Gánh nặng của phụ nữ thành đạt

ANTĐ - Phía sau người đàn ông thành đạt thường là người vợ tần tảo, thảo hiền. Nhưng phía sau người đàn bà thành đạt, nhiều khi lại là nỗi cô đơn, trống trải và phiền muộn. 

Nghịch lý hạnh phúc

Chị Huyền An (quận Đống Đa) xây dựng gia đình được 12 năm. Hai vợ chồng chị là bạn học cùng lớp đại học. Chị học giỏi nên được giữ lại làm giảng viên. Do yêu cầu công việc nên chị học lên Thạc sĩ rồi Tiến sĩ. Trong khi đó, chồng chị an phận làm một nhân viên. Bình thường, hai vợ chồng chị khá tâm đầu ý hợp. Tuy nhiên, sau khi chị  được đề bạt làm trưởng khoa thì tình hình thay đổi. Mỗi việc làm, lời nói của chị đều bị anh soi mói, bắt bẻ. Chị nhờ chồng đi đổ rác thì anh cau có: “Cô thấy tôi chỉ đáng đi đổ rác cho nhà cô hả?”. Ở nhà, quan điểm của mình về cuộc sống, anh cũng bực bội: “Cô đừng lấy cái mác Tiến sĩ ra dạy tôi”.  Ở nhà, chị luôn phải cố gắng ghìm mình không nổi cáu trước cách xử sự phi lý của chồng. Thậm chí, mẹ chồng chị còn khuyên chị nên chuyển công tác để chăm con, lo cho chồng chứ cứ như bây giờ thì “giá trị đảo lộn hết cả”. Chị vô cùng chán nản, mệt mỏi. 

Còn chị Trúc Mai (quận Ba Đình) là một giám đốc của công ty phát hành sách lớn. Chị xinh đẹp, trẻ trung. Khó ai có thể biết rằng vài năm trước, chị đã phải trải qua sóng gió. Vợ chồng chị làm cùng cơ quan, do chị tháo vát, năng động, làm việc hiệu quả, được lòng đồng nghiệp, bạn hàng, còn chồng chỉ an phận làm nhân viên phát hành. Khi được đề bạt lên làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc công ty, chị vừa lo miếng cơm cho hàng trăm nhân viên, vừa đảm đang nội trợ, chăm chồng, nuôi con gái, hoàn thành nghĩa vụ vợ hiền, dâu thảo. Nhưng rồi chị phát hiện ra chồng chị cặp bồ với một đồng nghiệp - nhân viên của chị. Cô gái đó kém chị về mọi mặt. Khi chị truy hỏi, anh cho biết: vì cô gái đó khiến anh ta được thỏa mãn cái tôi đàn ông, là người quan trọng, to lớn. Còn bên chị khiến anh ta thấy nhỏ bé, không đáng mặt đàn ông. 

Tổn thương nặng nề, cho dù chồng van xin tha thứ nhưng chị vẫn ly hôn.  Sau đó, chị như chim sợ cành cong, mãi chưa tìm được hạnh phúc mới. Đàn ông bên cạnh chị có thể si mê, choáng ngợp vì chị nhưng khi đặt vấn đề cưới xin họ lại không thích một người vợ có uy quyền, kiếm tiền giỏi, nhiều nhân viên sai khiến. Họ sợ bị lép vế, bị thất bại, bị cười chê nếu không bằng vợ. 

Định kiến “cao hơn chồng”

Bên cạnh những người phụ nữ luôn cố gắng làm tròn hai vai thì không ít bà vợ quên đi vai trò bạn đời của mình đối với chồng. Quen quyền lực, mệnh lệnh, các “sếp bà” về nhà cũng sai bảo, quát nạt chồng như nhân viên. Nếu chồng không nghe thì cáu gắt. Điều này khiến người chồng mệt mỏi, chán nản.  Nhưng theo bà Nguyễn Thu Hiền - chuyên gia về giới - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất là định kiến về giới đã phân chia khoảng cách xã hội giữa vợ và chồng. Xưa nay, định kiến luôn đóng khung phụ nữ vào vai trò nội trợ, sinh con, nuôi dạy con cái còn đàn ông là trụ cột kinh tế, đóng vai trò quan trọng ngoài xã hội. Do đó, khi thấy phụ nữ thành công, có người hay soi mói, dè bỉu người chồng thấp kém. Còn những phụ nữ thành đạt mà gia đình tan vỡ thì dư luận đổ tại “thành công”.  “Phụ nữ thành đạt, nổi tiếng thì được dư luận chú ý, các phương tiện truyền thông thích kịch tính nên cũng thích khoét vào góc đời tư của họ, vì thế, họ càng được để ý nhiều hơn, thậm chí còn được xem là các điển hình để đánh giá về giá trị hay quan niệm… Tuy chưa có bất kỳ nghiên cứu, số liệu nào chỉ ra tỷ lệ ly hôn của phụ nữ thành đạt có cao hơn phụ nữ “bình thường” hay không nhưng nhiều người đã vội khuếch đại lên rằng: “phụ nữ thành đạt hay đổ vỡ”. Những phụ nữ bình thường đổ vỡ cũng nhiều lắm chứ, chỉ là không được chú ý mà thôi” - bà Hiền chia sẻ. 

Trong xã hội hiện đại, nam giới cần học cách thừa nhận sự nỗ lực phấn đấu, thành đạt của phụ nữ. Giá trị của người bạn đời luôn được khẳng định khi người chồng biết cổ vũ, chia sẻ sự thành công của vợ. Hôn nhân không phải là cuộc chạy đua phải nhất quyết “ăn thua” mà có sự tiến lui hợp lý để thúc đẩy nhau phát triển, phát huy sở thích, thế mạnh riêng của nhau. Cả hai cùng phải xác định, thành công (dù của vợ hay chồng) đều không trọn vẹn nếu như không được người yêu thương ủng hộ, hợp tác. Sự hợp tác này dựa trên cơ sở lòng tôn trọng lẫn nhau, có thể “nêm nếm” thêm tình yêu thương, quan tâm săn sóc nhau” - Tiến sĩ Trần Thị Trâm - nguyên giảng viên, Trưởng ban nữ công Học viện Báo chí Tuyên truyền.