Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy

ANTD.VN -

Cần huy động toàn xã hội và cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống ma túy

Điều 56. Kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy

Các cơ quan quy định tại các điều từ Điều 45 đến Điều 55 của Luật này, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tệ nạn ma túy; cai nghiện ma túy; nghiên cứu khoa học, huấn luyện nghiệp vụ phòng, chống ma túy.

2. Xử lý các vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố, điều tra các hành vi có dấu hiệu của tội phạm về ma túy.

Điều 57. Kinh phí đảm bảo cho công tác phòng, chống ma túy

Kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Chương VII

HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Điều 58. Chính sách hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy

Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách hợp tác quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực phòng, chống ma túy trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia với các nước; khuyến khích các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo cho hoạt động phòng, chống ma túy.

Điều 59. Cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy

Trên cơ sở các quy định của Luật này và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện các chương trình hợp tác về phòng, chống ma túy với các cơ quan hữu quan của các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 60. Hợp tác quốc tế giải quyết các vụ việc cụ thể về ma túy

Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với nước có liên quan để giải quyết vụ việc cụ thể về ma túy phải tuân theo các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước có liên quan đã ký kết hoặc tham gia, hoặc theo thỏa thuận trực tiếp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước có liên quan.

Điều 61. Tương trợ tư pháp trong phòng, chống ma túy

1. Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy.

2. Nhà nước Việt Nam có thể từ chối tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau:

a) Yêu cầu tương trợ tư pháp không phù hợp với các điều ước quốc tế về phòng, chống ma túy mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và pháp luật Việt Nam;

b) Việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam.

Điều 62. Thỏa thuận giữa các cơ quan tư pháp

Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế đa phương hoặc chưa ký với nhau điều ước quốc tế song phương thì các cơ quan tư pháp của Việt Nam trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn của mình, được thỏa thuận trực tiếp với cơ quan tư pháp của nước có liên quan trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy.

Điều 63. Chuyển giao hàng hóa có kiểm soát

Nhà nước Việt Nam thực hiện yêu cầu chuyển giao hàng hóa có kiểm soát trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia để phát hiện và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội về ma túy. Quyết định sử dụng biện pháp này được tiến hành theo thỏa thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và của nước có liên quan.

Chương VIII

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 64. Khen thưởng trong công tác phòng, chống ma túy

Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong đấu tranh phòng, chống ma tuý, cai nghiện ma túy thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống ma túy

1. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; việc xử lý phải kiên quyết, công khai và thông báo cho cơ quan, tổ chức, chính quyền cơ sở nơi người vi phạm làm việc hoặc cư trú.

2. Người nào sử dụng tài sản, phương tiện của mình để chứa chấp hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động trái phép về ma tuý; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về phòng, chống ma tuý; cản trở, chống đối, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người tố giác, người làm chứng, người bị hại, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Luật này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của Luật này trong khi thi hành nhiệm vụ về phòng, chống ma tuý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

4. Người đứng đầu chính quyền các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về tình hình ma túy tại địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.

Điều 66. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động phòng, chống ma túy

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các vi phạm pháp luật về phòng, chống ma tuý được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương IX

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 67. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày ..... tháng ...... năm ........

Những văn bản hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi,bổ sung năm 2008) có nội dung không trái với Luật này tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản thay thế. Nội dung của văn bản hướng dẫn Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) trái với Luật này thì hết hiệu lực. 

Điều 68. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật này.