Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Người học lái xe được lựa chọn hình thức tự học kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ nhưng phải đăng ký tại cơ sở đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra. Kết thúc khoá học, người học lái xe ô tô được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận...

Việc tổ chức đào tạo lái xe phải đúng chương trình, nội dung, thời gian quy định

Điều 59. Đào tạo lái xe

1. Nguyên tắc trong đào tạo lái xe:

a) Bảo đảm việc tổ chức đào tạo lái xe phải đúng chương trình, nội dung, thời gian quy định; 

b) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đào tạo lái xe phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, đào tạo lái xe;

c) Ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong công tác đào tạo lái xe;

d) Quản lý đào tạo lái xe được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp.   

2. Người học lái xe được đào tạo các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ, các kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe và các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông.

Người học lái xe được lựa chọn hình thức tự học kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ nhưng phải đăng ký tại cơ sở đào tạo để được ôn luyện, kiểm tra. Kết thúc khoá học, người học lái xe ô tô được cơ sở đào tạo kiểm tra, cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình đào tạo lái xe.

3. Việc đào tạo để nâng hạng giấy phép lái xe thực hiện cho những trường hợp sau đây:

a) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B1 lên hạng B2;

b) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng B2 lên hạng C hoặc lên hạng D;

c) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng C lên hạng D hoặc lên hạng E;

d) Nâng hạng giấy phép lái xe từ hạng D lên hạng E;

đ) Nâng hạng giấy phép lái xe từ các hạng B2, C, D, E lên các hạng giấy phép lái các xe tương ứng có kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc.

 4. Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe theo quy định tại khoản 3 Điều này còn phải có đủ thời gian và số ki-lô-mét lái xe an toàn quy định cho từng hạng giấy phép lái xe; người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng D, E tối thiểu phải có trình độ văn hóa trung học cơ sở.

5. Việc đào tạo lái xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên và lái xe kéo rơ moóc chỉ được thực hiện bằng hình thức đào tạo nâng hạng với các điều kiện quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

6. Cơ sở đào tạo lái xe là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo nghề lái xe, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đào tạo lái xe theo quy định của pháp luật.

a) Cơ sở đào tạo lái xe phải có đủ các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống phòng học chuyên môn, xe tập lái, sân tập lái xe, chương trình, giáo trình và giáo án theo quy định;

b) Cơ sở đào tạo lái xe phải thực hiện đúng nội dung và chương trình quy định cho từng loại, hạng giấy phép lái xe;

c) Cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy, quản lý, giám sát.

7. Chính phủ quy định cụ thể việc tổ chức và đào tạo lái xe.

Điều 60. Sát hạch lái xe

1. Người được xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe phải đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch.

2. Nội dung sát hạch gồm: Kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; kiến thức và kỹ năng phòng ngừa tai nạn giao thông, sơ cứu ban đầu tai nạn giao thông, văn hóa ứng xử khi lái xe, các vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông; kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông trên sa hình và điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng.

3. Người sát hạch lái xe phải có thẻ sát hạch viên theo quy định và phải chịu trách nhiệm về kết quả sát hạch của mình.

4. Việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe ô tô phải được thực hiện tại các Trung tâm sát hạch lái xe. Trung tâm sát hạch lái xe phải có đủ điều kiện về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, cơ chế vận hành và đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe. Việc sát hạch lái xe mô tô thực hiện tại các Trung tâm sát hạch lái xe hoặc các sân tập lái đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

5. Chính phủ quy định cụ thể về Trung tâm sát hạch lái xe.

Điều 61. Cấp, cấp lại, đổi và thu hồi giấy phép lái xe

1. Người tham dự kỳ thi sát hạch nếu đạt yêu cầu sát hạch được cấp giấy phép lái xe đúng hạng đã được sát hạch.

2. Giấy phép lái xe được đổi trong các trường hợp sau:

a) Giấy phép lái xe bị hỏng;

b) Giấy phép lái xe có sai lệch về thông tin ghi trên giấy phép lái xe;

c) Khi có thay đổi về thông tin cá nhân trên giấy phép lái xe (nếu có nhu cầu);

d) Giấy phép lái xe của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, còn giá trị sử dụng, có nhu cầu đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam;

đ) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp mà người lái xe không còn phục vụ trong lực lượng có nhu cầu đổi giấy phép lái xe.

