Dùng súng giả đe dọa giết người có phạm tội không?

ANTD.VN - Ngày 17-9, Nguyễn Văn Q. (SN 1987) và ông Trần Quốc T. (SN 1970) đã xảy ra mâu thuẫn dẫn tới việc cãi vã, sau đó do được mọi người can ngăn nên Q. và ông T. ai về nhà người đó. Khi về nhà ông Trần Quốc T. đã kể lại câu chuyện với con mình là Trần Quốc B. (SN 1993). 

(Ảnh minh họa)

Nội dung vụ việc

Sau khi biết Nguyễn Văn Q. đã có lời nói xúc phạm đến bố mình nên B. đã tìm đến nhà Q. để hỏi chuyện. Tại nhà Q., dù không gặp được Q. nhưng nhìn thấy bố mẹ của Q. ở đó, B. đã có rút trong người ra 1 khẩu súng và dọa nếu bố mẹ Q. ko nói Q. ra gặp B. thì B. sẽ bắn cả nhà Q. rồi sau đó bỏ ra về. Sau đó, Trần Quốc B. còn nhắn tin vào điện thoại của Q. đe dọa sẽ giết cả nhà Q. nếu Q. không gặp B.

Do quá lo sợ, bố mẹ Q. đã trình báo với cơ quan công an. Cơ quan công an đã mời Trần Quốc B. tới làm việc và thu giữ khẩu súng B. dùng để dọa bố mẹ Q., nhưng đây chỉ là súng bật lửa, kiểu giống súng thật. Trần Quốc B. khai nhận, việc anh ta dọa bố mẹ Q. với mục đích chính chỉ là để nói chuyện phải trái với Q. 

Vấn đề đặt ra là với hành vi sử dụng khẩu súng giả để đe dọa, Trần Quốc B. có phạm tội đe dọa giết người hay không?

Ý kiến bạn đọc

Không phạm tội

Trong vụ việc này, Trần Quốc B. không phạm tội đe dọa giết người. Có thể thấy, nguyên nhân của việc Trần Quốc B. tìm đến nhà Nguyễn Văn Q. là để tìm gặp Q. nói chuyện vì trước đó Q. đã có những lời lẽ xúc phạm đến bố của Trần Quốc B. Việc B. rút trong người khẩu súng và đe dọa bố mẹ của Q. đã được cơ quan công an làm rõ đó chỉ là khẩu súng kiểu bật lửa, trông giống khẩu súng thật. Do vậy, khẩu súng này không có khả năng đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của bố mẹ Q. Việc B. nhắn tin vào điện thoại của Q. sau đó cũng không nằm ngoài mục đích muốn gặp Q. để nói chuyện. Vì vậy, Trần Quốc B. không phạm tội đe dọa giết người.

Vũ Thúy Hải (Đông Triều - Quảng Ninh) 

Phạm tội đe dọa giết người

Dù khẩu súng của Trần Quốc B. mang theo để đe dọa bố mẹ Nguyễn Văn Q. được xác định là khẩu súng giả, kiểu bật lửa, trông giống như khẩu súng thật, tuy nhiên hành động của Trần Quốc B. đã vi phạm pháp luật. Súng được xác định là một loại vũ khí nguy hiểm, gây chết người đã bị pháp luật cấm sử dụng. B. hoàn toàn biết điều này và đã lợi dụng khẩu súng giả đó để đe dọa giết cả nhà Nguyễn Văn Q. khiến cho bố mẹ Q. hoảng sợ đến mức phải trình báo cơ quan công an. Chưa kể sau đó B. còn nhắn tin tới điện thoại của Q. để đe dọa. Đây rõ ràng là một hành vi đe dọa giết người đã được pháp luật quy định trong Điều 103, Bộ luật Hình sự và cần phải xử lý theo pháp luật.

Nguyễn Thái Hùng (Đồng Kỵ - Bắc Ninh)

Phải xử lý nghiêm hành vi này

Hành vi của Trần Quốc B. là hành vi có tính chất côn đồ. Chỉ vì một sự việc chưa rõ ràng mà B. đã có hành động đe dọa giết người. Mặc dù khẩu súng của B. mang theo chỉ là khẩu súng giả không gây nguy hiểm ngay lúc đó, tuy nhiên không ai dám chắc rằng với bản chất côn đồ của mình B. có tiếp tục dùng những hung khí khác để gây nguy hiểm  tính mạng cho gia đình của Nguyễn Văn Q. Vì vậy, tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm hành vi côn đồ của Trần Quốc B.

Vũ Thúy Hải (Tiền Hải - Thái Bình)

Bình luận của luật sư

Để có căn cứ khẳng định hành vi của Trần Quốc B. có phạm tội đe dọa giết người quy định tại Điều 103, Bộ luật Hình sự hay không, trước hết ta cần phân tích cấu thành của tội danh này. Theo quy định của pháp luật, đe doạ giết người là hành vi của một người bằng lời nói, hành động hoặc những thủ đoạn làm cho người khác lo sợ rằng mình sẽ bị giết. Những dấu hiệu cơ bản của tội phạm này bao gồm: 

Thứ nhất, về phía người phạm tội, người phạm tội phải có hành vi làm cho người bị đe dọa lo sợ. Hành vi này chỉ có thể là hành động như bằng lời nói, cử chỉ, cách nhìn, nhưng không phải để thực hiện việc giết người mà chỉ nhằm làm cho người bị đe dọa tưởng thật là mình có thể bị giết như: mài dao, lấy súng lên đạn, viết thư, nhắn tin...

