Đừng bắt ép trẻ học trước kiến thức văn hóa

ANTD.VN - Cuộc chạy đua cho con học trước khi vào lớp 1 và học trước vào các lớp tiếp theo vẫn đang là chủ đề “nóng” trên các diễn đàn giáo dục.

Học sinh cần được chuẩn bị đủ mọi tâm thế thay vì chỉ học trước kiến thức văn hóa trước khi chính thức vào năm học mới

Trong khi số trẻ biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 ngày càng nhiều, số trẻ chưa biết đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay thì việc bố mẹ có chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho con sẵn sàng đối mặt với áp lực học tập, giải quyết các vấn đề thực tiễn khi gặp khó khăn ở trường, lớp lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Lo con học dốt vì các bạn đã biết đọc, biết viết

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các bậc phụ huynh chạy đua cho con đi học trước khi vào lớp 1. Tình trạng này lại càng phổ biến hơn khi thời điểm này, nhiều người khẳng định, học sinh chưa biết viết, biết đọc khi bắt đầu vào lớp 1 ở các trường tiểu học thành phố rất hiếm. Sự việc bắt nguồn từ việc giáo viên luôn tỏ ra khó chịu, phàn nàn về những học sinh chưa biết tý gì khi vào lớp 1.

“Con vừa chân ướt chân ráo đến làm quen với trường với lớp, cô đã chê con nhát, không hòa đồng, thiếu tự tin. Đúng là tự tin sao được khi các bạn cùng lớp đã đọc vanh vách, viết  chữ lớn chữ nhỏ”, chị Nguyễn Minh Châu, phụ huynh trường Tiểu học Trưng Vương, Hoàn Kiếm chia sẻ về đứa con đầu đi học mà không học thêm trước.

Không ít giáo viên chia sẻ, thực tế trong khi sĩ số của 1 lớp lên tới hơn 50, thậm chí 60 học sinh thì việc cô giáo nắn tay từng trẻ là quá vất vả và không đủ thời gian. “Những cô giáo nào dạy lớp 1 mới thấy nỗi khổ khi đầu năm các em là tờ giấy trắng. Lớp hơn 50 cháu. Giáo viên nắn từng em từ cách cầm bút, cách tô nét là điều bất khả thi vì không có đủ thời gian trong 2 tiết tiếng Việt”, cô Nguyễn Hoài Anh, giáo viên Tiểu học quận Hoàng Mai cho biết. Theo cô Hoài Anh, phụ huynh vẫn nên cho các con học chữ cái, làm quen trước với bảng, vở và cách cầm bút… Có như vậy trẻ sẽ đỡ căng thẳng và cũng chia sẻ được phần nào khó khăn với các cô giáo lớp 1. 

Đánh giá về điều này, TS. Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, giáo viên hiện nay đang lười đi. Các thầy cô than mệt khi trẻ chưa biết chữ cũng dễ hiểu và để đỡ vất vả, giáo viên muốn có nhiều trẻ biết chữ hơn. Ngày xưa 100% trẻ không biết chữ thì họ sẽ thấy mọi khó khăn là bình thường. Còn bây giờ, phàn nàn sẽ được phụ huynh cảm thông và trợ giúp bằng cách dạy trước cho con, cho đi học thêm, thuê gia sư... 

Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Bộ GD- ĐT cho biết, thực tế cho thấy, những trẻ chưa được học thường tập trung và hào hứng với bài giảng hơn, trong khi những trẻ đã biết trước thường không chú ý, hứng thú và hăng hái học.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ được học trước chỉ có thể phát huy được khả năng ở giai đoạn đầu tiên khi vào lớp 1, sau đó khả năng tiếp thu của các em sẽ giảm hẳn. Những trẻ được học trước cũng thường có tâm lý ganh đua, tị nạnh hơn so với các bạn chưa được học. Điều đó có nghĩa chính việc phụ huynh bắt ép con học trước đã có tác động không tốt đến tâm hồn non nớt của trẻ.

Cần chuẩn bị tâm lý và kỹ năng cho trẻ

“Tôi thấy việc đi học trước rất sai lầm nếu chúng ta chăm chú dạy cho con kiến thức. Hãy cho con thói quen có hứng thú, khám phá học tập cho bản thân, chịu khó quan sát, tìm tòi, suy nghĩ chứ không phải là thuộc lòng hay làm các phép tính tốt. Hơn nữa, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, học trước kiến thức khiến con có cảm giác chán học giống như chán ăn nếu phải ăn lại, từ đó lười suy nghĩ”, TS. Chu Cẩm Thơ, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết.

