Đường vừa xong đã thành... chợ
(ANTĐ) - Mới khánh thành từ tháng 9-2007, nhưng tuyến phố Trần Đại Nghĩa, phường Bách Khoa, Hà Nội đã trở thành điểm nóng về trật tự đô thị (TTĐT), bởi hàng ăn uống tràn lan trên vỉa hè khiến mọi người ngỡ đây là chợ...
Phố chợ mới?
Theo quy hoạch, tuyến phố Trần Đại Nghĩa nối từ đường Đại Cồ Việt qua phố Lê Thanh Nghị sang phố Vọng. Trước đây, một phần của tuyến phố này vốn là con sông Sét, được thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng để bê tông hóa xây dựng thành con đường rộng trên 10m khang trang, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông trong khu vực quận Hai Bà Trưng.
Từ tháng 9-2007, một nửa tuyến phố Trần Đại Nghĩa (từ đường Đại Cồ Việt đến phố Lê Thanh Nghị) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Do tuyến phố xuất phát từ con sông nên mặt đường uốn lượn vòng vèo, có đoạn mở rộng, có đoạn bị thắt lại, rất mất mỹ quan.
Phần lớn hai bên vỉa hè của đoạn phố mới Trần Đại Nghĩa mới đưa vào sử dụng đều là tường rào của cơ quan, trường học, rất ít nhà dân. Nhưng hiện tại, TTĐT ở tuyến phố Trần Đại Nghĩa lại trở thành điểm nóng mà người dân phường Bách Khoa không khỏi bức xúc, phản ánh liên tục với cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, ở A4 Bách Khoa cho biết: Từ khi tuyến phố này được xây dựng, người dân trong phường chúng tôi rất phấn khởi vì thành phố đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn.
Nhưng, mỗi khi nhìn thấy cảnh hai bên vỉa hè đầy những hàng quán lớn, nhỏ với đủ các loại ô, bạt che cao thấp khác nhau, cái thì nhô ra cái lại thụt vào trông rất lộn xộn, mọi người cứ nghĩ đây là một cái chợ...
Bác Hoàng Minh Châu, ở K5 Bách Khoa nói: Nếu là chợ cóc thì chỉ bán hàng vào buổi sáng, còn hàng quán trên tuyến phố mới mở Trần Đại Nghĩa hoạt động suốt ngày.
Thành phố bỏ cả trăm tỷ đồng để mở con đường khang trang, hiện đại nhưng đã bị các hàng quán làm cho nhếch nhác, lộn xộn.
Một số người dân ở đây còn cho biết thêm các hàng quán đó không chỉ là nơi sinh viên tụ tập ăn uống, mà còn là nơi họ ghi số đề, đặt thẻ sinh viên lấy tiền đánh bạc, cá độ bóng đá... đây được coi là một trong những điểm phức tạp về ANTT, TTĐT của phường Bách Khoa.
Những người bán hàng trên tuyến phố Trần Đại Nghĩa này đều là công dân của các phường khác đến đây gây mất ANTT.
Phố Trần Đại Nghĩa hay... phố chợ?! |
Cái khó của phường
Phường Bách Khoa đã nhiều lần chỉ đạo lực lượng chức năng có biện pháp xử lý các hàng quán trên, nhưng chỉ được một thời gian mọi việc lại như cũ. Thời gian gần đây, CAP và lực lượng tự quản của phường Bách Khoa nhiều lần tổ chức xử phạt các chủ hàng quán vi phạm TTĐT tại phố Trần Đại Nghĩa, thu bàn ghế, ô dù.
Do mức xử phạt vi phạm các vi phạm này theo quy định lại không quá 100.000 đồng, nên nhiều chủ quán không đến phường để nộp phạt, hoặc có chủ quán vừa ký vào biên bản, chưa khô mực họ lại tiếp tục vi phạm.
Đặc biệt có trường hợp khi lực lượng tự quản cùng CAP làm nhiệm vụ đã thu giữ ô, bàn ghế của quán hàng vi phạm này, thì mấy chủ quán hàng bên cạnh lại ra giằng co với lực lượng làm nhiệm vụ, khiến cho việc xử lý kém hiệu quả...
Theo Trung tá Hà Anh Tuấn - Trưởng CAP Bách Khoa, khu vực tuyến phố Trần Đại Nghĩa mới mở có 30 hàng quán luôn gây phức tạp về TTĐT, phường nhiều lần tổ chức xử phạt nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Ngày 20-11, lực lượng CSTT của CAQ Hai Bà Trưng đã phối hợp với phường Bách Khoa tổ chức xử lý các vi phạm TTĐT, sau khi lực lượng làm nhiệm vụ rút đi, các hàng quán lại tiếp tục hoạt động...
Chúng tôi xác định việc giữ gìn TTĐT ở đây chủ yếu thuộc cấp phường, nhưng lực lượng CSTT của phường quá mỏng (chỉ có 2 đồng chí) lại thường xuyên đảm nhận việc giữ gìn TTĐT tại khu vực đường Giải Phóng, tuyến phố Lê Thanh Nghị và chống ùn tắc giao thông tại 5 cổng trường học...
Và điều quan trọng nhất là người dân bán hàng trên tuyến phố này hiểu không hết Quyết định 227 của thành phố (về phân cấp vỉa hè), họ cho rằng họ có quyền bán hàng trên vỉa hè, nên gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ...
Đây không chỉ là vướng mắc của riêng phường Bách Khoa, mà còn là vướng mắc của rất nhiều phường khác của Hà Nội trong xử phạt các vi phạm về TTĐT. Thành phố cần tăng mức xử phạt đối với các vi phạm về TTĐT, và sửa đổi một số điều trong Quyết định 227 để TTĐT của Hà Nội bớt lộn xộn, phức tạp, góp phần giảm ùn tắc giao thông.
Quốc Đô