Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình

ANTD.VN - Không chỉ đợi đến khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, mà lâu nay, thói quen trở thành tập tục này đã vấp phải sự phản ứng từ dư luận xã hội, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa và tôn giáo. 

Làm sao để mọi người nhận thức được đúng đắn về mặt trái của tập tục đốt vàng mã, tránh lạm dụng việc này như một hình thức “buôn thần bán thánh” tại các điểm tâm linh và trong đời sống thường ngày, đến giờ đó vẫn là một bài toán khó, nhưng không phải không giải được. 

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình ảnh 1Để mọi người nhận thức được đúng đắn về mặt trái của tập tục đốt vàng mã đến giờ vẫn là một bài toán khó

Thần thánh không thể “tốt lễ dễ nói” 

Chia sẻ với phóng viên Báo ANTĐ về nguồn gốc của việc đốt vàng mã, TS. Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục cho biết, tục đốt vàng mã bắt nguồn từ văn hóa của các nước Á Đông (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Thời xa xưa, một số tộc người ở các quốc gia này có tập tục tuẫn táng, hiểu nôm na, khi một người mất thì những người thân trong gia đình của người đó như: vợ, người hầu kẻ hạ, của cải... sẽ được chôn theo.

TS. Nguyễn Văn Vịnh phân tích thêm, hơn 2.000 năm trước, bởi thấy tục tuẫn táng quá rắc rối, người ta mới nghĩ ra làm tượng thay người, đến việc nữa là chia của, làm các ngôi nhà mồ... với quan niệm “có âm có dương” như nhau, người chết được đối xử tương đối bình đẳng với người đang sống. Từ đó mới đi đến câu chuyện về tính biểu trưng, dùng vàng mã, tiền giấy để thay thế cho người thật, của thật.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Vịnh, người Việt lúc trước chỉ đốt vàng mã vừa phải, còn hiện nay trong điều kiện kinh tế thị trường, đôi khi lòng tham con người che lấp hết, nhiều người nghĩ càng cúng, đốt nhiều vàng mã thì càng tốt, càng xin được nhiều. Thế mới có chuyện người ta dùng cả xe tải chở vàng mã, rồi ngựa, voi giấy to đùng đi đền nọ, chùa kia để lễ... 

“Khó có thể đếm hết trong một năm người Việt tiêu hết bao nhiêu tỷ đồng cho việc này” - TS. Nguyễn Văn Vịnh nhận định và cho rằng việc Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam có văn bản đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự ra đời của Công văn này, dư luận vẫn băn khoăn về việc Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chỉ đề cập đến chuyện không đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo, hay quy định của cơ quan quản lý văn hóa cũng chỉ mới đề cập đến việc phạt hành chính đối với việc đốt vàng mã ở các địa điểm công cộng (lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa)...; còn việc đốt vàng mã tại gia hoặc các nơi khác vẫn bỏ ngỏ, trong khi nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đốt vàng mã ngày Rằm, mùng Một, giỗ, lễ…, thậm chí thường xuyên đốt vàng mã để cúng thần linh - thổ địa.

Cũng như tình trạng đốt vàng mã tràn lan, TS. Nguyễn Văn Vịnh cho rằng, việc dâng sao giải hạn thời buổi bây giờ không còn là biểu tượng nữa mà lễ mặn, lễ chay cái gì cũng có, gây tốn kém lớn. TS. Nguyễn Văn Vịnh khẳng định, thần thánh không thể “tốt lễ dễ nói”, nếu cứ cầu cúng là được thì hóa ra thần thánh… có vấn đề. Bởi nếu với cách nghĩ đó thì khác nào “hối lộ” thế giới vô hình, trong khi về nguyên tắc thì các thánh thần đều phải giữ sự bình đẳng trước chúng sinh.

Tập tục không phù hợp thì nên bỏ

Mặc dù Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 12-7-2010 cũng có quy định xử phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi “đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác” song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra tràn lan, thậm chí nhiều người sẵn sàng nộp phạt để được… đốt vàng mã! Thực tế đã rõ, giáo lý nhà Phật không khuyến khích việc đốt vàng mã nhưng do đã có từ lâu đời ở Việt Nam nên thói quen này trở thành một tập tục, một nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của người dân, khó mà thay đổi. Nhận định điều này, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: “Tập tục khác với tín ngưỡng, tập tục là phương thức thể hiện của tín ngưỡng thôi, cái gì không phù hợp thì nên bỏ”. 

Theo PGS. TS Đặng Văn Bài, các cơ quan quản lý văn hóa, các phương tiện thông tin đại chúng cần những biện pháp tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tính đạo lý của tín ngưỡng. Từ đó, người dân sẽ tự đặt ra câu hỏi vì sao không nên đốt vàng mã thật nhiều, đốt như vậy có phải là cách thực hành hay hiểu về tín ngưỡng? Bên cạnh đó, cần hạn chế hoạt động của các cơ sở sản xuất vàng mã; các thanh đồng, chủ đền cần kiên quyết nếu ai làm lễ to, đốt vàng mã nhiều thì không cho vào cúng lễ. “Không hành chính hóa ngay được, mà phải từ từ” - PGS. TS Đặng Văn Bài nhận định và kỳ vọng các cơ quan quản lý văn hóa sẽ có những biện pháp dài hơi, tích cực.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Chí Bền, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng hy vọng sắp tới sẽ có những chính sách hướng đến những người dân, làng làm nghề sản xuất vàng mã để hóa giải “tệ nạn” đốt vàng mã hiện nay.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của việc đốt vàng mã

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình ảnh 3

“Tôi đồng ý với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, song cần phải làm dần dần bài bản, vì một phong tục tập quán không thể ngày một ngày hai là bỏ được. Trung ương Giáo hội Phật giáo cũng phải có chỉ thị hạn chế các hiện tượng cúng dâng sao giải hạn, rất nhiều vàng mã được đốt sau lễ này. Tiếp đó, công tác quản lý tại các cơ sở thờ tự Phật giáo cần phải làm chặt chẽ hơn, các cơ quan quản lý văn hóa cũng cần có trách nhiệm vào cuộc trong việc kiểm tra, giám sát. Có thể suy nghĩ của những người đốt vàng mã có nhiều mong muốn đổi lấy sự yên tâm, lợi lộc đó không đúng với cá nhân tôi, nhưng người ta bảo đúng vì đó là tự do tín ngưỡng. Do đó, công tác tuyên truyền cần phải làm đồng bộ, nâng cao hiểu biết, nhận thức của xã hội về những ảnh hưởng, tác hại của việc lạm dụng đốt vàng mã”.

GS.TS Lê Hồng Lý (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

Đốt vàng mã thái quá ảnh hưởng đến kinh tế, môi trường là mê tín

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình ảnh 4

“Loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo là đúng. Giáo lý Phật giáo không có quy định về việc đốt vàng mã. Loại bỏ được tục lệ này sẽ góp phần làm cho các không gian tôn giáo trong lành hơn, không còn tình trạng đốt vàng mã tràn lan, lộn xộn, phản cảm gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, đồng thời tránh gây lãng phí tiền của. Một góc cạnh nữa, do đời sống vật chất ngày một nâng cao, “phú quý sinh lễ nghĩa” bây giờ người ta lạm dụng đốt vàng mã, đốt quá nhiều thành mê tín, gây ra sự hiểu nhầm: không ít người cho rằng đốt càng nhiều thì càng nhận được nhiều tài lộc. Tôi muốn nói đến câu chuyện giữa niềm tin và mê tín dễ bị lẫn lộn, đốt một chút theo phong tục thờ cúng thần linh, thổ địa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì đó là việc thể hiện niềm tin tôn giáo, nhưng đốt thái quá ảnh hưởng đến kinh tế, ô nhiễm môi trường thì lại là mê tín”.

PGS.TS Chu Văn Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo)

Thay vì mua vàng mã, hãy công đức làm việc thiện

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình ảnh 5

“Một số cá nhân đã lạm dụng tục đốt vàng mã để thực hiện hành vi mê tín dị đoan. Với tâm lý càng đốt nhiều càng thành tâm, một số người đã đua nhau sắm vàng mã đắt tiền rồi đốt vô tội vạ, gây lãng phí lớn, làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cháy nổ và ô nhiễm môi trường sống... Vì những lý do trên, tôi cho rằng, việc dần loại bỏ vàng mã ra khỏi đời sống là cần thiết. Song điều này sẽ gặp không ít khó khăn bởi việc đốt vàng mã không chỉ diễn ra tại các chùa thuộc quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà còn ở tư gia các Phật tử, các đền, miếu, đình, quán, những nơi thực hành nghi lễ lên đồng, hầu đồng. Ngoài ra, việc cấm đốt vàng mã bằng các biện pháp hành chính là không đơn giản do nó đã ăn sâu, bám rễ vào đời sống các gia đình từ lâu đời, ảnh hưởng đến quyền tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của người dân. Do đó, để người dân dần tự nguyện từ bỏ việc mua và đốt vàng mã, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với Giáo hội Phật giáo Vệt Nam tiến hành một cuộc vận động lớn để nhân dân có thể nắm bắt thật đầy đủ tác hại, hệ quả của việc làm này. Bên cạnh đó, đối với mỗi cá nhân, chúng ta nên đi chùa thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức và thay vì mua và đốt vàng mã, hãy dành số tiền này để làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó”.  

Bà Trần Thị Mai (Khu chung cư Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Siết chặt quản lý từ khâu sản xuất đến buôn bán vàng mã

Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (3): Không thể đốt vàng mã để "hối lộ" thế giới vô hình ảnh 6

“Tại các địa phương hiện còn không ít cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu. Trong khi đó, hàng năm, nhiều người lại bỏ ra hàng chục triệu đồng để đốt vàng mã. Nghịch lý này đã tồn tại trong thời gian dài, gây tốn kém về tiền của, đe dọa môi trường sống. Do vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý từ gốc, đó là việc siết chặt quản lý từ khâu sản xuất đến buôn bán vàng mã. 

Đốt vàng mã không có cơ sở trong giáo lý của các tôn giáo mà còn để lại hậu quả tai hại trong đời sống của cá nhân, gia đình, xã hội. Để việc đốt vàng mã không còn diễn ra tràn lan trong mùa lễ hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những cá nhân có hành vi đốt vàng mã không đúng quy định, đồng thời có sự hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời đối với những hộ dân đang có thu nhập chính từ việc sản xuất mặt hàng này để họ có thể dần chuyển hướng sang sản xuất những mặt hàng khác. Trong các gia đình, con cháu nên khôn khéo giải thích, can ngăn ông bà, cha mẹ không giữ mãi hủ tục sai lầm, tốn kém này. Nếu mọi người dân đều đồng lòng ủng hộ vì lợi ích chung, chắc chắn việc đốt vàng mã tràn lan sẽ được ngăn chặn và đạt hiệu quả như mong muốn”.

Luật sư Nguyễn Thị Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)