Đúng 20 năm sau thảm họa bão Linda, áp thấp và bão lại hướng vào Nam bộ

ANTD.VN - Cả áp thấp nhiệt đới và bão đang hướng vào khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ đúng thời điểm tròn 20 năm cơn bão Linda gây thiệt hại nặng tại đây. Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp ứng phó. 

Ngày 2-11-1997, bão Linda đổ bộ vào đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất rất hiếm khi có bão. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bão Linda gây thiệt hại 7.200 tỷ đồng cho 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, khiến 778 người chết, 2.123 người mất tích, 1.232 người bị thương, 107.892 ngôi nhà bị sập. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau đã có 128 người chết, 1.164 người mất tích và 601 người bị thương.

Bài học đau đớn

Đúng thời điểm tròn 20 năm cơn bão Linda gây thiệt hại nặng, trên Biển Đông lại đang ghi nhận sự hoạt động của áp thấp nhiệt đới và bão đang hướng vào khu vực Nam bộ và Nam Trung bộ. Vì vậy, bài học chủ động ứng phó, phòng chống và tránh tâm lý chủ quan càng trở nên sâu sắc hơn.

Nhớ lại thảm họa bão Linda năm 1997, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ chia sẻ: “Đó là bài học đau đớn của chúng ta về ứng phó với bão, là nỗi day dứt khôn nguôi đối với tôi. 3.000 sinh mạng đã chết và mất tích…”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra rằng, bài học ở đây là phải nâng cao khả năng ứng phó tại chỗ của người dân và chính quyền. Phải tăng cường công tác thông tin, liên lạc, dự báo, cảnh báo. Đặc biệt phải trang bị phương tiện, thiết bị liên lạc cho mỗi tàu thuyền khi ra khơi. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, áp dụng đưa khoa học kỹ thuật vào dự báo và dự báo phải càng chi tiết, càng sớm càng tốt.

“Trong giao ban rút kinh nghiệm, tôi đã chỉ ra rằng bão Linda là bài học, chỉ ra cho chúng ta nhiều điều. Cần phải thay đổi tư duy về công tác phòng chống lụt bão, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Phải nâng cao nhận thức về phòng tránh thiên tai, giáo dục kiến thức đến cộng đồng không chỉ cho người dân, mà cho cả cấp lãnh đạo. Cần xây dựng quy chế, quy trình mang tính pháp lý và quy định trách nhiệm cụ thể của từng cấp lãnh đạo. Cũng kể từ bão Linda mà sau này mọi tàu thuyền ra khơi đã được trang bị và bắt buộc phải trang bị thiết bị Icom để liên lạc”, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Huy Ngọ nhớ lại.

Kiểm tra các địa bàn xung yếu

TS Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng sớm 1-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hình thành ở phía Nam Biển Đông chỉ cách Côn Đảo khoảng 200km. Ở vùng gần tâm áp thấp có sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Ngày và đêm nay, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây chếch Bắc với vận tốc 15-20km/h. Sáng sớm 2-11, áp thấp nằm trên vùng biển phía Nam tỉnh Cà Mau.

Trong lúc đó, một áp thấp nhiệt đới khác lại xuất hiện gần Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9. Dự báo trong 24h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Trước tình hình trên, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý việc thực hiện nghiêm các yêu cầu tại Công điện số 83, 84 ngày 31-10. Đồng thời, tiếp tục kiểm đếm, hướng dẫn theo dõi chặt chẽ tàu thuyền trên biển và nơi neo đậu, đặc biệt là 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, thông tin cho các phương tiện để hướng dẫn, chủ động đối phó. 

Ông Trần Quang Hoài cũng lưu ý việc kiểm tra việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Cần tập trung kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, cơ sở dịch vụ du lịch đảm bảo an toàn; chủ động tiêu nước đệm hạn chế ngập úng. Triển khai các đoàn công tác đến các địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó…

Do tính chất của 2 đợt áp thấp nhiệt đới đang tồn tại song song và ảnh hưởng đến nước ta, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đề nghị, cần thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập và các cơ sở nuôi trồng thủy sản…