Đóng BHXH dựa trên thu nhập: Không phải là phép cộng đơn thuần

ANTD.VN - Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) là tích trữ cho tương lai của người lao động, đảm bảo ổn định đời sống, an sinh xã hội.

Tăng mức đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, hưu trí

Từ ngày 1-1-2018, những khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc gồm lương và các khoản phụ cấp cố định ghi trong hợp đồng lao động. Một số đơn vị sử dụng lao động chưa hiểu đúng về mức phụ cấp sẽ làm căn cứ để đóng BHXH, cho rằng cách tính từ ngày 1-1-2018 sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trên thực tế, để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 44/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-6-2017 về việc giảm 0,5% tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ tai nạn, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định và tạo thêm việc làm.

Loại trừ 14 khoản thu nhập

Bàn về mức đóng bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng  Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ ngày 1-1-2018, mức đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế của người lao động nhưng không phải là phép cộng tổng của lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác. Chỉ những khoản phụ cấp, bổ sung ổn định mới là căn cứ tính đóng BHXH, còn những khoản phụ cấp, bổ sung có tính biến động, phụ thuộc vào kết quả lao động thì không tính đóng BHXH.

Theo quy định tại Thông tư số 59 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về bảo hiểm xã hội bắt buộc, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Trong đó, phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Các khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương và tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 - Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Đảm bảo an sinh bền vững

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, BHXH là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh quốc gia. Việc cả doanh nghiệp và người lao động đều than khó khi tăng nền đóng BHXH là chưa hiểu đúng hoặc chỉ thấy cái lợi trước mắt. Lâu nay, người lao động chỉ đóng bảo hiểm ở mức thấp nhất, ngang bằng với lương cơ bản, việc tăng mức đóng bảo hiểm khiến thu nhập hàng tháng có thể giảm đi một phần, người lao động cho rằng bản thân mình gặp bất lợi.

Tuy nhiên, người lao động phải hiểu rằng việc tăng lương, tăng mức đóng BHXH nhằm đảm bảo ổn định đời sống cho chính người lao động trong những lúc ốm đau, thai sản, hưu trí… Để làm rõ điều này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân phân tích quá trình già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu tăng nhanh, tuổi thọ tăng lên, tuổi lao động đang giữ vững, vì thế tuổi thời gian nghỉ hưu đang kéo dài ra.

Bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động có thể lấy số đông bù số ít, người khỏe bù người ốm đau. Nhưng bảo hiểm hưu trí thì không ai bù cho ai cả, nên phải tiến tới tính tổng thu nhập cá nhân khắc phục tình trạng mất cân bằng quỹ.

Đại diện BHXH Việt Nam khẳng định, một trong những nguyên tắc chung của BHXH là đóng - hưởng và đảm bảo sự công bằng cho những người tham gia vào quỹ. Hiện nay, người lao động đóng BHXH ở mức thấp nên mức hưu trí không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Việc đóng BHXH trên nền tiền lương thực tế là để đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí.