“Em đã vô cùng tuyệt vọng, sao đời mình khổ thế?“

ANTĐ - “Khi về đến nhà em chỉ còn 44kg, người xanh xao, vàng vọt. Không ngờ kết quả xét nghiệm em đã bị dương tính với HIV, kết quả của những lần bán dâm không được dùng bao cao su. Em vô cùng tuyệt vọng, cảm thấy sao đời mình khổ thế, hết đận này đến đận khác. Tưởng thoát được địa ngục trần gian kia trở về nhà, ai ngờ lại bị nhiễm HIV, khác nào như án tử hình treo trước mặt…” - đó chỉ là một đoạn bi kịch trong cuộc đời như một bộ phim buồn của một cô gái đã từng lầm lỡ, từng bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Kể lại câu chuyện của đời mình, không ít lần cô gạt nước mắt.
“Em đã vô cùng tuyệt vọng, sao đời mình khổ thế?“ ảnh 1

Một ngày tháng 1 năm 2007

Ngồi trước mặt tôi là Nguyễn Thị Hương, một cô gái có khuôn mặt xinh xắn, phúc hậu, ít ai nghĩ rằng cô mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV - AIDS. Nếu nhìn Hương như vậy và với công việc mà cô đang làm là chăm sóc, giúp đỡ cho những người nhiễm HIV thì không ai có thể ngờ rằng cô gái này là có một số phận nghiệt ngã đến như vậy…

Sinh ra trong gia đình thuần nông, ở Hà Nội, từ nhỏ Hương cũng trải qua hết mọi việc đồng áng giúp mẹ. Năm 2007, khi đang học trung cấp thì Hương bị lừa bán sang Trung Quốc.

Nghĩ lại những ngày đã qua, những ngày mà cô mặc dù đã cố quên đi nhưng không thể nào quên được: “Đó là một ngày tháng 1 năm 2007. Hôm đó trên đường đi học về, ngồi cùng với em trên xe buýt là một chị trung tuổi. Chị hỏi em có muốn đi làm không? Em hỏi làm gì thì chị ấy cho biết là đi bán hàng ở chợ Hôm. Rồi chị xin số điện thoại của em. Em cho số điện thoại ở nhà mình rồi cũng quên luôn câu chuyện của một chị bạn mới quen. Nhưng ngay tối hôm ấy thì chị ta đã  gọi điện đến nhà em hẹn sáng mai gặp ở cổng chợ Hôm. Sáng hôm sau không chút nghi ngờ em đến cổng chợ Hôm gặp chị ấy.  

Đến đây thì chị bảo em gái chị đang ốm nặng ở Lạng Sơn. Chị  phải về đó ngay. Nhưng vì say xe nên chị muốn em đi cùng, đến chiều quay về Hà Nội. Em đồng ý và hai chị em lên xe. Xe đi mãi, đi mãi. Khi em hỏi đang ở đâu thì người ta nói đang ở Trung Quốc và rằng em đã bị bán sang Trung Quốc. Em khẩn thiết xin được gọi điện về nhà để bố mẹ em sẽ mang tiền sang chuộc em về nhưng dứt khoát họ không cho gọi điện. Ngay sau đó, em bị đẩy vào một nhà chứa.”

 Ở cái nhà chứa nhơ nhớp ấy, cũng đã có khoảng 20 phụ nữ Việt Nam bị bán sang, người ít tuổi nhất chỉ 15-16 tuổi. Họ giam em vào một căn phòng, không cho tiếp xúc với bên ngoài, ăn uống cũng rất kham khổ. Sau đó họ bắt em tiếp khách. Khách thì đủ loại, già có trẻ có, say rượu, nghiện hút… Chúng em không có quyền lựa chọn. Nếu không tiếp khách sẽ bị chủ nhà đánh rất dã man. Một lần gặp khách là người Việt Nam, em và một chị nữa đã mượn được điện thoại của anh ta định gọi về nhà thì bị chủ nhà phát hiện. Thì ra họ lắp camera mà chúng em không biết. Em và chị ấy bị một trận đánh thừa sống thiếu chết. Họ dùng một cây sắt to cứ thế đánh túi bụi. Còn dùng những điếu thuốc đã được châm lửa gí vào người. Chị kia bị đánh nhiều hơn. Sau đó họ chuyển chị ấy đến một nhà chứa khác. 

Thời gian đó em rất tuyệt vọng, chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng nhờ được các chị em ở đây động viên, cố gắng chịu đựng tìm cơ hội thoát thân. Khi em ở đó được hơn một năm thì được biết chủ nhà sẽ chuyển toàn bộ chúng em vào một vùng sâu hơn. Nếu như vậy cơ hội trở về sẽ khó hơn. Hôm đó chúng em lên kế hoạch, một chị dũng cảm nhất đã nhảy từ tầng 2 xuống, tìm đến trụ sở công an. Ngay sau đó họ đến giải cứu chúng em. Tất cả chúng em được đưa ra cửa khẩu. Lúc đó, trong túi chúng em mỗi người cũng có một ít tiền do được khách bo. Em thì có 200 tệ, đổi ra tiền Việt được 400.000 đồng. Tất cả gom lại về đến bến xe Bãi Cháy thì hết tiền, không còn tiền để về nhà được nữa. Em gọi điện cho gia đình lên đón. Rất may gia đình đến kịp không thì chúng em đã bị bán sang đó lần nữa do ở đây đã xuất hiện những bọn buôn người dò hỏi.

Khát khao được làm mẹ

Khi về đến nhà em chỉ còn 44kg, người xanh xao, vàng vọt. Mọi người đưa em đi khám tổng thể xem thế nào. Không ngờ kết quả xét nghiệm em đã bị dương tính với HIV, đó là hậu quả của những lần bán dâm không được dùng bao cao su.

Em vô cùng tuyệt vọng, cảm thấy sao đời mình khổ thế, hết đận này đến đận khác. Tưởng thoát được địa ngục trần gian kia trở về nhà với bố mẹ là tốt rồi, ai ngờ lại bị nhiễm HIV, khác nào như án tử hình treo trước mặt. Không ai biết em bị HIV cả. Riêng việc em bị bán sang Trung Quốc đã bị nhiều người kỳ thị. Huống hồ giờ còn mang trong mình vi rus HIV thì chắc họ đuổi em ra khỏi làng.

Sau đó em đi làm tại một trung tâm tư vấn pháp luật, cũng nhờ một người bạn mai mối, em quen với một anh hơn em 5 tuổi, cũng bị nhiễm HIV. Chúng em nên vợ nên chồng. 

Đã là người phụ nữ ai cũng có một khát vọng lớn nhất là được làm mẹ. Em cũng vậy. Nhưng em vô cùng lo lắng khi cả hai vợ chồng đều bị H thì liệu con em có bị nhiễm hay không? Cứ mỗi đêm thao thức em đều trằn trọc vì điều đó, em mong muốn được làm mẹ, nhưng nếu con em không may nhiễm HIV thì chính em lại là người gây tội cho con mình. Rồi đến khi vợ chồng em không còn nữa, thì ai sẽ là người nuôi đứa con tội nghiệp của em. Em cứ dằn vặt, day dứt suốt đêm này sang đêm khác. Khi thì đón chờ một điều kỳ diệu sẽ xảy ra với mình, khi lại nghĩ đến những kết cục buồn của những người bị nhiễm HIV. Vẫn biết rằng vẫn có một tỉ lệ nhỏ con cái sinh ra không bị H. Nhưng liệu gia đình em có được may mắn như thế không? Nếu con em sinh ra mà lại nhiễm HIV thì em thà chết đi còn hơn. Cuối cùng em đã quyết định tìm đến bác sĩ để được tư vấn. Các bác sĩ cũng tư vấn cho em cách thụ thai và sinh con làm sao để giảm thiểu tối đa việc bé nhiễm virus từ mẹ. Và em đã mang bầu một bé trai trên lằn ranh mong manh đó. 

9 tháng mang bầu là 9 tháng em vô cùng lo lắng, nín thở chờ đợi tới ngày đứa con bé bỏng chào đời. Rồi cũng đến ngày bé được sinh ra. Những ngày nằm trong viện chỉ một mình chồng em chăm sóc em. Anh không nề hà một việc gì cả. 20 ngày sau sinh bé mới được xét nghiệm xem có virus HIV không? Chị không thể hiểu được lúc đó em run như thế nào, lo lắng tột độ. Có lẽ ông Trời cũng không lấy hết đi cả ai tất cả. Bé may mắn âm tính với virus HIV. 18 tháng sau em lại cho bé đi xét nghiệm lại. Vẫn kết quả như thế. Đến giờ con em đã gần 3 tuổi rồi.

Niềm vui được giúp đỡ người khác

Năm 2009, khi biết tin có Mái ấm tình thân được thành lập, Hương được giới thiệu về đây làm tư vấn. Điều thuận lợi là cô cũng đã từng bị nhiễm HIV, cùng cảnh ngộ với người nhiễm HIV nên dễ tìm được sự đồng cảm. Những người phụ nữ, những em nhỏ sinh ra trong gia đình có bố mẹ nhiễm HIV, đã mất vì HIV, hay phải ở với ông bà đều coi Hương như người nhà, người chị, người mẹ chia sẻ, động viên. Vì vậy cô thường xuyên nhận được điện thoại của mọi người xin ý kiến giúp đỡ khi gặp chuyện này, việc kia. 

Dù cũng nuôi con nhỏ, cũng mang bệnh trong người nhưng việc hàng ngày phải đến bến xe Mỹ Đình, bến xe Lương Yên… đón các khách hàng ở các tỉnh về Mái ấm đã trở thành việc thường ngày của Hương.

 Bác sĩ Trịnh Thị Huệ tâm sự: Với đồng lương ít ỏi thực sự chỉ đủ xăng xe để Hương đến các bến xe đón khách hàng về đây, rồi đưa đi khám bệnh tại các bệnh viện. Đa số khách hàng đến đây đều là những người rất nghèo, không có tiền đi xe ôm, lại không thông thuộc đường sá. Mái ấm thì chỉ có hai người, một bà già 67 tuổi là tôi và Hương. Cô ấy không đi thì cũng không có ai làm việc đó cả. Vì vậy tôi thường động viên Hương là cô cháu mình làm việc thiện thì ông Trời phù hộ cho sức khỏe, may mắn. Chứ nếu vì lợi ích cá nhân thì Mái ấm này đã không thể tồn tại. 

Tôi hỏi Hương: Em có bao giờ thấy ngại và nản không? Hương lắc đầu bảo: Em cũng ở trong hoàn cảnh như họ nên em rất hiểu và thông cảm. Nhiều người tiền xe xuống đây còn phải đi vay thì lấy đâu ra tiền đi xe ôm. Nên thôi thà em đi đón họ rồi một mạch đưa thẳng về đây đỡ khổ cho họ. 

Đưa về đến nơi, sắp xếp chỗ ăn chỗ ở qua đêm, sáng hôm sau cô lại phải chở họ đến bệnh viện Lao phổi Trung ương hoặc Bệnh viện các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương để làm các xét nghiệm và lấy thuốc. “Đến những bệnh viện này thường phải mất một ngày, nhất là bệnh viện Lao phổi Trung ương vì số lượng bệnh nhân rất đông. Em đã có sẵn các mối quan hệ với các bác sĩ, đường đi lối lại thông thuộc nên dẫn họ đi thì chỉ trong ngày là xong, chiều họ có thể bắt xe về nhà”. 

Một năm có hàng trăm lượt khách hàng tìm đến Mái ấm nên mọi việc đưa đón, chăm sóc, tư vấn Hương đều cáng đáng mà không nề hà bất cứ việc gì. “Nghề này có những niềm vui nho nhỏ chị ạ. Chẳng hạn hôm qua có một chị từ Phú Thọ gọi xuống cho em thông báo con chị sinh ra đã âm tính với virus HIV sau khi được tư vấn sinh con an toàn tại Mái ấm. Thế là em cứ vui mãi. Em cũng là người mẹ, cũng sinh con trong hoàn cảnh đó nên em hiểu niềm vui đó lớn như thế nào”.  

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi