Dùng xe ô tô biển giả chở ngà voi, phạm tội gì?

ANTĐ - Công an TP Tam Kỳ, Quảng Nam ngày 9-6 đã xác nhận chiếc ôtô hiệu Camry mang biển số xanh vận chuyển lô hàng nghi là ngà voi gây tai nạn chiều 7-6 là xe gắn biển số giả. Hiện Công an TP Tam Kỳ đang truy tìm hai đối tượng đi trên ôtô biển số giả gây tai nạn và gửi mẫu giám định lô hàng có 16 chiếc hiện vật nghi là ngà voi..

Dùng xe ô tô biển giả chở ngà voi, phạm tội gì? ảnh 1Ảnh minh họa (Internet)

Nội dung vụ án

Khoảng 16h ngày 7-6, trên tuyến đường tránh Nguyễn Hoàng (đoạn cắt đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn. Thông tin ban đầu, xe ôtô Camry mang biển số xanh 80B-3555  chạy theo hướng Nam - Bắc, khi đến địa điểm trên đã va quệt với một xe máy rồi tiếp tục tông vào đuôi xe khách Hoàng Long đang đậu gần đó.  Vụ tai nạn không gây thương vong nhưng các phương tiện đều bị hư hỏng nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế điều khiển xe Camry bỏ trốn khỏi hiện trường. Nhiều người dân chứng kiến cho biết, khi bỏ trốn, tài xế này ôm một túi đồ giống như ngà voi.  Từ thông tin người dân cung cấp, Công an TP Tam Kỳ tìm kiếm và phát hiện hàng chục hiện vật nghi là ngà voi nên đã niêm phong, đưa về cơ quan để điều tra.

Công an TP Tam Kỳ, Quảng Nam ngày 9-6 đã xác nhận chiếc ôtô hiệu Camry mang biển số xanh vận chuyển lô hàng nghi là ngà voi gây tai nạn chiều 7-6 là xe gắn biển số giả. Hiện Công an TP Tam Kỳ đang truy tìm hai đối tượng đi trên ôtô biển số giả gây tai nạn và gửi mẫu giám định lô hàng có 16 chiếc hiện vật nghi là ngà voi...

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can đi trên xe ô tô Camry phạm tội theo tội danh nào, và có thể bị xử lý như thế nào?

Ý kiến bạn đọc 

Các nghi can đã có dấu hiệu buôn bán hàng cấm

Theo nội dung vụ án, các nghi can đang sở hữu 16 chiếc ngà voi. Ngà voi là hàng hóa bị cấm kinh doanh. Chính vì lý do đó, các nghi can đã bỏ xe, ôm ngà voi chạy trốn. Theo đúng các quy định pháp luật, các nghi can đã có dấu hiệu vi phạm  Điều 155. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm:  Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Tuy nhiên, rõ ràng các ngà voi này không thể khai thác ở Việt Nam được, chỉ có thể đem từ nước ngoài vào. Vì vậy các nghi can rất có thể sẽ bị truy tố thêm tội mang hàng cấm qua biên giới.

Vũ Văn Bích  (Hội An, Quảng Nam)

Sử dụng biển số giả là có dấu hiệu lừa đảo

Đã sử dụng xe ô tô mà lại mang biển số giả, nhất là biển xanh, thường dùng cho các xe công vụ của công an là hành động lừa đảo nghiêm trọng. Các nghi can giả mạo cơ quan chức năng để không bị dừng xe kiểm tra. Cần xem xét động cơ lừa đảo của những tên lưu manh này. Cũng cần truy tìm nguồn gốc chiếc xe này của ai. Rất có thể đây cũng là xe gian, xe trộm cắp. Đây là bọn tội phạm nguy hiểm, cần nghiêm trị. Sử dụng biển số giả trong lưu thông trên đường là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Không những thế, chiếc xe này còn gây tai nạn nên cần phạt nặng những hành vi phạm luật. 

Tôn Nữ Thu Thủy (Đập Đá, TP Huế)

Đã gây tai nạn còn bỏ trốn, phải bị khởi tố hình sự

Các nghi can lái xe ô tô gây tai nạn cho cả xe khách, cả xe máy, nhưng ngay sau khi gây tai nạn đã bỏ trốn, không cứu giúp các phương tiện, những người bị tổn hại do tai nạn các nghi can gây ra. Các nghi can đã vi phạm khoản 2 điểm c điều 202 Bộ Luật Hình sự, Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Tội này có mức phạt cao nhất tới 10 năm tù. 


Trần Văn Bang (Hàng Giấy, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Phạm tội buôn lậu

Voi là một loài vật có thể nói là còn rất ít các cá thể hoang dã. Không thể khai thác từ hoang dã trong nước để có tới 16 chiếc ngà. Chắc chắn đây là những chiếc ngà voi mang từ châu Phi nhập lậu vào Việt Nam. Hành vi buôn bán các thành phần cơ thể của các loại vật trong sách đỏ là hành vi đáng lên án. Pháp luật Việt Nam đã cấm việc buôn bán ngà voi từ rất lâu. Ngà voi được coi là hàng cấm. Các nghi can đã sở hữu và đem đi buôn bán 16 ngà voi nhập lậu qua biên giới đã chứng tỏ các nghi can này phạm tội buôn lậu theo điều 153 Bộ luật Hình sự, Tội buôn lậu với mức phạt có thể lên đến tù chung thân, tử hình. 