3. Giấy phép lái xe được cấp lại trong những trường hợp sau:

a) Giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng; 

b) Giấy phép lái xe bị mất.

4. Giấy phép lái xe bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Người được cấp giấy phép lái xe không đủ điều kiện sức khỏe theo quy định đối với hạng xe được phép điều khiển;

b) Có hành vi gian dối trong quá trình đổi, cấp lại, cấp mới giấy phép lái xe;

c) Sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Điều 62. Điểm giấy phép lái xe 

1. Giấy phép lái xe có tổng điểm là 12 điểm. Giấy phép lái xe bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

2. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, giấy phép lái xe sẽ không còn hiệu lực. Người lái xe muốn được cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp giấy phép lái xe lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe không còn hiệu lực. Mọi hành vi gian lận ảnh hưởng đến kết quả trừ điểm trên giấy phép lái xe sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

3. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

4. Chính phủ quy định về trừ điểm giấy phép lái xe.

Điều 63. Điều kiện của người điều khiển xe thô sơ tham gia giao thông

1. Có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn.

2. Hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Chương IV

TỔ CHỨC, CHỈ HUY, ĐIỀU KHIỂN GIAO THÔNG VÀ GIẢI QUYẾT ÙN TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 64. Tổ chức giao thông 

1. Tổ chức giao thông gồm các nội dung sau đây:

a) Phân làn, luồng, tuyến và quy định thời gian đi lại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đỗ, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ;

c) Thông báo khi có sự thay đổi về việc phân luồng, phân tuyến, thời gian đi lại tạm thời hoặc lâu dài; thực hiện các biện pháp ứng cứu khi có sự cố xảy ra và các biện pháp khác về đi lại trên đường bộ để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

2. Nguyên tắc tổ chức giao thông

a) Việc tổ chức giao thông trong đô thị phải theo thứ tự ưu tiên: người đi bộ, người khuyết tật, xe thô sơ, phương tiện giao thông công cộng, phương tiện giao thông cá nhân. Phải công bố giờ cao điểm về hoạt động giao thông cho người tham gia giao thông. Không được bố trí lòng đường để làm nơi trông giữ phương tiện giao thông trong giờ cao điểm.  

b) Việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ phải được thẩm tra về an toàn giao thông từ khi lập dự án, thiết kế, thi công, trước và trong quá trình khai thác. Chủ đầu tư, cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm tiếp thu kết quả thẩm tra về an toàn giao thông để phê duyệt bổ sung vào dự án, điều chỉnh thiết kế, thi công hoặc điều chỉnh, khắc phục trong quá trình khai thác.

c) Quy hoạch mạng lưới đường bộ phải đáp ứng được yêu cầu về an toàn giao thông và an ninh, trật tự.

3. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thẩm tra về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đối với việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ.

Điều 65. Giải quyết những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông

1. Những bất cập về tổ chức giao thông:

a) Hạ tầng giao thông bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn giao thông;

b) Hệ thống báo hiệu đường bộ bất hợp lý do tổ chức, cá nhân phản ánh;

c) Tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài;

d) Vị trí thường xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm chết người.

2. Trách nhiệm giải quyết:

a) Lực lượng Cảnh sát giao thông có trách nhiệm tổ chức triển khai ngay các biện pháp phân làn, luồng, tuyến để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông; ghi nhận và kiến nghị đến cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền;

b) Cơ quan quản lý đường bộ khi tiếp nhận kiến nghị của tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và khắc phục kịp thời, nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 66. Chỉ huy, điều khiển giao thông  

1. Chỉ huy, điều khiển giao thông được thực hiện thông qua:

a) Hệ thống đèn tín hiệu giao thông;

b) Người điều khiển giao thông.

