Đông y có chữa khỏi ung thư?

ANTD.VN - Trong khi nhiều nước trên thế giới hiện đã đạt tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) lên tới 70-80% thì số ca chữa khỏi ở Việt Nam mới đạt khoảng 33-40%, dù những kỹ thuật điều trị ung thư của nước ta không hề thua kém. tuy nhiên, Một trong những đặc thù rất riêng của nước ta là rất nhiều bệnh nhân ung thư từng chạy theo điều trị kết hợp điều trị bệnh bằng thuốc nam” đến khi quay lại chữa Tây y thì quá muộn.

Chết oan vì theo thầy lang chữa ung thư

Khoa Nhi - Bệnh viện K Trung ương hiện đang điều trị cho một bé trai 4 tuổi, đây là trường hợp rất thương tâm vì dù được phát hiện ung thư khá sớm nhưng gia đình lại đưa đến bệnh viện điều trị muộn chỉ vì mải chạy theo chữa bệnh bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc, tự đánh mất đi “cơ hội vàng” trong điều trị căn bệnh này.

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Hương, bệnh nhi nói trên được xác định mắc u nguyên bào thần kinh, lúc đó khối u có kích thước 8cm và đã đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám, được các bác sĩ chẩn đoán rõ ràng. Lúc này do khối u còn nhỏ, nếu tuân thủ phác đồ điều trị của bệnh viện thì cơ hội thành công rất lớn.

Thế nhưng bà nội cháu bé lại quyết định cho cháu về chữa theo các bài thuốc nam ở quê. Sau 2 tháng, gia đình đưa bé trở lại bệnh viện khám thì khối u đã to đến nỗi chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước, trẻ suy kiệt chỉ còn da bọc xương, không thở nổi, tiên lượng tử vong gần. Hiện tại, các bác sĩ ở Bệnh viện K Trung ương chỉ có thể chăm sóc giảm nhẹ, cố gắng cầm cự cho cháu bé kéo dài thời gian sống.

Những trường hợp như bệnh nhi nói trên rất phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi các bài thuốc Đông y, thậm chí thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng chữa khỏi ung thư tràn ngập trên các trang mạng, hay truyền miệng nhanh chóng trong cộng đồng khiến người dân không thể nhận biết rõ thực hư.

Gần đây nhất là thông tin lá đu đủ kết hợp với cây sả có thể tiêu diệt được tế bào ung thư hay ăn gạo lứt huyết rồng, gạo thảo dược, dùng nước lã thanh lọc cơ thể có thể giúp chữa khỏi ung thư được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội.

Tác dụng của các bài thuốc này ra sao thì chưa có ai kiểm chứng, chưa có cơ quan chức năng nào cấp phép, thậm chí một số bài thuốc như ăn gạo lứt, gạo dược liệu, thanh lọc cơ thể bằng nhịn ăn và uống nước lã… đã được các chuyên gia lên tiếng khẳng định là vô căn cứ, song vẫn có một bộ phận không nhỏ người bệnh áp dụng, mù quáng tin theo, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.

TS.BS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, có không ít trường hợp bệnh nhân đang trong quá trình điều trị ung thư nhưng do thiếu hiểu biết đã tìm đến những phương pháp chữa trị chưa có cơ sở khoa học hoặc áp dụng các phương pháp truyền miệng không tốt cho sức khỏe.

Bệnh nhân không tiếp nhận hóa trị, xạ trị mà tin dùng các bài thuốc lá, bài thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân còn nghĩ rằng nếu dùng hóa trị, xạ trị thì dễ gặp tác dụng phụ, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và tâm lý người bệnh. Chỉ đến khi chữa trị không thành, họ mới tìm đến bác sĩ thì bệnh đã quá muộn. 

Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương chia sẻ, kỹ thuật điều trị ung thư tại nước ta hiện không hề thua kém các nước trên thế giới và phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Thế nhưng trên thực tế, tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở nước ta vẫn đang thấp hơn thế giới khá nhiều. Theo ông Thuấn, nguyên nhân là do có tới 70% bệnh nhân ung thư nước ta phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn và rất nhiều trong số đó là do bệnh nhân đã hoặc từng cố gắng chạy chữa theo các bài thuốc y học cổ truyền trước khi đến bệnh viện. 

