Đốt đuốc đi tìm "nhà văn trẻ"

ANTD.VN - Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức định kỳ 5 năm một lần sẽ diễn ra trong 2 ngày 28 và 29-9 tới. Sau 8 lần tổ chức, diễn đàn này cũng còn nhiều điều gây… nuối tiếc.

Các đại biểu Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII

Ngày càng ít người trẻ

Điểm lại các gương mặt đại biểu trẻ từ 15 năm trước, sau Hội nghị lần thứ 6 (năm 2001), có những người đã ghi được dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Lê Thiếu Nhơn... nhưng cũng có không ít người tham dự một lần rồi “biến mất” trên văn đàn. Họ dừng sáng tác hoặc chuyển hẳn sang những lĩnh vực hoạt động không liên quan gì đến văn chương chữ nghĩa. Trong danh sách dự kiến năm nay, lại vẫn thấy những cái tên đã quen từ 15 năm trước, nghĩa là tham dự liên tiếp 3 kỳ nhưng vẫn… chưa già!

Sau  Hội nghị lần thứ 7 (năm 2006), bạn đọc dễ dàng thấy được những tác giả vững vàng trên con đường văn chương đầy thử thách như Nie Thanh Mai, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy...  Hội nghị lần thứ 8 (năm 2011) đã ghi dấu lại bằng những tác giả chứng tỏ được năng lực và bản lĩnh sáng tác như Phạm Thanh Thúy, Lữ Thị Mai, Đoàn Văn Mật, Tống Ngọc Hân, Văn Thành Lê, Trịnh Sơn...

Đã có nhiều tác giả sau này trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đặc biệt trường hợp Mergi Phạm (Phạm Phú Uyên Châu) sau Hội nghị lần thứ 8 đã được kết nạp vào Hội Nhà văn ở tuổi 25, hiện đang là nhà văn trẻ nhất trong tổ chức nghề nghiệp này.

So với kì đó, số lượng  tác giả tham dự năm 2016 và các tiêu chí được lựa chọn gần như không có sự thay đổi. Song dường như ngày càng ít đi những tác giả thực sự được bạn đọc quan tâm rộng rãi, thay vào đó là những cái tên lạ hoắc, chẳng hiểu đến từ đâu và ghi dấu ấn bằng sáng tác gì...

Để lí giải thắc mắc này, có lẽ cách duy nhất là căn cứ vào tiêu chí “đại diện các vùng miền trên cả nước” - ban tổ chức muốn “phủ sóng” bằng cách mời  tác giả ở khắp các tỉnh thành tham dự, cho dù sự lựa chọn này đầy khiên cưỡng. Có tác giả mới viết được vài truyện ngắn, in được dăm bài thơ trên báo, tạp chí địa phương khi được mời dự đã không khỏi ngỡ ngàng.

Ngược lại, ở thành phố lớn tập trung nhiều người viết trẻ sung sức thì bị hạn chế bởi số lượng đại biểu nên nhiều người không trong danh sách khách mời trong khi hoàn toàn đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng tác phẩm và uy tín văn chương. Điều này gây ra không ít nuối tiếc cũng như sự “ấm ức” nhiều năm.

Đi tìm tiêu chí “trẻ”

Theo quy định của BTC, ngoài các tiêu chí: đại diện cho các vùng miền, đã có tác phẩm đăng tải trên báo chí, đoạt giải thưởng các cuộc thi sáng tác, có sách được xuất bản, đại biểu phải không quá 35 tuổi (năm nay là 36). Thế nhưng có những tác giả ngoài 40 tuổi mới bắt đầu bước vào nghiệp văn chương và nhanh chóng khẳng định được tên tuổi như Inrasara, Mạc Can, Nguyễn Trí...

Thế nên nhiều người băn khoăn, tiêu chí “trẻ” được đặt vào đâu khi với người cầm bút thì năng lượng sáng tạo và sức lan tỏa của tác phẩm mới là điều quan trọng nhất?

Nhìn vào lực lượng viết trẻ hiện nay – kể trên diện rộng bao gồm cả sáng tác và phê bình - nhà thơ Lê Anh Hoài nhận định: “Tôi ghi nhận được một số người viết trẻ có những tìm tòi, cách tân. Bên cạnh đó có những người lặng lẽ làm việc, họ chiêm nghiệm đời sống. Nhưng số này ít lắm. Và dường như họ không được soi chiếu đến. Đa số là những người viết trẻ nhưng ít chịu tìm tòi, nghiên cứu nghề. Họ lóe lên vài ba tác phẩm rồi đi vào lối mòn. Hình như người viết trẻ hôm nay đông hơn nhưng dễ dãi hơn, họ sợ sệt điều gì đó, như thể nếu đi vào những đường riêng họ sợ không được công nhận“.

Nhà phê bình văn học Inrasara thì nhận xét thẳng thắn: “Tôi là kẻ rất siêng năng theo dõi thơ trẻ, nhất là các cây bút ngoại vi: sống ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số, những người viết còn chưa tên tuổi. 5 năm qua, tôi chưa nhìn thấy khuôn mặt nào độc đáo xuất hiện. Gây cho tôi hứng thú, lại là cây bút đã quá 40 và khá quen biết: Lê Vĩnh Tài. Rất khác với thời trước, hiện nay văn chương mạng xuất hiện đã giới thiệu được hàng loạt khuôn mặt mới với lối viết hoàn toàn mới”.

Điểm lại các kỳ hội nghị đã qua, hầu hết những người đã từng tham dự (một hoặc nhiều lần) đều có cảm nhận chung rằng đây là một hoạt động thiên về phần “hội” theo kiểu hội ngộ bạn bè, làm quen, thậm chí nghiêng sang thứ lễ hội vui tươi. Phần “nghị” tức  luận bàn chuyên môn, giới thiệu những phương pháp tiếp cận, hình thái sáng tạo mới còn rất thiếu. “Nghị” để chia sẻ, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong sáng tác cũng không có nhiều. Liệu Ban tổ chức, nên chăng, xem xét lại?