"Đinh tặc" có thể phải ngồi tù tới 10 năm

ANTĐ - Yêu cầu phải chứng minh được thiệt hại mới truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS hiện hành là nguyên nhân chính khiến tình trạng rải đinh trên các tuyến đường ngày càng tăng, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định này tại BLHS 2015 là hoàn toàn phù hợp nhằm giải quyết triệt để nạn  “đinh tặc”.

Rải đinh, vật sắc nhọn trên đường gây  mất an toàn cho người đi đường

Kẻ sát nhân mang tên “đinh tặc”

Cách đây không lâu, tại Quốc lộ 1A (đoạn qua tỉnh Bình Dương) anh Trần Văn T, 26 tuổi khi đang điều khiển xe máy trên đường thì chiếc xe đột ngột xịt lốp do đinh cắm vào. Hậu quả là anh T bị lạc tay lái ngã xuống đường tử vong tại chỗ. Đầu tháng 3 vừa qua, chiếc xe tải chở hàng đông lạnh chạy từ TP.HCM đi Bình Phước với tốc độ khá cao thì bị nổ lốp trước. Do không làm chủ được tay lái, lái xe đã đâm thẳng vào xe đầu kéo bên trái lề đường làm 3 người trên ca bin mất mạng, chiếc xe cũng bị hư hỏng nặng. Lý do lốp bị nổ được xác định là do cán phải đinh trên đường. 

Thời gian qua, trên một số tuyến đường chạy qua địa bàn Hà Nội cũng xảy ra hiện tượng rải đinh như đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Còn tại tỉnh Đồng Nai, mới đây nhất, ngày 13-6, Ủy ban ATGT quốc gia đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng liên quan điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật về hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên QL51.

Nguyên nhân do thời gian qua, trên tuyến QL51 đoạn qua Tam An, TP Biên Hòa, Đồng Nai liên tục xảy ra tình trạng xe bị dính đinh rải trên mặt đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, phát hiện đối tượng vi phạm.

Hành vi cố ý đặt, rải vật sắc, nhọn trên đường bộ là hành vi cản trở giao thông có mức độ nguy hiểm cao hơn những hành vi khác. Nó thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội vì muốn thu lợi bất chính mà coi rẻ tính mạng và tài sản của người khác, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Trong khi đó, việc xử lý “đinh tặc” áp dụng theo BLHS 1999 phải chờ hậu quả xảy ra mới xử lý được đối tượng vi phạm nên không đủ sức răn đe.

Nghiêm trị là cần thiết

Điều 261 - BLHS 2015 có hiệu lực từ 1-8 quy định, hành vi cố ý rải đinh, vật sắc, nhọn trên đường bộ nếu gây ra hậu quả chết người, gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Người phạm tội thuộc tình tiết định khung tăng nặng thì có thể bị xử phạt đến 10 năm tù… Trong trường hợp nếu cá nhân chỉ rải đinh hoặc vật sắc, nhọn xuống đường mà chưa có hậu quả xảy ra thì áp dụng khoản 5 của điều luật này: “Phạm tội trong trường hợp có khả năng dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm”.

Về quy định trên, luật sư Hoàng Huy Được - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường thể hiện thái độ coi thường pháp luật và tính mạng người dân của đối tượng vi phạm, gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, gây cản trở giao thông, khiến nhiều người dân bức xúc. Tuy vậy, từ trước đến nay hầu như chưa có đối tượng nào bị xử lý nghiêm khiến “đinh tặc” ngày càng lộng hành. Do đó, việc quy định rõ về chế tài đối với hành vi này tại BLHS 2015 là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng áp dụng pháp luật dễ dàng hơn nhằm xử lý đúng người, đúng tội. 

Cũng theo Luật sư Hoàng Huy Được, mặc dù các hình phạt được đưa ra khá phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, song việc áp dụng mức phạt tiền trong thực tế sẽ gặp không ít khó khăn do “đinh tặc” hầu hết là người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân của “đinh tặc” nếu xảy ra hậu quả ít nghiêm trọng thường ngại trình báo với cơ quan chức năng nên rất khó xử lý đối tượng vi phạm…

Do vậy, để nạn “đinh tặc” sớm giải quyết được triệt để, các cơ quan chức năng cần tăng cường lắp đặt camera giao thông trên các tuyến đường, có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân trong việc phát hiện, tố cáo “đinh tặc”, đồng thời xử lý nghiêm đối tượng vi phạm (nếu có bằng chứng đầy đủ) để làm gương.