Đừng làm tổn thương chính mình

ANTĐ - Nhiều cặp vợ chồng tìm mọi cách để dằn vặt nhau cho dù đã hết tình hết nghĩa. Nhưng hậu quả không chỉ kẻ bị tra tấn bị tổn thương mà người trả thù cũng thương tích đầy mình. 

Ăn miếng trả miếng

Luôn tự cho mình là người “thập toàn thập mỹ”, anh Trần Quốc Vinh (42 tuổi, Hà Đông) không bao giờ có thể ngờ rằng vợ mình lại đi cặp bồ, mà gã bồ chỉ là lái xe, ít học, ít tiền. Bắt gặp vợ tay trong tay với bồ đi vào nhà nghỉ, anh Vinh không vội vàng lao tới đánh ghen. Dò hỏi mấy nhân viên nhà nghỉ, anh biết vợ mình cùng bồ thường xuyên đến thuê 1 căn phòng nên đã thuê người đặt máy quay lén, quay cảnh vợ mình cùng bồ “tâm sự”. Hàng đêm, anh bắt vợ phải xem lại cảnh trăng gió rồi đánh đập vợ để trút thù hận.

Người vợ cắn răng chịu đựng, không dám kêu vì sợ chồng sẽ công bố “cảnh đẹp mặt” cho con cái, bố mẹ hai bên biết. Hàng ngày, chị đều phải hầu hạ chồng như ông chủ. Có lần nước rửa chân quá nóng, anh còn hắt cả chậu nước lên mặt chị, bỏng đỏ một mảng lớn. Anh cũng công khai cặp bồ, ghi âm chuyện giường chiếu với những lời lẽ dung tục về bật lên bắt vợ nghe. Quá nhục nhã, vợ anh Vinh quỳ xuống xin được ly hôn nhưng anh Vinh nhất định không đồng ý. 

Đừng làm tổn thương chính mình ảnh 1

Chị Lê Thị Duyên (38 tuổi, Hai Bà Trưng) cũng sống trong nỗi thù hận với người chồng bạc bẽo. 20 năm trước, anh chị lấy nhau với hai bàn tay trắng. Anh làm công nhân, chị bán rau ngoài chợ. Chị dành dụm số tiền mồ hôi nước mắt để chồng đi học đại học hàm thụ, từ một công nhân lên làm quản đốc phân xưởng, trưởng phòng rồi phó giám đốc công ty. Mỗi một lần thăng tiến, anh lại nắm lấy bàn tay chai sạn của vợ hứa hẹn sẽ cố gắng cho chị một cuộc sống sung sướng hơn, giúp hôn nhân hạnh phúc bền chặt hơn. Thế nhưng, một thời gian sau chị phát hiện chồng có bồ là một cô sinh viên thực tập, trẻ trung, dịu dàng.

Khuyên chồng nhưng anh ta không hối hận mà còn đòi ly hôn để theo “tình yêu đích thực”, thế là chị Duyên lồng lộn mắng chửi chồng bạc bẽo, vô ơn, đã vắt kiệt sức lực, tuổi xuân của chị giờ lại đòi vứt bỏ. Chị đến cơ quan anh làm ầm lên, viết đơn tố cáo quan hệ bất chính của anh đến khắp nơi. Anh bị xử lý kỷ luật, mất chức. Cô bồ sợ sự quấy rối của chị cũng cắt đứt quan hệ. Trước sức ép của gia đình, họ hàng, anh cũng miễn cưỡng quay về sống với vợ. Nhưng chị vẫn không buông tha. Hàng ngày, chị mắng chó đuổi mèo, nhiếc móc đồ “ăn cháo đá bát”, vô ơn bạc nghĩa. 

Hại người, thiệt mình

Việc trả thù vợ không khiến anh Vinh cảm thấy sung sướng, vui vẻ. Sau mỗi cuộc tình trở về nhà, anh thực sự không dám nhìn mình trong gương. Mỗi lần mắng chửi, đánh vợ, anh cũng cảm thấy da thịt mình rách nát. Không chỉ vợ anh đau khổ, mặt trắng bệch không còn sức sống mà cả hai đứa con sống trong gia đình nặng nề cũng buồn bã. Đứa lớn thường xuyên bỏ học, đứa bé nhốt mình trong phòng, gần như trầm cảm. Để quên, anh chìm trong bia rượu đến mức viêm tụy cấp, suýt chết. Nằm trên giường bệnh, nhìn vợ gầy guộc, ngược xuôi chăm sóc, anh Vinh nghẹn ngào: “Chúng ta ly hôn đi. Anh biết vì anh thờ ơ với gia đình nên em mới rơi vào vòng tay người khác. Nhưng làm tổn thương em cũng chính là tổn thương anh và các con”. 

Còn chị Duyên cũng phải nhập viện vì chứng suy nhược, mất ngủ triền miên, kèm theo huyết áp lên xuống thất thường. Người quen ái ngại hỏi thì chị lại ngồi trách móc lão chồng phản bội, con cái bất hiếu. Người chồng chỉ sống với chị như cái bóng, đi sớm về muộn, không quan tâm đến sự sống chết của vợ. Còn cậu con trai bị bạn bè cười chê vì vụ kiện cáo “đòi chồng” của mẹ nên cũng bất mãn với mẹ. Con gái cũng xấu hổ, thi thoảng vào đưa cơm cho mẹ chứ không chịu ngồi tâm sự. Họ hàng đều trách chị Duyên cư xử cạn tình. Muốn sống với nhau thì cũng phải giữ cho nhau chút sĩ diện. Đạp đổ tất cả theo kiểu “lành làm gáo, vỡ làm muôi” thì chỉ hại người, thiệt mình.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc (Hà Nội), rất nhiều người vợ (chồng) khi bị bạn đời phản bội đã tìm cách trả thù nghiệt ngã. Những người hy sinh quá nhiều cho hôn nhân thì sự tổn thương càng sâu sắc. Cũng có tự cao tự đại, cho rằng mình là số 1, vợ (chồng) cưới được mình là “phúc tổ ba đời” nên khi bị “cắm sừng” ngoài cảm giác bị phản bội còn có nỗi giận dữ vì bị sỉ nhục, bị hạ thấp, coi thường. Do đó, họ tìm cách “ăn miếng trả miếng”, lặp lại sai lầm của vợ (chồng) với mong muốn người bạn đời sẽ ngấm nỗi đau mà họ đã phải gánh chịu. Tuy nhiên, điều đó giống như bạn dùng tay xé rách vết thương của mình một lần nữa, bản thân sẽ tiếp tục đau đớn hơn nhiều lần. Ngoài ra, người phải hứng chịu tổn thương nặng nề nhất chính là những đứa trẻ vô tội. Khi bố mẹ tìm cách trả thù nhau, các con sẽ cảm nhận được sự ghét bỏ, khinh bỉ giữa bố và mẹ. Lúc đó, đứa trẻ hoặc đau buồn, sa sút hoặc tìm cách quậy phá, hư hỏng mà không còn nghe lời cha mẹ nữa. 

“Cổ nhân đã dạy “Điều mình không muốn đừng làm cho người khác”. Do đó, muốn sống bình yên thì không nên thù hận. Nếu cân nhắc hôn nhân không thể tồn tại thì nên buông tha cho nhau cũng là buông tha cho chính mình tìm một cơ hội yêu thương khác. Còn nếu như người phản bội muốn sửa chữa lỗi lầm, mình cũng mong giữ gìn gia đình thì nên cư xử vị tha, cao thượng. Như vậy mới mong nối lại được sợi dây tình nghĩa đã đứt” - bà Lê Thị Túy khuyên giải.