Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (3)

ANTD.VN - Trước tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp xung quanh khu vực ga Cổ Loa (khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) hơn 10 năm qua gây ô nhiễm nghiêm trọng, chính quyền và cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, quyết liệt xử lý, giải tỏa “cụm” công nghiệp “chui” này.

Sáng 25-6, nhóm phóng viên Báo An ninh Thủ đô tiếp tục quay trở lại khu vực ga Cổ Loa, điều khá bất ngờ là tình trạng những cơ sở, doanh nghiệp hoạt động quanh ga Cổ Loa vẫn vô tư xả khói đen kịt kèm theo mùi rất khó chịu.

Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (3) ảnh 1Nhiều ống khói của các doanh nghiệp sản xuất hoạt động “chui” nhả khói gây ô nhiễm môi trường 

“Cụm” công nghiệp “chui” hoạt động như thế nào?

Nói về hàng chục đơn vị, doanh nghiệp và hộ gia đình hoạt động trong khu vực đất của chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh (ở khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động từ nhiều năm nay, nhiều người dân sống tại đây ví như “cụm” công nghiệp “chui”.

“Khu vực kho kim khí, ga Cổ Loa (khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng) là khu vực tập trung nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh lớn. Quá trình hoạt động phát sinh khói, bụi, chất thải nguy hại, chất rắn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân trong khu vực. Trước thực trạng trên, CAH cũng đã có văn bản báo cáo UBND huyện để có biện pháp xử lý, kiên quyết giải tỏa những doanh nghiệp vi phạm”.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng CAH Đông Anh, Hà Nội)

Những điều người dân nói là hoàn toàn có cơ sở bởi tại Thông báo 716, ngày 11-5-2018 của UBND huyện Đông Anh, do ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch ký, thông báo về việc kiểm tra quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường đối với Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh và Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thịnh Kim đã nêu rõ, các đơn vị này có rất nhiều vi phạm như không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giao đất của UBND các cấp. Hầu hết các đơn vị này chưa có các thủ tục pháp lý về công tác bảo vệ môi trường, hoạt động gây ô nhiễm, không có biện pháp thu gom, xử lý triệt để khí thải...

Tại thông báo mới nhất của UBND huyện Đông Anh ngày 15-6-2018 về việc kiểm tra công tác quản lý đất, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh và các đơn vị liên doanh, liên kết, góp vốn, thuê kho, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh cũng kết luận: Công ty Cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh đã tự ý cho thuê nhà xưởng (tài sản gắn liền trên đất); không thực hiện đăng ký biến động về đất đai; không đưa đất vào khai thác, sử dụng. 

Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Ngô Tuấn Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết, về thực trạng hoạt động của hàng chục đơn vị, doanh nhiệp, cơ sở sản xuất gỗ dán, ván ép, cơ khí, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, chiết xuất dầu từ việc đốt lốp cao su thải loại... xung quanh khu vực ga Cổ Loa hoạt động sản xuất diễn ra từ lâu, cả hơn chục năm. Tuy nhiên, chính quyền không đủ thẩm quyền xử lý.

Do các doanh nghiệp này nằm trong đất của doanh nghiệp được Nhà nước giao (Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh) và sau đó với danh nghĩa liên doanh, liên kết, chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh tiếp tục cho 7 đơn vị thuê để hoạt động.

Doanh nghiệp, nhà xưởng vô tư nhả khói "đầu độc" người dân ga Cổ Loa (3) ảnh 2Người dân sống xung quanh khu vực ga Cổ Loa bị ô nhiễm trầm trọng hơn 10 năm qua 

Kiên quyết giải tỏa

Ông Lê Ngọc Dụng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, để giải quyết quyết liệt tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực ga Cổ Loa, UBND huyện đã lập đoàn kiểm tra liên ngành trong đó đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện là Trưởng đoàn.

Sau nhiều lần tiến hành kiểm tra và kết luận cho thấy, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp tại khu vực này có rất nhiều vi phạm. Hiện UBND huyện cũng đã có kết luận và yêu cầu Công ty Cổ phần dịch vụ sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh chấm dứt hợp đồng liên doanh, góp vốn đối với tổ chức, cá nhân; triển khai biện pháp tháo dỡ công trình không phép do các tổ chức, cá nhân thuê nhà xưởng, xây dựng trái phép... trước ngày 20-6.

Đối với các phòng, ban, đơn vị của huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Quản lý đô thị; Đội Thanh tra xây dựng huyện...) đôn đốc các công ty thực hiện khắc phục các tồn tại, vi phạm về trật tự xây dựng. Đặc biệt, trong đó có CAH Đông Anh là đơn vị giám sát các công ty thực hiện, xem xét việc sử dụng đất, chấp hành bảo vệ môi trường của các công ty.

Ông Lê Ngọc Dụng cũng cho biết thêm, liên quan đến vụ việc này, Phòng Tài nguyên và Môi trường cũng đôn đốc UBND xã sớm có phương án giải tỏa để trình UBND huyện ra quyết định cưỡng chế. Việc này sẽ được thực hiện hoàn thành trong tháng 6-2018. 

Thông tin về tiến độ xử lý những vi phạm trên của các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động xung quanh ga Cổ Loa, ông Phạm Hữu Tiến, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Đông Anh cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Thanh tra xây dựng huyện cũng có văn bản đôn đốc các đơn vị liên quan cũng như UBND xã Việt Hùng, đồng thời cử cán bộ nắm bắt, theo dõi nếu phát hiện vi phạm phát sinh sẽ xử lý nghiêm.

Ông Phạm Hữu Tiến nhận định, để giải quyết tận gốc vấn đề này, việc đầu tiên là cơ quan chức năng cần xác định rõ nguồn gốc đất mà các đơn vị thuê lại, liên doanh, liên kết... hay không, nếu không đúng thẩm quyền thì chính quyền phải có biện pháp cưỡng chế. Còn việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng hay vi phạm bảo vệ môi trường cũng chỉ là vấn đề ngọn. 

Ngày 25-6, trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh cho biết, thực trạng ô nhiễm môi trường xảy ra trên địa bàn không phải chính quyền không biết và cũng được nhân dân kiến nghị nhiều lần. Chính quyền xã cũng đã nhiều lần có văn bản báo cáo cấp trên và cơ quan chức năng chứ không phải thờ ơ trước sự an toàn của người dân. Chính quyền địa phương có báo cáo thì UBND huyện mới thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra, xử lý. 

“UBND xã cũng nhận được kết luận thông báo của UBND huyện và cũng đã thực hiện nghiêm túc. Hiện xã cũng kiên quyết yêu cầu các đơn vị vi phạm ngừng hoạt động, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, di chuyển nguyên vật liệu đi nơi khác, trả lại hiện trạng ban đầu như trước khi bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Đối với những doanh nghiệp, hộ cá nhân không có giấy phép hoạt động xã cũng đã đình chỉ. Trong đó có 2 doanh nghiệp chuyên đúc thép. Hiện còn Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Thịnh Kim chuyên nấu lốp cao su thải loại thuộc thẩm quyền của thành phố nên xã cũng có văn bản báo cáo đề xuất giải tỏa”. 

Ông Nguyễn Hữu Sáng (Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội)