Đối tượng bạo hành dã man người giúp việc có thể phải ngồi tù tới 14 năm

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận bàng hoàng, căm phẫn tột độ trước hành vi bạo hành dã man người giúp việc ở Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chị Y Nhiêu (23 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng) trong khi đi làm thuê đã bị chủ tra tấn tàn bạo như thời trung cổ. 

 Liên tiếp các vụ người giúp việc bị bạo hành

Theo lời kể của Y Nhiêu, khoảng 2 tháng trước khi sự việc bị phát hiện, cô bị bà chủ tên Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga, 39 tuổi, phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai) hành hạ, đánh đập bằng nhiều ngón đòn tàn bạo. Để lấy cớ đánh đập, hành hạ Y Nhiêu, Nga đã vu cho cô lấy trộm tiền. Đối tượng này đã dùng bàn là hơ nóng lên dí vào người Nhiêu, lấy cây sắt hơ vào lửa đánh rồi lấy kìm cắt kẽm để cắt tai thậm chí còn lấy mảnh chai, dao lam cắt vào mặt, cắt vào người, lấy búa đập rồi dùng kìm nhổ răng Y Nhiêu. Không dừng lại ở đó, Nga còn dùng búa đập vỡ xương tay, lấy cây gỗ có gắn đinh đập vào vùng kín và ngực nạn nhân.

Sau khi trốn thoát và trình báo cơ quan chức năng, ngày 22-7 vừa qua, CAH Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã vào cuộc điều tra vụ việc. Theo thông tin ban đầu, người đánh đập Y Nhiêu có biểu hiện bị “ngáo đá” do sử dụng ma túy. Hiện đối tượng đã được đưa vào Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy tỉnh Gia Lai.

Người giúp việc bị chủ hành hạ dã man như thời trung cổ

Đáng buồn, đây không phải sự việc hi hữu. Năm 2012 tại quận Ba Đình, Hà Nội cũng xảy ra sự việc tương tự. Bà Phạm Thị Phương (SN 1953, ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội) trong thời gian đi làm giúp việc tại gia đình bà Trần Thị Tuyết Minh (SN 1964) đã bị bà Minh dùng tay và dép ghè vào mắt, đá đấm vào thân thể, dùng  guốc, máy sấy tóc…đánh lên đầu. Khủng khiếp hơn, bà Phương đã bị chủ ép vào nhà tắm, cởi hết quần áo rồi dùng vòi nước nóng phun vào ngang bụng, lưng, chỗ kín khiến bà bị bỏng nặng, đi vệ sinh rất khó khăn, đau đớn…Với hành vi hành hạ, gây thương tích cho người giúp việc, Trần Thị Tuyết Minh đã bị TAND quận Ba Đình tuyên 18 tháng tù giam. 

Trước đó, tại tỉnh Cà Mau, cậu bé Nguyễn Hào Anh 14 tuổi  khi đi làm thuê đã bị ông bà chủ là Huỳnh Thanh Giang, Mã Ngọc Thơm đánh đập, hành hạ vô cùng dã man như bẻ răng, kẹp đứt môi, dí sắt nung đỏ vào người. Theo kết quả giám định pháp y về thương tích, tại thời điểm sự việc được phát hiện, mức độ tổn hại sức khỏe của Hào Anh là 66,83%. Trong phiên tòa phúc thẩm, HĐXX tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Thanh Giang 23 năm tù giam; Mã Ngọc Thơm, 23 năm tù giam và 2 nhân viên khác của trại tôm là Lâm Lý Quỳnh và Lưu Văn Khánh mỗi người 1 năm 6 tháng tù giam.

Bạo hành người giúp việc có thể bị phạt tù tới 14 năm

Liên quan đến tình trạng trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tùy theo mức độ nghiêm trọng và hậu quả của hành vi mà đối tượng thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có căn cứ xử lý, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tiến hành trưng cầu giám định về mức độ tổn hại sức khỏe của nạn nhân.

Về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 134 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm. Người thực hiện hành vi sẽ bị phạt tù 2-6 năm nếu gây thương tích từ 31-60%, phạm tội nhiều lần, tái phạm nguy hiểm; Bị phạt tù từ 5-10 năm khi thương tích (hoặc tỷ lệ tổn hại sức khỏe) từ 61% trở lên. Mức án nâng lên từ 7-14 năm tù khi người thực hiện hành vi gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người có hành vi làm nhục, đối xử tàn ác với người giúp việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác theo Điều 140 BLHS. Tội này có mức án 1-3 năm tù nếu khiến nạn nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi gây tỷ lệ tổn thương từ 31% trở lên.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, trường hợp đối tượng thực hiện hành vi bạo hành người giúp việc có sử dụng ma túy, về biện pháp hành chính, trước hết, đối tượng sẽ bị buộc đi cai nghiện bắt buộc và xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…Theo đó, người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng.

Về xử lý hình sự, việc sử dụng ma túy hay tình trạng “ngáo đá” không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tức là người phạm tội trong tình trạng say rượu hay ngáo đá cũng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường căn cứ trên quy định tại Điều 13 BLHS 2015 sửa đổi. Thậm chí trong nhiều trường hợp, đây còn là tình tiết tăng nặng đối một số tội phạm. Bởi người bị “ngáo đá” biết trước được rằng khi sử dụng chất kích thích có trong ma túy sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nhưng vẫn cố tình sử dụng, tự đẩy mình rơi vào tình trạng bị giảm sút hoặc mất nhận thức, không thể điều chỉnh hành vi của chính mình.