Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Bộ Công an đang công bố, lấy ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy từ ngày 14-4-2020 đến ngày 14-6-2020. Báo An ninh  Thủ đô Cuối tuần trân trọng giới thiệu nội dung Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy với bạn đọc.  

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy ảnh 1Đăng ký cai nghiện tự nguyện

Chương IV

QUẢN LÝ NGƯỜI SỬ DỤNG TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY

Điều 25. Xác định người sử dụng trái phép chất ma túy

1. Bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy.

2. Xét nghiệm có dương tính với chất ma túy mà người đó không chứng minh được việc sử dụng chất ma túy là hợp pháp.

3. Người không chấp hành yêu cầu xét nghiệm chất ma túy của người thi hành công vụ thì cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế để thực hiện xét nghiệm.

Điều 26. Quy định của Nhà nước về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy

1. Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Giám sát, quản lý, giáo dục người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy và kịp thời ngăn chặn các hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Điều 27. Trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình, cơ quan, tổ chức 

1. Người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm:

a) Tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) hoặc Công an cấp xã nơi cư trú;

b) Người sử dụng trái phép chất ma túy phải chấp hành việc xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan Công an cấp xã nơi cư trú để xác định có hay không việc sử dụng trái phép chất ma túy;

c) Người sử dụng trái phép chất ma túy chuyển nơi cư trú có trách nhiệm thông báo cho Công an cấp xã nơi cư trú và nơi đến biết để theo dõi, quản lý.

2. Gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm:

a) Theo dõi, quản lý, giáo dục, động viên người sử dụng trái phép chất ma túy không sử dụng trái phép chất ma túy;

b) Kịp thời báo với cơ quan chức năng khi phát hiện người thân tiếp tục có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

c) Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền và đóng góp một phần kinh phí đưa người sử dụng trái phép chất ma túy đi xét nghiệm.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy có trách nhiệm báo tin ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Điều 28. Thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy

1. Công an cấp xã thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú trên địa bàn quản lý. 

2. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bị phát hiện hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà người đó không còn sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa ra khỏi danh sách thống kê.

3. Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn thực hiện việc thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy.

Chương V

CAI NGHIỆN MA TÚY

Điều 29. Chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy

1. Áp dụng chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện.

2. Tổ chức cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc.

3. Khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người nghiện ma túy; hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy.

4. Hỗ trợ kinh phí thực hiện cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy.

5. Tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Trách nhiệm người nghiện ma túy, gia đình và Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Người nghiện ma túy có trách nhiệm:

a) Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;

b) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

2. Gia đình người nghiện ma túy có trách nhiệm:

a) Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

b) Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;

d) Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy khai báo về tình trạng nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện.

Điều 31. Thống kê người nghiện ma túy

1. Công an cấp xã lập hồ sơ quản lý, theo dõi và thống kê người nghiện ma túy cư trú trên địa bàn quản lý. 

2. Người nghiện ma túy trong thời gian 03 năm kể từ ngày kết thúc một hình thức cai nghiện mà không phát hiện người đó sử dụng trái phép chất ma túy thì đưa ra khỏi danh sách người nghiện.

3. Bộ Y tế có trách nhiệm thống kê người nghiện ma túy đang tham gia chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thống kê người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện. 

5. Bộ Công an có trách nhiệm thống kê người nghiện cư trú ngoài xã hội, trong các nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục và tổng hợp số liệu người nghiện trong toàn quốc.

Điều 32. Các biện pháp và hình thức cai nghiện ma túy

1. Các biện pháp cai nghiện ma túy bao gồm:

a) Cai nghiện ma túy tự nguyện;

b) Cai nghiện ma túy bắt buộc.

2. Các hình thức cai nghiện ma túy bao gồm:

a) Cai nghiện ma túy tại gia đình;

b) Cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng;

c) Cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện.

Điều 33. Biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện

1. Biện pháp cai nghiện tự nguyện được áp dụng với người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc cơ sở cai nghiện.

2. Người nghiện ma túy và gia đình đăng ký hình thức cai nghiện tự nguyện phù hợp và đóng góp kinh phí. Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho các trường hợp cai nghiện tự nguyện.

3. Thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện từ sáu tháng đến mười hai tháng.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ cai nghiện ma túy tại gia đình.

5. Chính phủ quy định chi tiết về cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện tự nguyện ma túy tại cộng đồng và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện.

Điều 34. Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc

1. Biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc áp dụng với người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên.

2. Trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 35. Cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi

Việc quản lý, cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 36. Trách nhiệm của người nghiện ma túy khi cai nghiện bắt buộc

1. Tuân thủ nội quy, quy chế và chịu sự quản lý, giáo dục, điều trị nghiện của cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Lao động, học tập, học nghề, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần đảm bảo đời sống trong thời gian cai nghiện.

