Đổ xô đi xem xả lũ: Đừng chết vì thiếu hiểu biết

ANTD.VN - Gần đây, mỗi khi nghe thông tin về thiên tai như bão, lũ hay thủy điện xả lũ, nhiều người dân đã đổ xô đến các khu vực diễn ra các hiện tượng này để xem và chụp ảnh bất chấp sự cảnh báo của các cơ quan chức năng.

Không ít người bất chấp nguy hiểm đi xem xả lũ

Trong mùa bão lũ, các cơ quan chức năng và mọi người dân đều phải dốc sức lực, tiền của để chuẩn bị phương án phòng chống mỗi khi thời tiết diễn biến phức tạp. Tuy vậy, một số cá nhân dường như đứng ngoài cuộc. Họ coi đây là cơ hội để thể hiện bản thân, tìm cách đến tận khu vực xảy ra thiên tai chỉ để “tự sướng”, bất chấp rủi ro, nguy hiểm.

Đua nhau đi xem thủy điện xả lũ

Cách đây ít ngày, khi nghe tin thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy, anh Nguyễn Hữu Long ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội quyết định nghỉ việc 1 ngày để đưa bố mẹ, vợ và 2 con nhỏ lên Hòa Bình xem xả lũ. Theo anh Long, đây là cơ hội không phải lúc nào cũng có nên anh phải tranh thủ đưa gia đình đến tận nơi, chứng kiến trực tiếp. Khi tới nơi, anh Long thấy hàng trăm người đã có mặt để xem hàng ngàn mét khối nước sôi sục tung bọt trắng xóa, cuồn cuộn chảy qua cửa đập.

“Không phải nơi nào cũng có được đập xả lũ hoành tráng như ở Hòa Bình nên tôi rất háo hức muốn nhìn tận mắt. Nhìn những cơn sóng cuộn cao tới hàng chục mét vô cùng hùng vĩ đẹp tựa tranh vẽ, tôi thấy mình đã không uổng công khi đưa gia đình tới đây để ghi lại những hình ảnh đẹp chia sẻ lên mạng cho anh em, bạn bè cùng chiêm ngưỡng, mặc dù đứa bé tôi tỏ ra khá sợ sệt”, anh Long chia sẻ.

Không đồng tình với quan điểm trên, chị Vũ Thu Hải ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy do số lượng người kéo đến xem xả lũ ở Thủy điện Hòa Bình những ngày qua khá đông đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực.

Không những thế, một số người lại đứng quá gần điểm xả lũ để “tự sướng” mặc dù đơn vị quản lý đã có biển cấm “Khu vực xả lũ nguy hiểm cấm vào”, thậm chí còn bế theo trẻ em khiến đứa trẻ sợ hãi khóc thét. “Chỉ vì hiếu kỳ, mong có bức ảnh đẹp để khoe mà không ít người đã bất chấp nguy hiểm, coi thường tính mạng của bản thân. Chỉ khổ cho gia đình họ và các cơ quan chức năng liên quan phải cử người túc trực, nhắc nhở, nếu không may có ai sơ sảy gặp nạn thì sẽ phải tốn kém tiền của, công sức tổ chức cứu hộ cứu nạn”, chị Hải bức xúc. 

Được biết, các thủy điện khi mở cửa xả lũ, sức nước ở cửa xả lũ sẽ mạnh lên gấp nhiều lần. Do áp lực mạnh, dòng chảy hình thành những cột nước cao, dội xuống hạ lưu, gây sóng lớn có thể cuốn theo bất cứ ai đứng gần đó. Trước hiện tượng người dân đổ xô đi xem thủy điện xả lũ, để đề phòng tai nạn, đảm bảo an toàn khu xả lũ hồ Hòa Bình, cơ quan chức năng đã có công văn yêu cầu tỉnh Hòa Bình ngăn chặn mọi hoạt động tại khu vực nguy hiểm, không cho chụp ảnh, quay phim gần khu vực xả lũ; Tăng cường tuyên truyền, bố trí lực lượng cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm ở chân đập tràn và hạ lưu đập, ngăn chặn những trường hợp cố ý có thể gây mất an toàn và trật tự nơi công cộng.

Thỏa mãn sự ích kỷ, báo hại cho người khác

Không chỉ tại Thủy điện Hòa Bình mà ở bất cứ nơi nào, mỗi khi nghe tin bão, lũ, không ít người đã rồng rắn kéo nhau đến tận nơi để “mục sở thị”. Giữa tháng 7 vừa qua, mặc dù cơn bão số 2 đang tiến vào đất liền, song tại bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vẫn có hàng trăm người lao ra nô đùa với con sóng dữ bất chấp những cảnh báo của Đội cứu hộ, cứu nạn bãi biển.

Trước đó, khi nghe tin có bão ở Hải Phòng, nhiều cá nhân cũng đua nhau đến Đồ Sơn chụp ảnh và có người đã phải trả giá bằng cả tính mạng. Gần đây nhất, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra lũ quét. Vì hiếu kỳ, thay vì lánh đi thì người dân địa phương lại đứng yên để xem, bất chấp nguy hiểm.

Lý giải về hiện tượng trên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - nhà tâm lý học cho rằng, nhiều người bất chấp nguy hiểm để thỏa mãn cái tôi, họ tự tạo ra cho mình những trải nghiệm dù nguy hiểm chỉ để chứng tỏ sự hiếu thắng, bản tính tò mò, thích chơi trội của bản thân. Điều này ngày càng có xu hướng gia tăng khi mạng xã hội phát triển. Ở đó những cá nhân thích sống ảo, thích khoe mẽ luôn có đất để “diễn”. Họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng bản thân chỉ để câu like, câu view.

Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, mưa bão, lũ lụt… gây ra nhiều hậu quả khôn lường cả về người và của. Con người phải chấp nhận đối diện với thiên tai song phải chủ động đối phó để giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra. Do đó, mỗi cá nhân thay vì lao đến những nơi hiểm nguy một cách ngu ngốc chỉ để “tự sướng” thì hãy chung tay với người dân những khu vực bị thiệt hại do thiên tai khắc phục hậu quả, đừng để mất thời gian, công sức vào những việc vô ích mà có thể còn gây hại cho người khác…