Gầm cầu Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) biến thành nhà hàng, xưởng kim khí

ANTD.VN -Dù nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt nhưng nhiều năm nay khu vực gầm cầu Thăng Long đã bị chiếm dụng làm nhà hàng, xưởng cơ khí, nơi sản xuất biển quảng cáo...ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị và gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Đổ bê tông, dựng hàng rào tôn làm nhà xưởng

Có mặt tại  chân cầu Thăng Long chiều 21-11 chúng tôi chứng kiến hầu hết diện tích dưới gầm cầu đã biến thành nơi họp chợ, nơi bán quần áo, đồ ăn, sản xuất kim khí…Tại khu vực này, một số hộ dân đã lợp mái tôn, xây nhà xưởng ngay dưới đường sắt với mạng lưới dây điện chằng chịt làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

Tàu chạy phía trên cầu, ở dưới vẫn sản xuất

Bà Nguyễn Thị Hòa – người dân sống tại khu vực cho biết, tình trạng lấn chiếm gầm cầu Thăng Long diễn ra từ nhiều năm nay khiến nơi đây chẳng khác nào cái chợ, bày bán đủ các loại mặt hàng, từ thực phẩm đến quần áo, đồ gia dụng. Thậm chí, có hộ dân còn ngang nhiên dựng nhà làm trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, tập kết vật tư sắt thép, đặt container…Nghiêm trọng hơn, một số hộ gia công sắt thép còn hàn xì ngay phía dưới đường sắt khi tàu đang chạy rầm rập phía trên. Ai nhìn thấy cảnh này cũng lo nếu không may xảy ra chập cháy hậu quả sẽ khó lường.

Bắn mái tôn dưới gầm cầu để phục vụ sản xuất!

Liên quan đến tình trạng lấn chiếm gầm cầu Thăng Long, được biết, từ tháng 9-2011, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp với Công ty CP đường sắt Hà Thái  tổ chức giải tỏa xong vi phạm lấn chiếm hành lang gầm cầu  giai đoạn 1 từ  trụ cầu B14-B32. Cuối năm 2014, UBND huyện Đông Anh lại tiếp tục phối hợp với Công ty này tổ chức giải tỏa vi phạm lấn chiếm hành lang gầm cầu  giai đoạn 2 từ trụ cầu B14 ra sông Hồng và từ trụ B33-B53. Sau khi giải tỏa xong, UBND huyện Đông Anh đã bàn giao mặt bằng cho Công ty CP đường sắt Hà Thái, yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm quản lý, chống tái lấn chiếm. Tuy vậy, do công ty này không quản lý chặt chẽ, không phối hợp với chính quyền địa phương nên đã dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm vi phạm gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Gầm cầu thành nơi họp chợ

Ông Tô Quang Thiện – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND huyện Đông Anh cho biết, trước tình hình đó, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản đề nghị Công ty CP đường sắt Hà Thái phối hợp với UBND xã Hải Bối hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án giải tỏa, cưỡng chế vi phạm. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại Công ty này vẫn chưa phối hợp thực hiện.

Để đảm bảo hành lang an toàn giao thông đường sắt, trật tự an toàn giao thông và mỹ quan khu vực gầm cầu Thăng Long, UBND huyện Đông Anh có công văn gửi UBND Thành phố Hà Nội xem xét, báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải sớm chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu Công ty CP đường sắt Hà Thái tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ, xây dựng phương án giải tỏa, cưỡng chế vi phạm. Nếu đơn vị này không phối hợp, đề nghị cấp có thẩm quyền giao UBND huyện Đông Anh có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.

Khi quả bóng trách nhiệm bị đá qua, đá lại

Hiện UBND huyện Đông Anh đã gửi công văn đề xuất đến UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư tuyến đường từ Kim Nỗ đến đồn Bắc Thăng Long, đoạn từ  trụ cầu B33-B53 để làm vườn hoa và phục vụ đường giao thông. Nếu được phê duyệt sẽ giải quyết được khoảng ½ diện tích gầm cầu Thăng Long đang bị lấn chiếm.

Biển nhà hàng ngay dưới gầm cầu

Còn theo ông Lê Minh Khai – Phó Giám đốc Công ty CP đường sắt Hà Thái, tình trạng lấn chiếm ở khu vực gầm cầu Thăng Long khá phức tạp, tồn tại từ nhiều năm nay. Công ty đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành giải toả, song do lực lượng mỏng, không có người chốt trực thường xuyên nên chỉ một thời gian ngắn là đâu lại vào đấy, chẳng khác nào “ném đá ao bèo”.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, thời gian qua Công ty đã cử cán bộ xuống kiểm tra hiện trường, làm việc với các hộ dân yêu cầu hộ tự tháo dỡ công trình vi phạm, lấn chiếm hành lang an toàn. Gần đây nhất, ngày 17-11, Công ty đã kiểm tra, lập biên bản đối với 2 hộ vi phạm ở khu vực từ trụ B7-B9 gầm cầu do đã có hành vi đổ bê tông, dựng hàng rào tôn làm sân bãi tập kết máy móc, đồ điện đồng thời yêu cầu các hộ này tự tháo dỡ công trình vi phạm, di dời máy móc ra khỏi gầm cầu.

Xưởng cơ khí nằm trong hành lang an toàn đường sắt

 Cũng theo ông Lê Minh Khai, việc lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tại khu vực gầm cầu Thăng Long của một số hộ dân đã ảnh hưởng đến an toàn kết cấu công trình, an toàn phòng chống cháy nổ. Do khó khăn về kinh phí thực hiện công tác giải tỏa, Công ty CP đường sắt Hà Thái đã có văn bản gửi UBND huyện Đông Anh và xã Hải Bối đề nghị chủ trì, phối hợp công tác xử lý vi phạm trên.

“Tồn tại trên trước hết thuộc về trách nhiệm của Công ty CP đường sắt Hà Thái – đơn vị được giao quản lý trực tiếp. Tuy vậy, Công ty không ký hợp đồng cho thuê diện tích cũng như không bật đèn xanh cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào sử dụng địa điểm để kinh doanh tại khu vực này. Khó khăn ở chỗ, Công ty chỉ là đơn vị quản lý, còn lực lượng có chức năng giải tỏa, cưỡng chế lại là chính quyền địa phương” – ông Khai thừa nhận.

Có thể nói, tình trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt ở gầm cầu Thăng Long đang diễn ra rất nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ khó lường đối với an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này. Để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, đề nghị UBND huyện Đông Anh, Công ty CP đường sắt Hà Thái và các đơn vị liên quan nhanh chóng phối hợp kiểm tra, tiến hành giải tỏa, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm, tránh tình trạng quả bóng trách nhiệm cứ bị đá qua đá lại.

Theo Trung tá Vũ Hữu Huỳnh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát TTCĐ - CAH Đông Anh, thời gian qua lợi dụng việc chính quyền xã Hải Bối  không thường xuyên duy trì tuần tra, kiểm soát nên một số hộ dân trên tuyến đường thôn Cổ Điển, xã Hải Bối đã cố tình tái lấn chiếm lòng, hè đường để kinh doanh hàng hóa. CAH đã chỉ đạo Đội CSTTCĐ phối hợp với các đơn vị liên quan giải tỏa vi phạm tại khu vực này. Còn gầm cầu Thăng Long nằm trong hành lang an toàn đường sắt, thuộc thẩm quyền quản lý của Công ty CP đường sắt Hà Thái. Trước đây khu vực này đã bị rào lại, song do đơn vị này buông lỏng quản lý khiến một số hộ dân đã tháo rào, dựng lều lán sản xuất kinh doanh ở bên trong gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công tác PCCC, ANTT tại khu vực.