Du lịch không phải là trào lưu "sống ảo"

ANTD.VN - Những ngày gần đây, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, thậm chí là nhiều trang báo điện tử liên tục xuất hiện những thông tin về “thiên đường sống ảo”, “điểm đến chụp ảnh ảo diệu hot nhất”... Điểm lạ những thông tin trên được lan truyền khủng khiếp, nhiều bạn trẻ đua nhau đi du lịch - chụp ảnh nhằm khoe mẽ, đánh dấu số lượng điểm đến như một minh chứng cho sự hợp thời. Thế nhưng, phía sau nó là vô số chuyện khiến “cư dân mạng” thất vọng.

Du lịch không phải là trào lưu "sống ảo" ảnh 1Nhóm phượt thủ “sống ảo” dùng son sửa cột mốc để đánh dấu điểm đến

Bi hài chuyện du lịch “sống ảo”

Du lịch vốn mang ý nghĩa thư giãn, trải nghiệm và tạo nên kỷ niệm đẹp. Thế nhưng ở thời đại mạng xã hội “lên ngôi”, du lịch vô tình hình thành một góc diện mới phần nhiều hời hợt. Nhiều bạn trẻ hào hứng đặt quyết tâm phải đi đây đó cho bằng bạn bè, chụp sao cho đủ những bộ sưu tập ảnh dày dặn, bao gồm cả ảnh ăn, ngủ, hiện diện trong nhà… vệ sinh lẫn những dòng trạng thái phấn khích tạo ra cho người xem, người đọc cảm giác thích thú, tò mò phải đến cho bằng được. Nhưng khi thực địa lại không như tưởng tượng, kèm theo đó là sự thất vọng.

Đáng kể nhất, mới đây, một bức ảnh một nhóm bạn trẻ chụp ảnh “check-in” (đánh dấu điểm đến) ở cột mốc 428 được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn phượt. Ban đầu, tấm ảnh được ủng hộ bởi tinh thần lên đường khám phá, phiêu lưu. Tuy nhiên, nhiều người sau đó đã phát hiện cột mốc 428 trong bức ảnh đã bị chỉnh sửa. Hành động bốc đồng “dùng son chỉnh sửa” cột mốc để đánh dấu điểm đến… cho tiện của nhóm bạn trẻ vô hình trung đã vi phạm quy chế biên giới.

Sống là để có những trải nghiệm thật sự

Không chỉ là những tấm ảnh, một hình thức khác là “review” (chia sẻ kinh nghiệm, bình luận điểm đến) “câu like” cũng đang ào ào nở rộ. Nói đi cũng phải nói lại, điểm tích cực thì hình thức này cần thiết với những người đang có mong muốn đi du lịch để biết thêm được chỗ ăn, chơi, ngủ, nghỉ, mua sắm... Bên cạnh đó, vô vàn những luồng dư luận trái chiều nổi lên. Người bốc đồng cổ súy đi du lịch đơn giản tiết kiệm thế tội gì không đi. Lại không thiếu những người tinh ý đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu rằng bài viết kia đã toàn diện, khách quan và sát với thực tế hay chỉ là kiểu du lịch “cưỡi ngựa xem hoa”? Mặc dù qua trào lưu 

“review”, giới trẻ có thể truyền cảm hứng đi cho nhau, nhưng song song với nó cũng tồn tại một số trường hợp vừa đáng buồn, vừa hụt hẫng. Nổi như cồn và vẫn chưa hạ nhiệt là trường hợp một hotgirl vô tư khoe tự túc đi châu Âu chỉ hết 40 triệu đồng mà vẫn sang chảnh tiện nghi rồi bị cư dân mạng bóc mẽ ra các chi phí không kể đến là do được bạn trai giàu có chu cấp.

Có lẽ, nhiều người đã quên rằng, theo dấu bước chân những hành trình là dòng chảy của cảm xúc. Điều thú vị, những người đi du lịch trải nghiệm thực sự rất ít khoe khoang, và nếu có chia sẻ thì nội dung đó phải thực sự giá trị và xứng đáng. Du lịch trải nghiệm phải phát huy được tối đa các giác quan: mắt nhìn ngắm cảnh quan thiên nhiên; tai lắng nghe giai điệu của núi rừng, sóng biển, cây cối; miệng nói chuyện, học hỏi, giao tiếp với người địa phương, nếm thử những món ăn ngon; mũi ngửi mùi thơm của cánh đồng lúa chín, bông hoa trong đêm nở; tay chân thử sức làm công việc của người nông dân; chưa kể những cảm xúc, suy nghĩ liên tưởng được gợi mở mà có khi đi du lịch về nhiều tháng sau mới chiêm nghiệm ra được những vẻ đẹp ấn tượng, nỗi nhớ, vui buồn. 

Nếu chỉ loáng thoáng tới các địa danh, cột mốc “check-in” để nổi bật thì quả là một sự lãng phí. Quan trọng nhất, trước khi đi du lịch, mỗi người đều nên tìm hiểu kỹ và sâu sát về điểm đến, không nên đưa ra những quyết định chóng vánh mang tính trao lưu. Những người đi du lịch văn minh và có hiểu biết sẽ chủ động khai phá ra những điểm mới lạ bất ngờ của điểm đến, tôn trọng và hòa nhập vào sự phong phú của văn hóa các vùng miền mà không hề bị trào lưu dẫn dắt.