Dự kiến đến năm 2020 mới tăng mức đóng Bảo hiểm y tế

ANTD.VN - Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) - Bộ Y tế cho biết, quỹ BHYT hiện nay vẫn có khả năng cân đối được đến hết năm 2019 mà chưa cần phải điều chỉnh nâng mức đóng BHYT.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin, hiện có tới 56/63 tỉnh, thành phố bội chi quỹ BHYT và dự kiến cả năm 2017 bội chi gần 10.000 tỷ đồng, khả năng cân đối quỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cơ quan này đã tính toán đến việc sớm đề xuất nâng mức đóng BHYT của người dân.

Dự kiến đến năm 2020 mới tăng mức đóng Bảo hiểm y tế ảnh 1Trục lợi từ khám chữa bệnh là một trong những nguyên nhân gây bội chi quỹ BHYT

Năm 2017, quỹ bội chi tới 10.000 tỷ đồng

Trước thông tin đang được nhiều người dân quan tâm kể trên, nhất là luồng dư luận lo ngại việc tăng mức phí tham gia BHYT sẽ sớm diễn ra để bù đắp cho quỹ BHYT, đại diện Vụ BHYT - Bộ Y tế cho biết, đúng là tình trạng bội chi quỹ đang diễn ra ở nhiều địa phương song quỹ BHYT trước mắt vẫn có thể tự cân đối được. “Năm 2017, dự kiến quỹ BHYT bội chi 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết năm 2016, Quỹ dự phòng vẫn còn kết dư khoảng 49.000 tỷ đồng. Vì vậy, Quỹ dự phòng sẽ được sử dụng để bù cho số bội chi dự kiến của năm 2017 mà không cần phải sử dụng bất kỳ nguồn nào khác” - ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT phân tích.

Theo ông Phan Văn Toàn, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, cân đối thu chi trong năm. Khi thiết kế chính sách đã có quy định dành tối thiểu 5% số thu BHYT để dự phòng. Trong năm 2016 và cả năm 2017, quỹ BHYT bị bội chi nhưng do có quỹ dự phòng nên quỹ BHYT vẫn bảo đảm đủ chi cho khám chữa bệnh BHYT đến hết năm 2019. 

Điều này cũng có nghĩa trong khoảng 2 năm tới, vấn đề tăng mức phí mua BHYT của người dân chưa cần thiết. “Dự kiến đến năm 2020 mới có khả năng Quỹ BHYT dự phòng không đủ chi cho khám chữa bệnh BHYT. Thời gian tới, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ về việc nâng mức đóng phí tham gia BHYT nhưng dự kiến từ năm 2020 mới thực hiện” - Phó Vụ trưởng Vụ BHYT nói thêm.

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng

Một trong những nguyên nhân khiến bội chi quỹ BHYT ngày càng tăng là do việc quản lý quỹ không tốt, đặc biệt là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ nhiều phía đang diễn ra khá phổ biến. Về vấn đề này, ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT cho rằng, cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Hiện nay, gia tăng chi khám chữa bệnh BHYT chủ yếu là do việc điều chỉnh các chính sách như tăng viện phí, hay tăng chi trả cho các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, trong khi mức đóng BHYT từ năm 2008 đến nay vẫn chưa điều chỉnh, rồi tăng chi phí cơ học do số người tham gia BHYT tăng lên. 

Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân do lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT như: người bệnh đi khám nhiều lần tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong cùng một ngày để lấy thuốc, nhân viên y tế sử dụng thẻ BHYT của người bệnh khác để lập hồ sơ khống, bác sĩ chỉ định dịch vụ kỹ thuật vượt mức cần thiết… Dù vậy, đại diện Vụ BHYT cho rằng, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xảy ra tại một số cơ sở.

Để khắc phục, Bộ Y tế đã phối hợp với BHXH tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý các trường hợp lạm dụng quỹ; ban hành quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật hướng dẫn điều trị, làm căn cứ để thầy thuốc chỉ định đúng, cơ quan giám định bảo hiểm có căn cứ để giám định, ngăn chặn tình trạng lạm dụng BHYT. 

Ngành y tế kiên quyết ngăn chặn hành vi lạm dụng dịch vụ kỹ thuật trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, để xác định được có phải lạm dụng hay không thì cần xem xét kỹ đó là hành vi cố tình chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết hay là sai sót trong quá trình thống kê, tổng hợp dữ liệu. “Nếu là sai sót do thống kê, nhập dữ liệu thì không thể tính là lạm dụng dịch vụ được. Còn nếu là hành vi cố tình thì phải nêu rõ để cảnh báo, xử lý” - ông Lê Văn Khảm nói.

Hiện tại, các bệnh viện, ngành BHXH đã áp dụng phần mềm, hệ thống giám định điện tử để chống lạm dụng quỹ BHYT song tình trạng một người đi khám nhiều lần ở nhiều nơi để trục lợi BHYT vẫn chưa được ngăn chặn. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Khoát, Ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam cho biết, do số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện luôn rất đông và hạ tầng thiết bị chưa đáp ứng kịp nên đôi khi dẫn tới quá tải, hệ thống giám định điện tử không tra cứu kịp lịch sử khám bệnh của mỗi người bệnh. 

Nhằm ngăn chặn được tình trạng người bệnh lạm dụng việc đi khám bệnh BHYT nhiều lần, BHXH Việt Nam đã có công văn đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tra cứu thông tin về BHYT và lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, đồng thời cũng sẽ nâng cấp hạ tầng thiết bị để đảm bảo cho việc tra cứu được thông suốt.