Hành vi đe dọa của người phạm tội phải làm cho người bị đe dọa thực sự tin rằng mình sẽ bị giết, tức là có căn cứ để xác định hành vi đe dọa đó sẽ được thực hiện; căn cứ này phát sinh từ phía người bị đe doạ không phải là căn cứ khách quan, đây là dấu hiệu đặc trưng của tội này, song lại là dấu hiệu khó xác định. Nếu người phạm tội sau lời đe doạ lại thực hiện một số hành vi như tìm kiếm phương tiện giết người hoặc chuẩn bị phương tiện giết người thì phải xác định những hành động đó chỉ nhằm làm cho người bị đe dọa tưởng bị giết thật chứ không nhằm tước đoạt tính mạng người bị đe dọa.

Chính vì mục đích đó, nên hành vi có vẻ chuẩn bị này, người phạm tội cố ý để cho người bị đe dọa nhìn thấy hoặc người khác nhìn thấy mà người phạm tội biết rằng người này sẽ nói lại cho người bị đe dọa biết, còn hành vi chuẩn bị nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, người phạm tội phải thực hiện một cách lén lút không cho ai biết, vì nếu để lộ sẽ không thực hiện được ý định giết người.

Đây cũng là dấu hiệu cơ bản để phân biệt giữa tội đe dọa giết người với tội giết người ở giai đoạn chuẩn bị. Nếu người phạm tội có hành vi đe dọa, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe doạ giết người như: hành vi đe doạ dùng bạo lực trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm nhân phẩm của con người...

Về phía người bị hại, người bị hại phải thực sự lo lắng và tin rằng hành vi đe dọa của người phạm tội sẽ được thực hiện. Thật khó có thể hình dung được một hành vi không bao giờ được thực hiện lại làm cho người khác tin rằng nó sẽ xảy ra. Rõ ràng phải có sự lầm tưởng của người bị hại và những người khác về sự thật của hành vi. Điều này phụ thuộc vào hoạt động tư duy của mỗi người.

Chính thái độ tâm lý của người bị đe dọa là dấu hiệu buộc tội bị cáo. Việc xác định sự sợ hãi của người bị đe dọa phải căn cứ thái độ, các hoạt động của họ sau khi nhận được sự đe dọa, thời gian, hoàn cảnh, địa điểm, mối quan hệ giữa bị cáo và người bị hại. Nếu trong hoàn cảnh đó, nhiều người cho rằng sự đe dọa đó sẽ được thực hiện thì sự lo sợ của người bị hại là có căn cứ.

Nếu người bị đe dọa không lo sợ bị giết mà lại lo sợ về những hậu quả khác do bị cáo có thể gây nên cho mình, thì dù bị cáo có hành vi đe dọa giết người cũng không phạm tội này. Người bị hại có thể sợ người có hành vi đe dọa giết, nhưng cũng có trường hợp không sợ bị cáo giết mà lại sợ người khác giết mình, thì người có hành vi đe dọa vẫn phạm tội này. Người bị đe dọa có thể sợ mình bị giết và cũng có thể sợ người thân của mình bị giết miễn là họ tin rằng hành vi đe dọa của bị cáo sẽ được thực hiện. 

Pháp luật cũng quy định, nếu người phạm tội có hành vi đe dọa, nhưng hành vi đó chỉ là phương pháp để thực hiện một tội phạm khác, nhằm mục đích khác thì không phải là phạm tội đe dọa giết người.

Như vậy, trong vụ việc này Trần Quốc B. mặc dù có hành vi đe dọa giết người nhưng lại chưa cấu thành tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 103, Bộ luật Hình sự bởi hành vi đe dọa giết người của Trần Quốc B. là nhằm tới mục đích gặp gỡ và nói chuyện phải trái với Nguyễn Văn Q. Do đó, Trần Quốc B. sẽ không bị xử lý về hành vi đe dọa giết người. Tuy nhiên, hành vi của Trần Quốc B. sẽ bị xử phạt hành chính đã vi phạm Quyết định 464/BNV ngày 27-12-1997 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm. Theo đó, danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm theo Quyết định 464/BNV gồm:

a. Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn:

- Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại.

- Súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ.

b. Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn.

c. Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén.

Ngoài ra, đối với hành vi nhắn tin điện thoại dọa giết người của B., đây là hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 40, Nghị định số 83/2011/NĐ-CP. Theo đó, người nào lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện một trong các hành vi “đe dọa, quấy rối, xúc phạm, xuyên tạc, vu khống uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị buộc chấm dứt sử dụng dịch vụ viễn thông.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)