán bộ coi thi. “Cán bộ coi thi tăng cường trách nhiệm thì  thí sinh, dù sử dụng công nghệ hiện đại đến mấy để gian lận cũng không qua mắt được cán bộ coi thi” - ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.