Y học cổ truyền chỉ có tác dụng hỗ trợ

Vậy các bài thuốc y học cổ truyền có thực sự chữa khỏi được ung thư? Trả lời vấn đề này, TS Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam cho rằng, bệnh ung thư, nên lựa chọn phương pháp của y học hiện đại để khống chế bệnh trước, sau đó duy trì và tăng cường thể trạng bằng phương pháp y học cổ truyền thì sẽ đem lại hiệu quả tốt.

Các bài thuốc của y học cổ truyền có mục tiêu làm giảm tác hại của hóa xạ trị, tăng cường thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế di căn xa, kiểm soát khối u rất tốt. Nói cách khác, trong điều trị ung thư, y học cổ truyền có thể phát huy tác dụng điều trị củng cố sức khỏe cho bệnh nhân và phối hợp với y học hiện đại để giúp người bệnh chữa bệnh một cách tốt nhất. 

Cũng theo TS Phùng Tuấn Giang, trong điều trị bằng y học cổ truyền, người bệnh chỉ nên tìm đến cơ sở y tế uy tín, được cấp phép đầy đủ chứ không đặt niềm tin nơi các thầy “lang băm”.

Chưa kể đến vấn đề trình độ thì chất lượng thuốc Đông y cũng rất đáng lưu tâm. TS Phùng Tuấn Giang cho biết, mỗi năm nước ta nhập khẩu từ 70.000 - 100.000 tấn thuốc Đông y, trong đó có tới 80% thuốc Đông y là thuốc nhập khẩu không rõ nguồn gốc.

Với các cơ sở hoạt động chui, các địa chỉ hành nghề y học cổ truyền không được cấp phép hay các thầy “lang băm”, việc kiểm soát nguồn gốc thuốc Đông y là rất khó khăn.

TS Trần Thái Hà, Trưởng khoa Châm cứu xoa bóp dưỡng sinh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, tại bệnh viện này hiện điều trị khoảng 100 bệnh nhân ung thư/ngày. “Trong điều trị bệnh nhân ung thư bằng y học cổ truyền, chúng tôi rất thận trọng khi dùng thuốc, dùng thuốc phải đúng, kết hợp với y học hiện đại như thế nào cho phù hợp và chất lượng thuốc phải đảm bảo” - TS Trần Thái Hà nhấn mạnh.

Còn với các bài thuốc nam được quảng cáo chữa khỏi được ung thư lan truyền trên mạng hay các bài thuốc được truyền miệng, đồn thổi trong dân gian, TS Trần Thái Hà khuyến cáo người bệnh không nên tin tưởng mù quáng mà chạy theo để tránh tiền mất tật mang.

Lương y Vũ Quốc Trung - Hội Đông y Hà Nội cho rằng, trên thực tế, việc dùng thuốc Đông y để chữa bệnh ung thư là có, chẳng hạn một số loại dược liệu như cây xạ đen, thông đỏ, trinh nữ hoàng cung… đều có các hoạt chất có tác dụng tốt trong điều trị bệnh ung thư đã được chứng minh.

Tuy nhiên, khi điều trị cần phải tùy thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải loại dược liệu đó có tác dụng trong chữa bệnh ung thư thì cứ uống vào là có thể khỏi bệnh. “Vì thế, mọi người không nên nghe theo những lời đồn thổi về một số loài cây, cỏ có khả năng chữa bệnh ung thư mà đổ xô đi tìm hoặc bỏ rất nhiều tiền mua về uống chữa bệnh, như vậy không những bệnh không khỏi mà còn mắc thêm những bệnh khác. Tốt nhất là nên đến các bệnh viện chuyên ngành để điều trị trước, sau đó có thể kết hợp Tây y với Đông y để tăng hiệu quả điều trị ung thư” - lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo.