Đừng để mất mạng vì truyền dịch tại phòng khám tư

ANTD.VN - Vụ việc một phụ nữ trẻ tử vong sau khi đến truyền dịch tại phòng khám tư ở Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội) vừa qua không chỉ báo động về tình trạng sai phạm tại các cơ sở y tế tư nhân mà còn cảnh báo thói quen chết người đang rất phổ biến trong dân. Đó là cứ hễ mệt mỏi, chán ăn, hắt hơi sổ mũi nhiều người lại đến các phòng khám tư hay mời nhân viên y tế đến nhà truyền dịch.

Đừng để mất mạng vì truyền dịch tại phòng khám tư ảnh 1Chỉ nên truyền dịch tại các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu

Lại liên tiếp có những trường hợp tử vong

Ngày 24-9, thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sau 10 ngày được điều trị tích cực, với tổng chi phí điều trị lên tới 250 triệu đồng nhưng một bệnh nhân nam (50 tuổi, ở Hải Phòng) đã tử vong do hoại tử toàn thân sau khi tiêm truyền không đảm bảo vô trùng tại một cơ sở y tế tư nhân.

Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân này nhập viện giữa tháng 9, trong tình trạng hết sức nguy kịch. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng, suy đa tạng, các vết hoại tử trên da đã lan toàn thân, suy đa thận, sau đó diễn tiến thành suy đa tạng. Kết quả cấy máu cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.

Qua tìm hiểu thông tin từ người nhà bệnh nhân được biết, trước đó bệnh nhân bị đau lưng nên đã đến một người cùng khu để tiêm thuốc giảm đau và truyền dịch. Tuy nhiên, sau 3-4 ngày thì quanh khu vực tiêm truyền bị viêm tấy, vùng viêm lan rộng rất nhanh kèm theo triệu chứng sốt cao, vàng da nên phải đến bệnh viện cấp cứu.

Bác sĩ Thạch cho biết, những trường hợp phải gánh chịu hậu quả do tự ý tiêm giảm đau, truyền dịch tại nhà hoặc tại cơ sở y tế tư nhân không được cấp phép như bệnh nhân kể trên, tại bệnh viện gặp khá nhiều. Qua tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu do tâm lý người bệnh ngại đến bệnh viện, thích tiêm truyền với suy nghĩ bệnh nhanh khỏi hơn nên thường tìm đến những cơ sở không được phép tiêm truyền, khám bệnh gần nhà. Các cơ sở này không đảm bảo vô trùng, kỹ thuật tiêm truyền không đảm bảo, không có phương tiện cấp cứu khi bệnh nhân bị sốc thuốc, do đó, nguy cơ bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng là rất lớn. 

Cũng trong tháng 9 này, ngay tại Hà Nội, một nữ bệnh nhân đã tử vong sau khi đến một phòng khám tư gần nhà để truyền dịch. Nạn nhân là chị Vũ Thị Thanh P. (27 tuổi, ở Phù Lỗ, Sóc Sơn). Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 27-8, do mệt mỏi kèm theo sốt, bệnh nhân P. đến Phòng khám chuyên khoa Nội (ở số nhà 6, đường Quốc lộ 3, Cầu Vuông, xóm Đông, Phù Lỗ, Sóc Sơn) để khám bệnh và được nhân viên ở đây truyền nước.

Đến sáng 28-8, người bệnh tiếp tục đến phòng khám này để truyền nước nhưng không đỡ và huyết áp tụt. Thấy vậy, phòng khám đã chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Bắc Thăng Long cấp cứu nhưng chỉ ít giờ sau thì chị đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn nặng, suy đa tạng. Sau khi sự việc xảy ra, Sở Y tế đã kiểm tra hoạt động của phòng khám chuyên khoa nội nêu trên và ra quyết định đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh của phòng khám này do phát hiện nhiều vi phạm như quảng cáo quá phạm vi chuyên môn phê duyệt, sử dụng người hành nghề khám chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế phê duyệt...

Đừng để mất mạng vì truyền dịch tại phòng khám tư ảnh 2Nhiều phòng khám tư không đủ điều kiện để cấp cứu khi xảy ra biến chứng

Dễ tiếp cận nên dễ lạm dụng

Hiện nay, Bộ Y tế cấm chỉ định tuyệt đối việc truyền dịch, song cũng khuyến cáo người dân và cả nhân viên y tế không nên lạm dụng truyền dịch, đồng thời chỉ cho phép phòng khám, cơ sở y tế tư nhân truyền dịch khi người bệnh đang trong tình trạng cấp cứu, ngộ độc, tụt huyết áp. Thế nhưng không phải ai cũng nắm được đầy đủ kiến thức về truyền dịch, trong khi tại các hiệu thuốc, các phòng khám tư, nhất là phòng khám chui, tình trạng bệnh nhân hễ mệt mỏi chưa rõ bị bệnh gì nhưng đến truyền dịch khá phổ biến.

Đặc biệt ở các vùng ngoài thành, nông thôn, tình trạng nhờ nhân viên y tế đến tận nhà truyền dịch rất thường gặp, thậm chí nhiều người còn có thói quen cứ vài ba tháng lại nhờ người đến nhà truyền dịch 1 lần để… tăng cường sức khỏe, thể trạng. Chính việc dễ tiếp cận khi có nhu cầu truyền dịch như vậy khiến tình trạng tự ý, lạm dụng truyền dịch tại nhà, phòng khám tư, các cơ sở y tế chui càng phổ biến hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng khoa nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cảnh báo, những nguy cơ thường gặp nhất nếu truyền dịch tại nhà hoặc cơ sở y tế tư nhân là người truyền dịch - kể cả là bác sĩ - không nhận định hết được tình trạng bệnh của bệnh nhân. Do đó, việc truyền dịch sẽ dẫn tới các nguy cơ như sốc phản vệ gây tai biến nặng nề, có thể tử vong. “Hoặc trên cơ thể người bệnh có sẵn những bệnh lý mạn tính, chẳng hạn như tim mạch, phổi, thận, tự truyền dịch có thể gây ra quá tải tuần hoàn, bệnh nhân có thể bị suy hô hấp, suy tim… nặng hơn có thể tử vong” - bác sĩ Trường phân tích. 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định. Ví dụ, với bệnh nhân viêm phổi, thường không được truyền dịch. Thậm chí, khi bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước hơn là truyền dịch. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền bừa bãi. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu bắt buộc phải truyền dịch thì người bệnh nên thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu sốc phản vệ tại chỗ. Ngay các bác sĩ cũng phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch để phòng biến chứng nguy hiểm xảy ra với người bệnh.