2. Đèn tín hiệu giao thông, hệ thống đèn tín hiệu giao thông có chu kỳ đèn điều khiển phù hợp với tình hình giao thông thực tế, bảo đảm chống xung đột, ùn tắc giao thông; được kết nối và điều khiển qua trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông.

3. Lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Hướng dẫn người tham gia giao thông chấp hành quy tắc giao thông.

b) Tạm thời phân luồng, tuyến, đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi có tình huống gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, công trình đường bộ bị hư hỏng, thực hiện yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các sự kiện, lễ hội, hội nghị hoặc xảy ra các tình huống khẩn cấp khác.

c) Hướng dẫn các lực lượng khác (nếu có) thực hiện nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông.

Điều 67. Phân luồng giao thông

1. Nguyên tắc phân luồng giao thông

a) Bảo đảm cho người và phương tiện tham gia giao thông đi lại được an toàn, thông suốt và tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; 

b) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

c) Bảo đảm thống nhất trong quản lý, điều hành và chỉ huy chỉ đạo trên cơ sở phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, quyền hạn cụ thể; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị và các lực lượng;

d) Bảo đảm các điều kiện về lực lượng, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho việc hướng dẫn, tổ chức và cưỡng chế phân luồng giao thông.

2. Biện pháp phân luồng giao thông

a) Việc phân luồng giao thông được thể hiện bằng các quyết định hoặc bằng hệ thống báo hiệu đường bộ hoặc người điều khiển giao thông, trong đó quy định chi tiết tuyến đường, thời gian, phạm vi hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông đường bộ;

b) Bố trí lực lượng điều tiết, phân luồng giao thông cho người và phương tiện đi lại trật tự, an toàn; cưỡng chế các phương tiện đi theo các tuyến đường phù hợp hoặc các tuyến đã được quy định của cấp có thẩm quyền;

c) Việc phân luồng giao thông được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Điều 68. Giải quyết ùn tắc giao thông

1. Nguyên tắc giải quyết ùn tắc giao thông

a) Khi xảy ra ùn tắc giao thông lực lượng Cảnh sát giao thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trên tuyến triển khai các biện pháp chỉ huy, điều khiển, phân luồng giao thông kịp thời giải quyết nhanh nhất vụ ùn tắc bảo đảm cho người và phương tiện đi lại được thuận lợi, an toàn.

b) Khi có yêu cầu phân luồng, giải quyết ùn tắc giao thông từ xa, đơn vị được yêu cầu kịp thời báo cáo các cấp có thẩm quyền để thống trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, thông báo tình hình trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tuyến phân luồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin rộng rãi đến người tham gia giao thông biết, lựa chọn lộ trình di chuyển cho phù hợp tránh đi vào khu vực ùn tắc, tuân thủ yêu cầu phân luồng, điều tiết của lực lượng chức năng.

c) Các đơn vị có liên quan khi nhận được yêu cầu hỗ trợ phân luồng phải tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, lập các chốt phân luồng, điều hòa giao thông theo phương án đã được duyệt. Việc phân luồng phải căn cứ vào tình hình thực tế các tuyến đường để phân luồng, hạn chế phương tiện vào các tuyến đường cho phù hợp đảm bảo bề rộng mặt đường và tải trọng giới hạn cầu, đường.

d) Kết thúc yêu cầu phân luồng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra ùn tắc giao thông báo cho đơn vị có liên quan và các phương tiện thông tin đại chúng biết việc chấm dứt phân luồng từ xa, đưa hoạt động giao thông trở lại bình thường.

2. Biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông:

a) Xác định rõ nguyên nhân xảy ra ùn tắc để có biện pháp giải quyết phù hợp; Việc giải quyết ùn tắc giao thông phải được thực hiện theo trình tự từ ngoài vào trong khu vực ùn tắc giao thông.

b) Tại nơi ngoài khu vực ùn tắc bố trí lực lượng phân luồng hoặc tạm dừng các phương tiện từ xa; tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; không cản trở các phương tiện từ khu vực ùn tắc đi ra; bố trí cán bộ và xe cẩu kéo ứng trực để giải quyết ùn tắc giao thông.

c) Tại khu vực xảy ra ùn tắc giao thông:

Hướng dẫn, điều hành việc phân luồng phương tiện đi theo đúng phần đường, làn đường quy định. Không cho các xe quay đầu ngay tại nơi đang xảy ra ùn tắc; xử lý nghiêm hành vi không chấp hành, cản trở việc giải tỏa ùn tắc giao thông.

Khẩn trương giải tỏa xung đột, các chướng ngại vật, phương tiện bị tại nạn giao thông, hư hỏng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

3. Nếu ùn tắc giao thông do tai nạn giao thông thì phải phân công cán bộ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ tại hiện trường, sớm giải tỏa phương tiện ra khỏi khu vực ùn tắc giao thông.

4. Người tham gia giao thông khi gặp ùn tắc phải điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; chấp hành và tuân thủ việc hướng dẫn, phân luồng giao thông của lực lượng chức năng; nếu được thay đổ lộ trình di chuyển không đi vào khu vực xảy ra ùn tắc.

5. Căn cứ vào tình hình thực tế về hội nghị, lễ hội, thực trạng hạ tầng giao thông và mức độ phức tạp về trật tự, an toàn giao thông để hạn chế một số loại phương tiện lưu thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông

Chương V

GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 69. Nguyên tắc giải quyết tai nạn giao thông

1. Tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra phải được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, khách quan, chính xác, đúng quy định.

2. Bộ Công an có trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông (trừ vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm do người, phương tiện Quân đội quản lý gây ra); các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tai nạn giao thông.

3. Căn cứ vào tính chất, mức độ, lỗi, hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông để giải quyết bồi thường trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng.

Điều 70. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông

1. Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm sau đây:

a) Dừng ngay phương tiện mà không gây thêm nguy hiểm cho hoạt động giao thông; các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông phải ứng xử ôn hòa, thực hiện hết trách nhiệm của mình và sẵn sàng giúp đỡ nhau nhằm hạn chế thiệt hại do vụ tai nạn giao thông gây ra, không được có hành vi gây rối trật tự ở hiện trường vụ tai nạn giao thông;

b) Đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực xảy ra tai nạn giao thông, giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và thông báo vụ tai nạn giao thông cho cơ quan Công an nơi gần nhất, đồng thời phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;

c) Ở lại nơi xảy ra tai nạn giao thông cho đến khi người của cơ quan Công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng nhưng phải điện thoại ngay cho cơ quan Công an hoặc trực tiếp đến trình báo cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi gần nhất hoặc quay trở lại hiện trường khi có Công an đến hiện trường, trừ trường hợp Công an cho phép rời đi;

d) Cung cấp thông tin xác định danh tính về bản thân, người liên quan đến vụ tai nạn giao thông và thông tin xác thực của vụ tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm sau đây:

a) Bảo vệ hiện trường;

b) Giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn;

c) Báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất;

d) Bảo vệ tài sản của người bị nạn;

đ) Cung cấp thông tin, hình ảnh xác thực về vụ tai nạn giao thông theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Trường hợp phải sử dụng phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa nạn nhân đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí phương tiện, vị trí nạn nhân trên hiện trường, tránh làm thay đổi, biến mất những dấu vết hữu ích đối với việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông.

4. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Các xe được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự không bắt buộc thực hiện quy định tại khoản này.

Điều 71. Trách nhiệm của ngành Y tế

1. Tiếp nhận và tổ chức cấp cứu người có liên quan đến vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật; mọi trường hợp cấp cứu ban đầu về tai nạn giao thông đều phải được kiểm tra ma túy và nồng độ cồn.

2. Cung cấp thông tin về họ tên, tình trạng thương tật của người bị nạn cho cơ quan Công an khi họ khai báo bị nạn do tai nạn giao thông để xác minh thời gian, địa điểm nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông.

3. Cung cấp hồ sơ, bệnh án và các giấy tờ có liên quan quá trình điều trị cho Cơ quan tiến hành điều tra, giải quyết tai nạn giao thông khi có yêu cầu.

4. Phối hợp với Công an các cấp trong thống kê, phân tích số người chết, số người bị thương khi họ đến cơ quan y tế khám, chữa bệnh và có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.

Điều 72. Trách nhiệm của ngành Công an

1. Tiếp nhận, xử lý tin báo về vụ tai nạn giao thông; cử người tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và Ủy ban nhân dân địa phương tổ chức cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ hiện trường, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy của người điều khiển phương tiện có mặt tại hiện trường.

2. Tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. Kết luận nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông phải có đủ các yếu tố liên quan trực tiếp (người điều khiển phương tiện; an toàn kỹ thuật phương tiện; cơ sở hạ tầng giao thông, các yếu tố bất ngờ). Tổ chức cho các bên hòa giải đền bù thiệt hại về tài sản do tai nạn giao thông gây ra hoặc hướng dẫn ra tòa án dân sự trong trường hợp các bên không tự hòa giải được.

3. Tổ chức xác minh, truy tìm phương tiện, người điều khiển chạy trốn khỏi hiện trường hoặc được tạm thời di dời khỏi hiện trường.

4. Tổ chức kiểm tra lại Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với tất cả các trường hợp gây tai nạn giao thông sau thời gian bị tước giấy phép lái xe hoặc hết thời gian bị cấm hành nghề điều khiển phương tiện.

5. Thống kê, tổng hợp về tai nạn giao thông; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông (thống kê người chết do tai nạn giao thông là 30 ngày).

6. Cung cấp thông tin xác thực về tai nạn giao thông cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu; cung cấp tình hình, số liệu tai nạn giao thông theo định kỳ cho các cơ quan chức năng.

Điều 73. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị bảo trì, khai thác đường bộ

1. Phối hợp với cơ quan Công an để tổ chức cứu nạn, cứu hộ, điều tiết, hướng dẫn giao thông tránh gây ùn tắc giao thông.

2. Cung cấp hồ sơ, tài liệu về thiết kế hệ thống đường bộ quản lý, bảo trì ở khu vực nơi xảy ra tai nạn giao thông những nội dung sau:

a) Hồ sơ, tài liệu theo dõi tình trạng công trình đường bộ; tổ chức giao thông; kiểm tra, thanh tra việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

b) Hồ sơ, tài liệu bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất công trình đường bộ.

3. Phối hợp với cơ quan công an để tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định chỉ tiêu kỹ thuật cầu, đường, hầm đường bộ, liên quan đến vụ tai nạn giao thông và có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.

Điều 74. Trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm

1. Phối hợp với cơ quan, đơn vị trong Công an nhân dân để giải quyết ban đầu khi có vụ tai nạn giao thông xảy ra như: Cứu nạn, cứu hộ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; ghi nhận thiệt hại ban đầu của phương tiện và ngăn ngừa, phòng chống, gian lận trục lợi bảo hiểm; cung cấp thông tin về chủ phương tiện và phương tiện tham gia bảo hiểm khi có yêu cầu.

2. Định kỳ 6 tháng, năm cung cấp các vụ tai nạn giao thông đã chi trả, giải quyết bồi thường bảo hiểm.

3. Có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông.

Điều 75. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp khi giải quyết tai nạn giao thông

Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông có trách nhiệm kịp thời thông báo cho cơ quan Công an, Y tế đến để xử lý, giải quyết vụ tai nạn giao thông; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất các công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất. Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên khi vụ tai nạn giao thông vượt quá khả năng giải quyết.