Đôi nam nữ diễn cảnh "nóng" trong rạp chiếu phim bị phạt hay được bồi thường?

ANTD.VN - Cách đây ít ngày, cư dân mạng xôn xao trước hình ảnh đôi trai gái đang có biểu hiện quan hệ tình dục trên hàng ghế sweetbox gần lối đi của rạp chiếu phim. Hình ảnh được ghi lại bằng camera hồng ngoại và bị tung lên mạng.

Liên quan vụ việc đôi trai gái quan hệ tình dục trong rạp chiếu phim, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, đối chiếu quy định hiện hành, người phát tán hình ảnh "nhạy cảm" lên mạng và người bị phát tán đều có thể bị xử phạt hành chính.

Quan hệ tình dục nơi công cộng là trái thuần phong mỹ tục

Về phía cặp đôi, việc quan hệ tình dục nơi công cộng là hành vi không phù hợp văn hóa và thuần phong mỹ tục của người Việt. Hành động này vô cùng phản cảm và không thể chấp nhận được. Nó vi phạm quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy tắc ứng xử nơi công cộng, có thể bị xử phạt về hành vi gây mất trật tự nơi công cộng. Bởi quan hệ tình dục là chuyện nhạy cảm, tế nhị thường diễn ra với các cặp vợ chồng hoặc các đôi tình nhân ở những nơi kín đáo, riêng tư – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.

Khi đi xem phim, mỗi cá nhân không nên có những hành vi thiếu văn hóa (ảnh minh họa)

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội nêu rõ, hành vi “gây mất trật tự ở rạp hát, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, câu lạc bộ, nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, lễ hội, triển lãm, hội chợ, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, bến xe, trên đường phố, ở khu vực cửa khẩu, cảng hoặc ở nơi công cộng khác” sẽ bị xử phạt từ 100-300.000 đồng.

Ngoài ra, mỗi cơ sở kinh doanh các dịch vụ giải trí, công cộng đều có quy định riêng đối với khách hàng. Do vậy nếu việc quan hệ tình dục của đôi nam nữ trên vi phạm quy định của rạp thì rạp chiếu phim có thể đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp theo quy chế của họ (như yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi phản cảm, nhanh chóng rời khỏi rạp chiếu phim…).

Tung hình ảnh “nhạy cảm” lên mạng là vi phạm pháp luật

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, với cá nhân tung những hình ảnh nhạy cảm của đôi nam nữ lên mạng, tùy theo tính chất mức độ, hậu quả, động cơ của hành vi, người này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 32 BLDS 2015 quy định, “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý”. Vì vậy, việc công khai những hình ảnh “nhạy cảm” này đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân, đó là quyền hình ảnh, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.

Ngoài ra, Điều 38 BLDS 2015 nêu rõ, “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Do đó, người bị tung hình ảnh lên mạng có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại.... Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức bồi thường căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu.

Về xử phạt hành chính, Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện nêu rõ, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS 2015)  hoặc tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326 BLHS 2015).

Ngoài việc cá nhân người tung clip, hình ảnh phải chịu trách nhiệm thì rạp chiếu phim cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới. Bởi, khi khách hàng mua vé xem phim thì hợp đồng dân sự giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ đã được xác lập. Theo BLDS 2015, trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu bên cung cấp dịch vụ để lộ thông tin của khách hàng phải liên đới bồi thường – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa cho biết.