Gái bán dâm mang giấy tờ bệnh hiểm nghèo để đối phó lực lượng chức năng

ANTD.VN - Người bán dâm thường xuyên thay đổi hình thức hoạt động, dùng xe máy đi lại trên phố để chào mời khách, họ thường mang theo cả giấy tờ chứng minh bệnh hiểm nghèo, nuôi con nhỏ... nên các cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Ngày 8-8, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội Về việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS; Luật phòng, chống ma tuý và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn từ 2011 – 2016.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP vẫn tiềm ẩn, phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt khó kiểm soát cả trong các cơ sở dịch vụ nhạy cảm và ở địa bàn công cộng. Các hình thức hoạt động mại dâm mới: mại dâm nam, đồng giới, mại dâm kết nối qua mạng internet, các văn hoá phẩm đồi trụy chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Tệ nạn mại dâm ở Hà Nội chủ yếu tồn tại ở 2 hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ và mại dâm tại địa bàn công cộng. Tại địa bàn công cộng, người bán dâm thường xuyên thay đổi hình thức hoạt động, dùng xe máy đi lại trên phố để chào mời khách, họ thường mang theo giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh bệnh hiểm nghèo, nuôi con nhỏ... nên các cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, hoạt động mại dâm chủ yếu dưới hình thức ‘‘trá hình’’, sử dụng tiếp viên ăn mặc khêu gợi, kích dục hoặc gợi ý bán dâm cho khách tồn tại ở nhiều cơ sở từ bình dân đến cao cấp, các đối tượng hẹn khách đến các nhà nghỉ, nhà trọ thuê phòng theo giờ để thực hiện hành vi mua bán dâm. Đặc biệt hoạt động mại dâm nam (trong đó chủ yếu là đồng tính nam) đã có dấu hiệu phát triển ở Hà Nội. Mại dâm theo hình thức “gái gọi”, mại dâm “tour”, mại dâm “sự kiện” có chiều hướng gia tăng. Hình thức mại dâm sử dụng Internet, thông qua các mạng xã hội facebook, zalo,... diễn biến phức tạp, rất khó phát hiện và xử lý

Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở dịch vụ vẫn khó kiểm soát đặc biệt trong các khách sạn lớn, các cơ sở kinh doanh 100% vốn đầu tư nước ngoài, các hoạt động dịch vụ như vũ trường, quán bar, cơ sở dịch vụ karaoke, massage, cà phê vườn, cà phê đèn mờ, khách sạn, nhà nghỉ, vẫn là nơi dễ xảy ra các dịch vụ môi giới, dẫn dắt, chứa chấp mại dâm.

Các đối tượng hoạt động mại dâm hiện nay thường sử dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội hoặc sử dụng điện thoại di động để nhắn tin, mời chào, quảng cáo, thỏa thuận giá cả, thống nhất thời gian, địa điểm để thực hiện hành vi mua bán dâm. Các chủ nhà nghỉ, khách sạn biết người bán dâm và khách mua dâm đến thuê phòng để thực hiện việc mua bán dâm, nhưng do lợi nhuận cao nên họ không tố cáo gây khó khăn cho việc phát hiện, bắt giữ quả tang của lực lượng công an.

Bên cạnh đó, hiện nay, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm còn thấp chưa có tác dụng răn đe. Hình thức mại dâm kích dục và mại dâm đồng tính có chiều hướng gia tăng. Việc xử lý những hành vi này còn gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ sở pháp lý quy định.

Trước tình hình đó, Hà Nội đã và đang thực hiện áp dụng mô hình phòng chống mại dâm cấp xã tại 73-80 phường, xã, thị trấn. Thời gian qua, mô hình phòng, chống mại dâm cấp xã tại Hà Nội, đã phát huy được vai trò phối hợp của các ban, ngành tại địa phương trong công tác phòng, ngừa và đấu tranh với tệ nạn mại dâm và nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng, chống tại các xã, phường, thị trấn...

Để khắc phục những bất cập hiện nay, Hà Nội kiến nghị đề nghị Quốc hội nghiên cứu thay thế Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm bằng ban hành Luật Phòng, chống mại dâm; Bổ sung, sửa đổi khái niệm bán dâm tại Khoản 1, Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm. Và các hành vi về phòng, chống mại dâm tại Khoản 9 Điều 4 để phù hợp với thực tế. Bỏ Điều 20 và Điểm 3 Điều 30 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm; Sửa Điểm 1 Điều 23, Điều 33 phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

UBND TP Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống mại dâm cho Đội Kiểm tra liên ngành 178 các cấp; Tăng mức xử phạt hành chính đối với người mua dâm, bán dâm để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm hoạt động mại dâm...