Dụ dỗ trẻ em dùng ma túy, ép trộm tiền phạm tội gì?

ANTĐ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học D.H, quận Lê Chân, TP Hải Phòng cho biết đã có 3 học sinh (gồm 2 học sinh lớp 5 và 1 học sinh lớp 4) có biểu hiện bị kẻ xấu dụ dỗ, cho sử dụng ma túy. 

Dụ dỗ trẻ em dùng ma túy, ép trộm tiền phạm tội gì? ảnh 1

Theo thông tin từ phía nhà trường, cả 3 học sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình quản lý không chặt chẽ nên đã bị đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo. Từ nguồn tin khác, gia đình các em phát hiện con trai mình lấy trộm của bố mẹ số tiền lên đến hàng triệu đồng. Qua gặng hỏi, các em khai với bố mẹ bị người đàn ông lạ mặt cho hít miễn phí một loại chất nghi là ma túy. Khi đã “quen hơi”, đối tượng xấu bắt các em về nhà lấy trộm tiền của bố mẹ trả cho chúng… Các học sinh cho biết đã bị “đầu độc” từ khoảng tháng 9, tháng 10-2015; nơi sử dụng ma túy là khu vực hoang vắng ở gần trường học. Công an phường Hồ Nam (quận Lê Chân) đã bắt giữ được 2 nghi phạm... 

Vấn đề cần trao đổi là hành vi lôi kéo, dụ dỗ các học sinh sử dụng ma túy (nếu được chứng minh) rồi rồi ép các cháu về nhà trộm tiền bố mẹ của các đối tượng đã phạm tội gì và sẽ bị xử lý ra sao?

 Ý kiến bạn đọc: 

Cưỡng bức người khác sử dụng trái phép ma túy

Căn cứ theo nội dung vụ việc này có thể thấy, mục đích của các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy là để khống chế sau đó xúi giục các em kiếm tiền mua ma túy phục vụ cho chúng. Các em đã bị những đối tượng này dụ dỗ, lôi kéo trong một thời gian dài, như vậy đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm về “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” theo điều 200 - Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Cụ thể, theo điểm c, khoản 3 người nào phạm tội đối với trẻ em dưới 13 tuổi thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Ngoài ra hành vi lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 (có hiệu lực từ 28-12-2013), cụ thể là hành vi môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. 

Võ Văn Hà (Gia Lâm - Hà Nội)

Vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Theo tôi việc các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo các em học sinh lớp 5 và học sinh lớp 4 sử dụng ma túy là hành vi hết sức nguy hiểm. Ở độ tuổi này các em chưa có đầy đủ sự phát triển để có thể nhận thức về hành vi của mình. Do đó khi bị dụ dỗ, lôi kéo để sử dụng ma túy, các em chưa thể hiểu hết được những tác hại lâu dài của việc sử dụng ma túy. Trên cơ sở luật pháp Việt Nam, tôi cho rằng các đối tượng đã vi phạm Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cụ thể theo khoản 3, Điều 7 của Luật này, nghiêm cấm các hành vi dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; bán, cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích khác có hại cho sức khỏe. 

Nguyễn Tuấn Hùng (TP Hải Dương - Hải Dương)

Phải xem xét hành vi trộm cắp tài sản

Theo tôi, trong vụ việc này ngoài việc dụ dỗ, lôi kéo các em học sinh lớp 4 và lớp 5 sử dụng ma túy, các đối tượng còn có hành vi xúi giục các em trộm cắp tài sản của gia đình. Tuy không trực tiếp tham gia vào việc trộm cắp tài sản nhưng chắc chắn các đối tượng này đã có những lời nói kích động, dụ dỗ các em trộm cắp tiền của gia đình để phục vụ cho việc sử dụng ma túy. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần phải xem xét hành vi của các đối tượng này liên quan đến việc trộm cắp tài sản.

Đỗ Hoàng Nam (Cửa Lò - Nghệ An)

Có thể bị truy tố về tội lây truyền HIV

Do việc các đối tượng này đã dụ dỗ, lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy trong một thời gian dài (từ tháng 9, tháng 10 năm 2015) nên chúng ta cũng không loại trừ khả năng trong quá trình sử dụng ma túy các đối tượng đã lây truyền những căn bênh nguy hiểm như HIV cho các em. Theo tôi, ngoài việc điều trị về tâm lý, giúp cai nghiện (nếu có) cho các em, cơ quan chức năng cũng cần phải tiến hành các xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe cho các em.

Nếu trong trường hợp phát hiện ra một trong số các em này có thể bị nhiễm HIV thì các đối tượng này ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm về tội “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 200 BLHS) thì còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lây truyền HIV cho người khác” (Điều 117 BLHS) hoặc “Tội cố ý truyền HIV cho người khác” (Điều 118 BLHS).

Vũ Viết Nguyên (Đống Đa - Hà Nội)

 Bình luận của luật sư:

Lôi kéo người khác sử dụng trái phép các chất ma túy là hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn sử dụng ma túy của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi phạm tội của các đối tượng xâm phạm quyền tự do và sức khỏe của con người, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và lan truyền tệ nạn nghiện hút ma túy và là căn nguyên phát sinh của nhiều loại tội phạm.

Các đối tượng trong vụ việc này đã lôi kéo dụ dỗ trẻ em là các cháu học sinh tiểu học lớp 5 và lớp 4 là hành vi rất nguy hiểm, không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng việc học tập, giáo dục nhân cách của các cháu. Mục đích các đối tượng lôi kéo các cháu học sinh sử dụng ma túy là khi đã “quen hơi” thì các đối tượng bắt các cháu về nhà lấy trộm tiền của bố mẹ trả cho chúng,…

Hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ việc này đã xâm phạm đến 2 khách thể Bộ luật Hình sự điều chỉnh đó là quyền tự do, sức khỏe của con người (trẻ em) và quyền sở hữu về tài sản của công dân

Nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh 2 đối tượng đã đã có hành vi lôi kéo, dụ dỗ các học sinh sử dụng ma túy (thu giữ được các chất bột dùng để cho các cháu học sinh hít mà khi giám định là chất ma túy) thì các đối tượng này có dấu hiệu phạm tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép các chất ma túy. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Mục đích của các đối tượng lôi kéo, rủ rê các cháu học sinh sử dụng ma túy để buộc các cháu phải về nhà trộm cắp tài sản của gia đình rồi đưa cho chúng. Nếu cơ quan điều tra chứng minh tài sản của gia đình các cháu bị mất thì các đối tượng có dấu hiệu phạm tội trộm cắp tài sản với vai trò người chủ mưu. Hành vi trộm cắp tài sản của các cháu học sinh sẽ không bị xử lý do các cháu chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

  Điều 200. Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy 

1. Người nào cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Vì động cơ đê hèn;
d) Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên;
đ) Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai;
e) Đối với nhiều người;
g) Đối với người đang cai nghiện;
h) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
i) Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
k) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm :
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người;
b) Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người;
c) Đối với trẻ em dưới 13 tuổi.
4. Phạm tội trong trường hợp gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.
 
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản 
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng”. 

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, 
Đoàn Luật sư TP Hà Nội)