“Đối phó” với cảm lạnh

ANTĐ - Cảm lạnh thông thường do virus, chứ không phải vi khuẩn, nhiễm trùng nên hầu như dùng kháng sinh là vô dụng, thậm chí còn làm cho tình trạng trầm trọng hơn. Dù không có thuốc chữa khỏi ngay nhưng có những giải pháp giúp người bị cảm lạnh phục hồi nhanh hơn và cảm thấy thoải mái hơn.

Ảnh: Internet

Bạn có biết, với hơn 200 loài virus gây ra cảm lạnh, không có gì ngạc nhiên khi người trưởng thành trung bình bị 2-4 lần nhiễm lạnh mỗi năm. Chúng ta rất có thể nhiễm phải virus gây viêm đường hô hấp trên dẫn đến các triệu chứng như đau họng, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, nhức đầu, sốt nhẹ. Và không giống như bệnh cúm, cảm lạnh thông thường không có vaccine phòng bệnh. Hầu hết mọi người mất 1-2 tuần để hồi phục sau khi nhiễm bệnh. Hãy làm theo các cách sau để rút ngắn thời gian bình phục:

Nghỉ ngơi: Cách điều trị tốt nhất cho cảm lạnh thông thường là nghỉ ngơi. Nếu điều kiện cho phép, hãy ở nhà và ngủ. Không chỉ người bệnh cảm thấy tốt hơn rất nhiều, những đồng nghiệp hoặc bạn cùng lớp cũng sẽ giảm bớt được nguy cơ lây nhiễm. Nếu cứ cố tiếp tục làm việc khi không khỏe, chính điều này cản trở khả năng tự hồi phục của cơ thể.

Tránh mất nước: Uống nhiều nước và các chất lỏng khác như súp, trà xanh. Nhưng cách uống cũng quan trọng, đó là nhâm nhi để nước ngấm vào cơ thể tốt hơn chứ đừng tu luôn một ngụm sẽ khiến thận căng thẳng. Nhiều nước có chung một quan niệm phổ biến là người bị cảm lạnh nên ăn cháo gà, “bài thuốc” để làm dịu cổ họng, làm giảm nghẹt mũi và giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường khác. Nên tránh cà phê hay nước ngọt cho đến khi khỏi hoàn toàn vì những đồ uống này là thuốc lợi tiểu, có thể gây mất nước.

Bổ sung dinh dưỡng: Khi cảm lạnh, cơ thể cần dinh dưỡng hợp lý để hồi phục, bằng cách ăn tiêu thụ đủ protein, rau quả tươi. Nếu cổ họng cảm thấy quá đau để nuốt thức ăn đặc, thay thế bằng các loại nước cháo, súp, sữa chua hay trái cây. Khi bị cảm lạnh, cần tăng cường các món ăn thêm gia vị gừng tỏi để tăng cường sức đề kháng.

Điều trị sốt: Nếu sốt nhẹ (khoảng 37-38 độ C), cân nhắc đến việc dùng thuốc hạ sốt. Đơn giản là sốt nhẹ biểu hiện cơ thể đang tìm cách ức chế hay chống lại sự phát triển của virus, vi khuẩn và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Nhưng khi bị sốt cao trên 38 độ C, người bệnh cần chăm sóc y tế. Ở một số người nhạy cảm, cảm lạnh thông thường có thể dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp - chẳng hạn viêm phổi hoặc viêm phế quản và phải được điều trị mới khỏi.

Xịt, rửa mũi: Rửa mũi rất có tác dụng giảm các triệu chứng về mũi của cảm lạnh thông thường, chẳng hạn như nghẹt mũi và chảy nước mũi. Nước muối xịt mũi cũng có thể giúp làm giảm tắc nghẽn hoặc khô mũi. Vả lại, nước muối xịt mũi hầu hết an toàn, không gây kích thích, cũng không làm cho triệu chứng xấu đi khi ngưng thuốc. Chú ý dùng dạng vòi ấm nghiêng đầu nhỏ từng lỗ mũi để nước chảy thông sang bên còn lại và không dùng dung dịch muối đã để lưu cữu.

Các phương pháp bổ trợ: Uống 200 mg Vitamin C bổ sung mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, có thể tập thể dục nhẹ nhàng nếu không bị sốt hoặc không có các triệu chứng bất thường “dưới phần cổ” như ho, thắt ngực, đau cơ toàn thân bởi tập thể dục làm cho máu lưu thông, giảm bớt các triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi khó chịu. Trong một số phương pháp tự điều trị tại nhà, xông mũi họng bằng hơi nước nóng có tác dụng giảm nghẹt mũi nhanh nhất; dùng nước cốt chanh có pha thìa mật ong cũng có tác dụng rất tốt.