Đông trùng hạ thảo - dược liệu quý

(ANTĐ) - Mùa đông là côn trùng, mùa hè là cây cỏ - sự sống kỳ lạ của Đông trùng hạ thảo (ảnh) đang làm nên điều kỳ diệu trong y học.

Đông trùng hạ thảo - dược liệu quý

(ANTĐ) - Mùa đông là côn trùng, mùa hè là cây cỏ - sự sống kỳ lạ của Đông trùng hạ thảo (ảnh) đang làm nên điều kỳ diệu trong y học.

Sự sống kỳ lạ

Hàng nghìn năm nay, Đông trùng hạ thảo được coi là thần dược trong y học cổ truyền Việt Nam và Trung Quốc. Đó là một loại nấm có hình dáng một con sâu: Từ đầu con sâu mọc ra một thân cây nấm. Theo y học, Đông trùng hạ thảo có 2 loài: Sacc Link (dài từ 4 đến 11 cm) và Cordiceps ophiglossoides Her-Fr (dài từ 2 đến 6cm).

Các nhà y học cổ truyền mô tả sự hình thành của Đông trùng hạ thảo như sau: Bộ nấm nang Ascomyces sống ký sinh trên vật chủ là sâu non của một loài bướm (caterpillar) họ cánh vẩy, đặc biệt ở loài bướm đêm Hepialus armoricanus. Ban đêm bướm đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng rồi thành sâu non. Mùa đông sâu non chui xuống đất sinh sống.

Trong môi trường ẩm, bào tử nấm Ascomyces phát triển trên thân sâu nở thành các sợi nấm, lan dần vào thịt sâu, phá hủy thân sâu non. Các sợi nấm phát triển thành một khối dày, chắc, thân sâu chỉ còn là một cái vỏ bao bọc các sợi nấm.

Sang mùa hạ, từ miệng sâu, cuống nấm mọc ra, đội đất nhô lên, giữa cuống phình ra, trên bề mặt cuống có những mầm nhọn. Các mầm nhọn này nẩy ra một số hạt tròn, trong chứa các bào tử nấm. Thân nấm cao gần 10cm.

Vị thuốc kỳ diệu

Người ta thường đi thu hái Đông trùng hạ thảo ở trên những ngọn núi cao 3.000m, quanh năm sương mù, tuyết phủ, giá lạnh. Loại  “cây - con” này thường có ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng, Quý Châu (Trung Quốc).

Sau khi phân tích thành phần, các nhà y học cổ truyền thấy rằng, Đông trùng hạ thảo chứa đáng kể một lượng nước, chất béo, protein, chất sợi thô, carbohydrat và tro khoáng.

Các chất béo chủ yếu là axit béo chưa bão hòa như oleic, linoleic. Từ loài Cordiceps Sinensis, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất được Uracil, Uridin, adenin và adenosin; từ loài Cordiceps Ophioglossoides đã chiết xuất được Ophiocordin có tính kháng sinh.

Cũng từ loài nấm này, người ta đã tìm được 3 protein có khả năng chống ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy Đông trùng hạ thảo không gây bất kỳ biểu hiện gì bất thường trong máu và không làm suy giảm chức năng gan, thận.

Từ năm 1843, người Trung Quốc coi Sinensis như nhân sâm, dùng để phục hồi sức khỏe sau khi bị suy nhược hay mắc bệnh kinh niên kéo dài.

Ở Trung Quốc, Đông trùng hạ thảo chính thức được đưa vào Dược điển với các công dụng là chữa suyễn, bổ phổi, chữa ho kéo dài, kích thích hệ nội tiết, bổ thận, chữa bất lực, chữa thiếu máu. Cách dùng cụ thể như sau: 1g dịch chiết (tương đương với 3 - 9g cây khô).

Sắc uống 2 lần trong một ngày để điều trị suy nhược thần kinh, ốm lâu, thể trạng gầy sút; Dùng 25 - 50g đông trùng hạ thảo ninh nhỏ lửa cùng với thịt lợn, thịt gà, thịt vịt để chữa thiếu máu, suy thận mãn, bất lực, người lớn tuổi dinh dưỡng kém, chữa suyễn.

Cũng như các loài nấm khác, Đông trùng hạ thảo cũng được sử dụng như một loại thức ăn hàng ngày, rất có lợi cho sức khỏe.

 Phương Dung