Phương Bích (Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Các nghi can có thể vô tội

Các nghi can sau khi gây ra tai nạn có thể sợ bị đánh đập, hành hung nên đã bỏ trốn. Cần động viên họ về để giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Cần phải lưu ý các chi tiết của vụ án: Thứ nhất, cho đến nay, chưa có chứng cứ nào xác nhận số vật phẩm bắt giữ được là ngà voi, loại hàng hóa bị cấm buôn bán. Hơn nữa cũng không có chứng cứ chứng tỏ số vật phẩm này là thuộc sở hữu của các nghi can. Theo đúng quy định về suy đoán vô tội, các nghi can này vẫn chưa phạm tội. Về chiếc xe có biển số giả, cũng cần chú ý, chỉ khi các nghi can biết rõ chiếc xe đó sử dụng biển số giả hoặc giấy tờ xe giả nhưng vẫn sử dụng thì các nghi can mới phạm tội, còn nếu các nghi can không biết xe đó có biển số giả hoặc giấy tờ giả thì các nghi can vẫn chưa phạm tội. Đối với tội vi phạm các quy định giao thông đường bộ, cần dựng lại sơ đồ, xem xét đường đi của người đi xe máy và xe khách. Nếu do xe khách hoặc xe máy đi sai làn đường, lấn đường gây ra tai nạn thì các nghi can cũng không có lỗi. Tóm lại khả năng các nghi can không phạm tôi vẫn có. Cần chờ đợi kết quả điều tra.

Trần Hà (Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Theo đúng nội dung vụ án, chúng ta thấy ở đây có ba hành vi của các nghi can có dấu hiệu phạm tội. Hành vi thứ nhất là gây ra tai nạn giao thông đưởng bộ khá nguy hiểm, đã gây thiệt hại nặng về tài sản, gây ra mối nguy hiểm đối với sinh mạng nhiều người. Ngay sau khi gây ra tai nạn, các nghi can đã bỏ trốn, là một tình tiết tăng nặng trong Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hành vi thứ hai là hành vi sử dụng xe ô tô có gắn biển giả. Đặc biệt, biển số giả này thuộc một cơ quan bảo vệ pháp luật. Hành vi thứ ba là sở hữu, lưu thông 16 vật phẩm, nghi là ngà voi, một loại hàng hóa bị cấm kinh doanh, mua bán, nhập khẩu.

Trước khi xem xét các hành vi này phạm tội như thế nào, cần phải chờ đợi kết quả điều tra xác định các vấn đề sau: Các nghi can này biết và chủ động sử dụng biển số xe ô tô giả để lưu thông. Số lượng 16 vật phẩm nghi là ngà voi đúng là loại hàng hóa bị cấm kinh doanh. Và quan trọng hơn, cần phải chứng minh được, số vật phẩm nghi ngà voi này là tài sản sở hữu hoặc quản lý của các nghi can. Cuối cùng, cần xác định lỗi của các nghi can trong vụ tai nạn tại tuyến đường tránh Nguyễn Hoàng (Quảng Nam)

Nếu các nghi can biết và chủ động sử dụng biển số giả trong lưu thông đường bộ, các nghi can có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267, Bộ luật Hình sự, cụ thể tội danh này được quy định như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới bảy năm.

Đối với người sở hữu xe, cố tình thuê người khác làm biển giả cho mình và đưa vào sử dụng sẽ chịu trách nhiệm pháp lý.

Trước hết là trách nhiệm được xem xét ở góc độ hành chính, theo đó hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị tịch thu biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 01 tháng. ( Trích Khoản 5, Điều 16, Nghị định 171/2013/NĐ – CP). Trách nhiệm xem xét ở góc độ hình sự nếu người sở hữu xe thuê người làm biển số xe giả nhằm thực hiện hoặc che giấu hành vi phạm tội, ví dụ, sử dụng các biển số xe giả xe chuyên dùng của các cơ quan tổ chức để tham gia giao thông trên đường nhằm vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng quốc cấm sẽ bị truy cứu trách nhiệm cho các tội danh tương tự. Dĩ nhiên, nếu người điều khiển xe không biết xe mang biển số giả sẽ không phạm tội này.

Đối với hành vi sở hữu lưu thông 16 vật phẩm là ngà voi, các nghi can có thể đã phạm tội theo Điều 155. Bộ luật Hình sự, Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm: Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Phạm tội trong các trường hợp nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 15 năm. Ngà voi là hàng hóa bị cấm theo Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 7 năm 2009 và Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 6 năm 2009, được liệt kê đầy đủ theo thứ tự tại Phụ lục I ban hành kèm theo Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công thương. Dĩ nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy số vật phẩm này không thuộc sở hữu hoặc quản lý của các nghi can, các nghi can sẽ không phạm tội này. 

Hành vi thứ ba là hành vi vi phạm các quy định trong giao thông đường bộ gây tai nạn, do không có thương vong về người và tài sản bị thiệt hại lớn nhất chính là xe do các nghi can điều khiển nên có thể các nghi can sẽ bị xử phạt hành chính ở mức nặng mà không bị truy tố trước tòa án. 

Do các nghi can có hai hành vi phạm tội làm giả con dấu và tài liệu và tội tàng trữ, sản xuất, buôn bán hàng cấm độc lập với nhau và phạm tội ở các thời điểm khác nhau, các nghi can có thể bị truy tố theo cả hai tội danh. Nhưng nếu các nghi can chỉ sử dụng biển ô tô giả một lần để buôn lậu ngà voi, có thể các nghi can sẽ bị truy tố theo tội danh Buôn bán hàng cấm theo điều 155 BLHS và tình tiết sử dụng biển số ô tô giả được coi là tình tiết tăng nặng. Với các tội này, các nghi can có thể bị phạt tới 5 năm tù. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)