Điều trị vô sinh - hậu quả từ quá kích buồng trứng

ANTD.VN - Theo thống kê, tỷ lệ quá kích buồng trứng chỉ chiếm khoảng 0,5-10%, tuy nhiên hậu quả lại không thể xem thường.

Quá kích buồng trứng là một tác dụng phụ xảy ra khi sử dụng thuốc kích trứng. Nó được định nghĩa là hiện tượng gia tăng kích thích buồng trứng. Ở người bình thường, mỗi chu kì chỉ có một nang trứng phát triển. Khi đạt kích thước trên 20mm và dưới 30mm, nang trứng này sẽ rụng. Tuy nhiên, ở một số người sử dụng thuốc kích trứng sẽ có hiện tượng nhiều nang trứng cùng phát triển một lúc, song tất cả đều có kích thước nhỏ (dưới 20mm). Khi đó, hiện tượng quá kích buồng trứng đã xảy ra.

Ai có nguy cơ?

Vì bị buồng trứng đa nang nên chị Ngô Thúy Hà (ở Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) được bác sĩ khuyên dùng thuốc kích trứng để tăng khả năng mang thai. Khi sinh xong con thứ nhất, chị Hà tiếp tục được chỉ định phương pháp này. Tuy nhiên, vì nghĩ mình đã có kinh nghiệm từ lần trước nên thay vì để bác sĩ trực tiếp theo dõi và điều trị, chị đã tự ý mua thuốc về dùng. Được một thời gian, chị thấy tăng cân nhanh chóng mặc dù chế độ luyện tập và ăn uống vẫn không thay đổi. Chưa dừng lại ở đó, vài ngày gần đây, chị còn thường xuyên cảm thấy buồn nôn. Tưởng đó là dấu hiệu của thai kì, chị vội vã đi mua que thử, nhưng kết quả không phải.

Đến lúc này, chị Hà mới thực sự cảm thấy bất an và tìm đến bệnh viện. Kết quả siêu âm cho thấy buồng trứng của chị to, nhiều nang… Cùng với một số chỉ số bất thường khác, bác sĩ kết luận chị bị quá kích buồng trứng do tự ý dùng thuốc kích trứng quá liều. Rất may tình trạng bệnh mới ở giai đoạn khởi phát nên chưa thực sự nguy hiểm.

Không chỉ có những người tự ý sử dụng thuốc kích trứng mới gặp phải hiện tượng này mà nó còn xảy ra ngay cả khi bệnh nhân dùng thuốc có sự giám sát của bác sĩ. Tuy nhiên, khi ấy nguy cơ sẽ thấp hơn bởi trong quá trình theo dõi, bác sĩ sẽ biết chính xác liều lượng thuốc cần dùng cũng như thời gian sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi sử dụng thuốc kích trứng, ai cũng có nguy cơ quá kích buồng trứng. Nguy cơ này cao hơn ở những người dưới               35 tuổi, người bị buồng trứng đa nang, người có nồng độ estradiol tăng nhanh trong quá trình kích thích nang noãn hay những người trước đó đã từng có tiền căn bị quá kích buồng trứng, người sử dụng thuốc quá liều (thường hay gặp ở các bệnh nhân tự kê đơn, bốc thuốc cho mình)…

Triệu chứng của bệnh

Khi bị quá kích, hai buồng trứng thường lớn lên kèm theo có dịch trong bụng. Dịch đó do buồng trứng tiết ra nên bạn có thể thấy bụng hơi căng, đau, buồn nôn, nôn, đôi khi là cả tiêu chảy, tăng cân nhanh… Các triệu chứng này thường biểu hiện  rõ nhất trong vài ngày song thường biến mất sau 10-14 ngày. 

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, khi có sự giám sát của bác sĩ, quá kích buồng trứng thường được phát hiện và điều trị sớm. Với những người tự ý dùng thuốc, bệnh có thể trở nên nặng hơn do người bệnh không ý thức được tình trạng của mình.

Ở thể nặng, quá kích buồng trứng có thể dẫn đến tình trạng đi tiểu ít hoặc vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang), nôn mửa liên tục, khó thở, dịch ổ bụng nhiều, buồng trứng căng to, dịch tràn màng phổi, màng tim. Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân có thể bị rối loạn đông máu và thuyên tắc mạch do huyết khối, gặp phải hội chứng suy hô hấp cấp, suy giảm chức năng gan.

Cần nhanh chóng điều trị

Nếu bị quá kích buồng trứng nhẹ, bạn hoàn toàn có thể điều trị tại nhà vì bệnh có thể tự khỏi. Khi đó, chế độ ăn nhiều thực phẩm nhiều chất đạm như thịt, cá; uống nhiều nước (khoảng 2 lít/ngày), ưu tiên các loại nước có điện giải… là rất cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cần tránh các hoạt động thể lực mạnh vì nó có thể gây xoắn buồng trứng (vì kích thước buồng trứng lúc này khá lớn). Tương tự như vậy, bạn nên kiêng quan hệ tình dục trong thời gian này vì nó có thể gây đau, thậm chí là vỡ buồng trứng. 

Chỉ số cân nặng và thể tích nước tiểu thải ra mỗi ngày cũng phải được theo dõi. Nếu bạn vẫn tiếp tục tăng cân và số lượng nước tiểu giảm, cần báo ngay với bác sĩ. Những ngày này, dù cơ thể rất mệt mỏi, tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nước tăng lực. Trong trường hợp bị đau, bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau, song nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thành phần thuốc cũng như biệt dược.

Thông thường, bạn sẽ không phải nhập viện, tuy nhiên, nếu gặp một trong những dấu hiệu sau, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất vì nó có thể gây vỡ buồng trứng, xuất huyết ổ bụng cấp:

• Nôn, buồn nôn khó điều trị, không thể ăn uống. 

• Thiểu niệu nặng, vô niệu

• Tràn dịch màng bụng nặng

• Đau bụng nhiều hoặc có dấu hiệu tràn dịch màng bụng

• Khó thở hoặc thở nhanh

• Hạ huyết áp, chóng mặt, ngất