Theo TS. Chu Cẩm Thơ, cha mẹ cần  rèn cho trẻ nền nếp sinh hoạt cá nhân tốt, có thói quen thức - ngủ, ăn uống điều độ, tự phục vụ được như tự ăn, tự dọn dẹp. Phụ huynh cũng chuẩn bị cho trẻ sức khỏe, kĩ năng vận động tốt giúp trẻ có đôi tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm. 

Còn TS. Hoàng Dương, chuyên gia đào tạo chương trình “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” cho rằng, năm nào phụ huynh và học sinh cũng đều tất bật chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, rồi đến các lớp học thêm, gia sư… nhưng có 2 điều vô cùng quan trọng chúng ta cũng cần chuẩn bị để khởi động một năm học nhiều hứa hẹn đó chính là một tinh thần thoải mái và một phương pháp học tập hiệu quả hơn.

Việc phụ huynh dành thời gian cho con cái cùng nhìn nhận, đánh giá về ưu nhược điểm bản thân, tìm ra tiếng nói chung, phối hợp với việc tìm hiểu phương pháp học tập thông minh… sẽ giúp ích rất nhiều cho học sinh thay vì chỉ làm mỗi một việc là đưa con đến các lớp học thêm để học trước chương trình.

Nhiều phụ huynh đang làm hư con

“Năm nay học sinh Lương Thế Vinh học tập quân sự theo hình thức tập trung trong một tuần tại địa điểm cách xa Hà Nội 40km, do Trung tâm Giáo dục an ninh, quốc phòng thuộc trường ĐH Quốc gia Hà Nội phụ trách huấn luyện. Có những điều lạ lẫm mà bây giờ mới thấy. Phụ huynh đưa con đến trường để từ đó các con sẽ đi xe ô tô đến doanh trại. Thế mà có nhiều phụ huynh khóc lóc (họ làm như con mình sắp đi đến nơi rừng thiêng nước độc!). Ngay buổi chiều hôm ấy đã có rất nhiều phụ huynh lên doanh trại thăm con (họ làm như bố mẹ chưa gặp con hàng tháng trời...).

Nhiều phụ huynh đã tiếp tế cho con bao nhiêu thức ăn, nước uống, mặc dầu học sinh ăn cơm bộ đội khá sang (họ làm như con cái họ đang ở trong trại cải tạo không bằng). Kỷ luật của nhà trường là không tiếp tế cho học sinh, nhưng có người bảo: “Con tôi chỉ biết uống nước nhập ngoại, sợ nó không biết uống nước của ta”. Tôi tự rút ra một điều, nhiều vị phụ huynh làm hư con cái của mình mà cứ tưởng như vậy là mình thương chúng nó”.

 PGS Văn Như Cương(Người sáng lập trường THPT Lương Thế Vinh)

Người lớn hãy làm gương cho trẻ

Trước khi chính thức vào năm học mới, điều các gia đình cần làm là dành một buổi tối để thảo luận về những  việc mà mình sẽ làm để xây dựng và nuôi dưỡng giá trị gốc rễ như tôn trọng, yêu thương, trách nhiệm, trung thực.

Ở trường, từng giáo viên, cán bộ công nhân viên của chúng tôi cũng làm như thế, sau đó mới thống nhất cách thể hiện và nuôi dưỡng giá trị. Ví dụ như chúng tôi cùng thống nhất tôn trọng là giá trị đầu tiên mà mỗi giáo viên cần rèn luyện. Tôn trọng bản thân bằng cách đi làm đúng giờ, hoàn thành các nhiệm vụ được giao hoặc đã nhận. Tôn trọng học sinh bằng cách lắng nghe, ghi nhận những ý tưởng, sáng kiến của học sinh.

Tôn trọng môi trường xung quanh bằng cách không vứt rác… Nếu cha mẹ và thầy cô làm gương rèn luyện, chắc chắn chúng ta sẽ có những đứa trẻ thấm đẫm giá trị, có tình yêu thương, có lòng trắc ẩn, có ý chí, đam mê và sáng tạo. Vì vậy, chúng ta cần làm gương ngay từ bây giờ và bằng những hành động nhỏ nhất. 

Trần Thị Hải Yến (Giám đốc Điều hành trường THCS Alpha)