Dùng xe đuổi cướp gây chết người, phạm tội gì?

ANTD.VN - Anh Hoàng Quốc B (21 tuổi, trú tại Biên Hòa, Đồng Nai) lái ô tô chở người thân là chị Nguyễn Thị H lưu thông trên xa lộ Hà Nội, hướng quận 2(TP.HCM) về Đồng Nai. Khi đổ hết dốc cầu Rạch Chiếc (phường Phước Long A, quận 9), anh B dừng xe đi vệ sinh. Lúc này Nguyễn Thế Ngọc cùng Nguyễn Hoàng Lâm (30 tuổi) đi trên xe máy dừng lại mở cửa ô tô, giật túi xách trên tay chị H rồi tăng ga bỏ chạy. Nghe chị H hô hoán, anh B lái ô tô truy đuổi. 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Hai tên cướp chạy vào đường cụt nên bị ô tô của anh B đâm thẳng từ phía sau. Cú đâm mạnh làm xe máy vỡ nát, bay vào vách tường, hai tên cướp ngã ra đường. Nguyễn Thế Ngọc bị thương nên bị anh B cùng người dân gần đó bắt giữ giao cho công an. Trong lúc làm việc tại cơ quan công an, thấy Nguyễn Thế Ngọc có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên công an đã đưa Ngọc đi bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong do bị vỡ bàng quang.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là anh Hoàng Quốc B đã phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Theo tôi, trong vụ việc này anh Hoàng Quốc B đã phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015. Mặc dù hành vi của 2 đối tượng cướp giật tài sản là vi phạm pháp luật, nhưng việc anh Hoàng Quốc B đuổi theo các đối tượng này với tốc độ cao là hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và cho những người đi đường và vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Theo tôi được biết, mức phạt tội này từ 30 - 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Trần Lan Hoa (Thái Thụy - Thái Bình)

Tội giết người

Theo nội dung vụ việc, có thể thấy, anh Hoàng Quốc B đã cố tình đâm xe vào tên cướp, dẫn đến hậu quả chết người. Dù anh Hoàng Quốc B không mong muốn hậu quả xảy ra, nhưng xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, anh Hoàng Quốc B buộc phải nhận thức được khả năng gây chết người. Trong trường hợp này, tên cướp đã có hành vi vi phạm pháp luật trước nhưng anh B có thể ghi nhận những đặc điểm nhận dạng của đối tượng rồi sau đó thông báo với cơ quan công an chứ không thể dùng ô tô đâm vào các đối tượng này dẫn đến hậu quả chết người. Vì vậy, theo tôi hành vi của anh Hoàng Quốc B có dấu hiệu cấu thành tội giết người theo điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

 Hoàng Trung Thành (Cam Ranh - Khánh Hòa)

Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

Trong lúc dừng xe để đi vệ sinh, anh Hoàng Quốc B bất ngờ bị các đối tượng mở cửa xe và cướp túi của người thân. Việc cướp giật diễn ra quá trắng trợn, nên theo tôi đã tác động tới tinh thần của anh B. Điều này đã khiến anh B quyết tâm đuổi theo các đối tượng để giành lại chiếc túi xách và anh B đã có hành vi đâm xe ô tô vào xe máy của các đối tượng cướp giật dẫn đến một người tử vong. Theo tôi, hành vi này của anh B có dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo điều 125 Bộ luật Hình sự 2015. 

Vũ Thúy Hải (Móng Cái - Quảng Ninh)

Vô ý làm chết người 

Tôi cho rằng, anh Hoàng Quốc B không cố tình đâm vào các đối tượng cướp giật với mục đích để gây tử vong cho các đối tượng này mà mục đích là chỉ va xe vào các đối tượng này khiến chúng ngã xuống để có thể lấy lại được chiếc túi xách. Việc có một đối tượng bị chết là ngoài ý muốn của anh B. Do đó, theo tôi anh B chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở hành vi vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự 2015.

Đinh Quốc Trung (Ba Đình - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Qua phân tích diễn biến của vụ việc xảy ra và cấu thành các tội phạm của Bộ luật Hình sự cho thấy, hành vi của anh Hoàng Quốc B không khớp với tội danh giết người (Điều 123); tội giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh (Điều 125); tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (Điều 260) hoặc tội vô ý làm chết người (Điều 128). Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm: “Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện, tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 lần đầu tiên đã đề cập tại Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015 việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự”. 

Như vậy có thể thấy, nhìn từ góc độ nào đi nữa, chúng ta đều phải thừa nhận một tình tiết cơ bản là anh B gây chết người phạm tội cướp giật tài sản trong khi truy bắt hắn. Đây là tình tiết có tính chất loại trừ trách nhiệm hình sự với anh B theo điều 24. Tuy nhiên, nếu chứng minh anh B sử dụng biện pháp vũ lực nhằm bắt giữ người phạm tội vượt quá mức cần thiết thì anh B phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các chết của tên cướp giật.

Trước hết, xét về động cơ mục đích của anh Hoàng Quốc B khi truy đuổi theo xe mô tô của 2 đối tượng là nhằm bảo vệ tài sản của mình và bắt giữ người phạm tội quả tang. Anh B không có động cơ tước đoạt tính mạng của đối tượng. Hậu quả chết người xảy ra là điều mà lái xe không mong muốn. Tuy nhiên, do có tác động va chạm giữa xe ô tô và xe máy thì mới có việc xe máy bị đổ ngã và nạn nhân bị tử vong do vỡ bàng quang. Do đó, cần xem xét tính chất mức độ hành vi và hậu quả do lái xe gây ra trong trường hợp bắt giữ người phạm tội. Từ nội dung của vụ việc, có thể chia ra 2 trường hợp. 

Thứ nhất, nếu anh B chạy xe ô tô đuổi theo 2 tên cướp giật đến đường cụt với tốc độ cao làm anh không kịp xử lý, dẫn đến xe của B đụng vào phía sau xe gắn máy của 2 tên tội phạm trên làm tên Ngọc bị chấn thương nặng chết, thì lỗi của B là lỗi vô ý. Thứ hai, nếu anh B dùng xe đâm thẳng vào phía sau xe gắn máy của 2 tên cướp giật nhằm không để chúng tẩu thoát thành công, thì B đã sử dụng vũ lực vượt quá mức cần thiết trong quá trình truy bắt tội phạm là có dấu hiệu giết người. Hành vi này đã phạm vào tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng hành vi của anh Hoàng Quốc B đã thực hiện trách nhiệm công dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm. Dẫu biết rằng, tính mạng con người là điều cao quý nhất của cuộc sống. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của người khác trái pháp luật đều bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong trường hợp này cần xét đến bối cảnh xảy ra sự việc, nguyên nhân chết của đối tượng cướp giật tài sản để từ đó chúng ta có thể đánh giá tính chất mức độ và căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý vụ việc có lý, có tình.

Trước tiên phải làm rõ hành vi phạm tội của 2 đối tượng (trong đó có 1 đối tượng tử vong) đã cấu thành tội phạm cướp giật tài sản theo Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015. Hành vi phạm tội của các đối tượng không những đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm minh trong tình hình hiện nay. Các đối tượng phạm tội rất manh động, liều lĩnh với thủ đoạn nguy hiểm thì hậu quả xảy ra trước tiên là do lỗi của mình gây ra. Nếu cơ quan điều tra xét thấy hành vi của lái xe có dấu hiệu tội phạm thì đó cũng là loại tội phạm ít nghiêm trọng và được xem xét khi xét xử.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng luật sư Hùng Mạnh)

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.