Điều 37. Cai nghiện ma túy cho người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên của cơ sở giáo dục, học sinh trường giáo dưỡng

1. Nhà nước áp dụng phương pháp cai nghiện thích hợp đối với người nghiện ma túy là người bị tạm giam, phạm nhân, trại viên của cơ sở giáo dục, học sinh của trường giáo dưỡng. Cơ quan quản lý các cơ sở này phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương để thực hiện quy định này.

2. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Giám đốc cơ sở giáo dục, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cai nghiện ma túy của người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều này khi họ trở về nơi cư trú.

Điều 38. Cơ sở cai nghiện ma túy

1. Cơ sở cai nghiện được bố trí các khu:

a) Khu dành riêng cho người cai nghiện bắt buộc;

b) Khu dành cho người cai nghiện tự nguyện;

c) Khu lưu trú cho người xác định tình trạng nghiện và chờ lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Trong cơ sở cai nghiện, những người nghiện ma túy sau đây phải được bố trí vào các khu vực tách riêng với những người nghiện ma túy khác để quản lý và chữa bệnh:

a) Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi;

b) Phụ nữ;

c) Người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

d) Người có hành vi gây rối trật tự.

3. Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm thực hiện đúng phương pháp cai nghiện đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt; tổ chức lao động, học tập, chữa bệnh cho người cai nghiện ma túy. 

4. Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy được quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ, giáo dục, chữa bệnh cho người cai nghiện và yêu cầu chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân giúp đỡ khi cần thiết; kiểm tra hành chính người nghiện, đồ vật trong cơ sở cai nghiện khi phát hiện có dấu hiệu cất giấu chất ma túy, các vật dụng cấm trong người, đồ vật.

5. Chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ cơ sở cai nghiện ma túy và hỗ trợ cán bộ, công chức, nhân viên tại các cơ sở này khi có yêu cầu.

6. Cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy được sử dụng công cụ, phương tiện hỗ trợ để ngăn chặn hành vi gây rối của người nghiện ma túy, truy tìm người nghiện bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện.

7. Cơ sở cai nghiện ma túy phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, tài sản của người cai nghiện ma túy.

Điều 39. Chấp hành hình phạt khi đang cai nghiện bắt buộc

Người đang cai nghiện ma tuý bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trường hợp phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì vẫn phải thực hiện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 40. Hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện 

1. Người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện được tạo điều kiện tham gia các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng và các chương trình phòng, chống tái nghiện.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hòa nhập cộng đồng.

3. Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, chương trình phòng, chống tái nghiện.

Điều 41. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp nơi có người nghiện ma túy cư trú

Ủy ban nhân dân các cấp nơi có người nghiện ma túy có trách nhiệm lập kế hoạch tổ chức cai nghiện tự nguyện, hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện trên địa bàn quản lý; chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với cơ quan Công an, Y tế, Giáo dục và đào tạo cùng cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý, giáo dục người nghiện ma túy và người đã cai nghiện ma túy; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

Điều 42. Can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy

1. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

2. Biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triển khai trong nhóm người nghiện ma túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.

3. Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực hiện các biện pháp này.

Điều 43. Huy động nguồn lực xã hội trong tổ chức cai nghiện ma túy

1. Kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma túy, hòa nhập cộng đồng, can thiệp giảm tác hại, phòng, chống tái nghiện ma túy được quy định tại các điều 33, 34, 35, 37, 38, 40 và 42 của Luật này, bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước;

b) Đóng góp của người cai nghiện ma túy, thân nhân và gia đình họ;

c) Kết quả lao động trị liệu của người nghiện tại cơ sở cai nghiện;

d) Các nguồn tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Người nghiện ma túy, gia đình của người nghiện ma túy, có trách nhiệm đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của Chính phủ; trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì được xét giảm hoặc miễn đóng góp kinh phí cai nghiện.

3. Cơ sở cai nghiện ma túy được tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài để cai nghiện cho người nghiện ma túy và phải quản lý, sử dụng các khoản đóng góp, tài trợ đó theo quy định của pháp luật.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ PHÒNG, CHỐNG MA TÚY

Điều 44. Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch về phòng, chống ma túy.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

3. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về phòng, chống ma túy.

4. Ban hành, sửa đổi, bổ sung, công bố danh mục chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

5. Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

6. Quyết định thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở khác về cai nghiện ma túy; tổ chức và quản lý việc cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng cho người đã cai nghiện ma túy.

7. Tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

8. Thực hiện thống kê nhà nước về phòng, chống ma túy.

9. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về phòng, chống ma túy.

10. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy.

11. Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

12. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Điều 45. Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

2. Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện và phối hợp với các cơ quan hữu quan trong phòng, chống ma túy.

4. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy tại địa phương; chỉ đạo việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức phòng, chống ma túy tại địa phương; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy, việc cai nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng cho người đã cai nghiện ma túy.

Điều 46. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch phòng, chống tội phạm về ma túy; tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy của các bộ, ngành trình Chính phủ.

2. Chủ trì phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

3. Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý chất ma túy và tiền chất phục vụ đấu tranh chống tội phạm về ma túy.

4. Tổ chức lực lượng điều tra các tội phạm về ma túy, hướng dẫn các cơ quan khác tiến hành điều tra ban đầu các tội phạm này theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức công tác giám định chất ma túy và tiền chất.

6. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác điều tra, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, giám định chất ma túy và tiền chất; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

7. Thực hiện thống kê nhà nước về phòng, chống ma túy; quản lý thông tin về các tội phạm về ma túy; giám sát, quản lý, theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy.

8. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc lập hồ sơ và tổ chức đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, giữ gìn an ninh, trật tự tại các cơ sở cai nghiện, kiểm tra hoạt động cai nghiện ma túy tại cộng đồng và trong các cơ sở cai nghiện.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm về ma túy.

10. Bộ trưởng Bộ Công an cấp, thu hồi giấy phép quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất; thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất; cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu chất ma túy sử dụng trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm.

Điều 47. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền, trên biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

2. Phối hợp với cơ quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy tại địa bàn theo quy định của Khoản 1 Điều này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển.

Điều 48. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Chỉ đạo cơ quan Hải quan thực hiện hoạt động phòng, chống ma túy theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng dự toán kinh phí phòng, chống ma túy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 49. Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch tổ chức cai nghiện ma túy; chỉ đạo tổ chức cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội do nghiện ma túy gây ra.

2. Tổ chức bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội do nghiện ma túy gây ra.

3. Chủ trì phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương xây dựng, hướng dẫn hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy; dạy nghề, tạo việc làm, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để giúp đỡ người đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện.

4. Thống kê, đánh giá tình hình cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện.

5. Hướng dẫn, chỉ đạo việc thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện bắt buộc, cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở khác về cai nghiện ma túy.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế về cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện.

Điều 50. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Ban hành danh mục, quy chế quản lý thuốc gây nghiện, tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế và tổ chức thực hiện quy chế đó; ban hành và chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện quy chế quản lý chất ma túy sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học.

2. Quy định việc nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; cấp, thu hồi giấy phép lưu hành thuốc, phương pháp cai nghiện ma túy; hướng dẫn, thủ tục xác định người nghiện ma túy; hỗ trợ về người, chuyên môn kỹ thuật y tế để cai nghiện ma túy.

3. Thực hiện hợp tác quốc tế về kiểm soát thuốc gây nghiện, tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học.

4. Chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện ma túy và cai nghiện cho người nghiện ma túy ở xã, phường, thị trấn.

5. Bộ trưởng Bộ Y tế cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu thuốc cai nghiện ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, chất ma túy, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Điều 51. Trách nhiệm của Bộ Công Thương

Phương án 1: 

1. Theo dõi, hướng dẫn, đề xuất Chính phủ ban hành danh mục, quy chế quản lý tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp và tổ chức thực hiện quy chế đó;

2. Thực hiện hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.

3. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật này.

Phương án 2: Bỏ khoản 1

1. Thực hiện hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp.

2. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật này.

Điều 52. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ban hành và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phòng, chống ma túy; xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án giáo dục phòng, chống ma túy trong nhà trường, các cơ sở giáo dục khác.

Điều 53. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Điều 54. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; chỉ đạo, trực tiếp tổ chức quản lý, kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, dịch vụ, thể thao và du lịch không để sơ hở làm phát sinh tệ nạn ma túy.

Điều 55. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.

2. Thực hiện chương trình trợ giúp chuyển hướng sản xuất có hiệu quả, ổn định đời sống của nhân dân. 

3. Ban hành danh mục, quy chế quản lý thuốc thú y chứa chất ma túy, tiền chất và tổ chức thực hiện quy chế đó.

4. Thực hiện hợp tác quốc tế về kiểm soát tiền chất phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.

5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, thu hồi giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

(Còn nữa - Xem tiếp Báo An ninh Thủ đô Cuối tuần ra ngày 17-5-2020)