Điều trị Ebola bằng máu người khỏi bệnh

ANTĐ - Sau khi điều trị thành công cho 4 bệnh nhân nhiễm virus Ebola hồi năm ngoái, các nhà khoa học tại Đại học Emory (Mỹ) đang triển khai một dự án được chính phủ nước này tài trợ để thực hiện phương pháp mới điều trị Ebola nhờ huyết thanh chiết xuất từ máu của các bệnh nhân nhiễm Ebola đã khỏi bệnh.

Điều trị Ebola bằng máu người khỏi bệnh ảnh 1

Theo đó, Cơ quan phụ trách các dự án tiên tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) đã trao số tiền tài trợ khoảng 10,8 triệu USD cho Đại học Emory để triển khai dự án cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của lực lượng lục quân Mỹ (USAMRIID), các phòng thí nghiệm thuộc Đại học Wisconsin- Madison, Đại học Rockkefeller, Đại học Vanderbilt, Đại học Standford, Đại học Pennsylvania, Viện nghiên cứu Scripps, Trung tâm nghiên cứu về AIDS Aaron Dimond, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC). 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vaccine thuộc Đại học Emory, trưởng nhóm nghiên cứu Rafi Ahmed cho biết, hiện nay việc tiếp cận với các mẫu máu của những bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm virus Ebola ở khu vực Tây Phi rất khó khăn. Nhưng điều vui mừng nhất với các nhà khoa học tham gia dự án này là tất cả 4 bệnh nhân người Mỹ nhiễm Ebola được các nhà khoa học của Emory chữa khỏi đã đồng ý tình nguyện tham gia dự án khoa học này. Tiếp đó, các nhà khoa học dự tính sẽ cô lập các kháng thể của các bệnh nhân nói trên và tiến hành thử nghiệm trên động vật để từ đó phát hiện ra những kháng thể có khả năng tiêu diệt virus Ebola mạnh nhất. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng, phương pháp này không liên quan đến việc điều trị thử nghiệm truyền huyết thanh được áp dụng khi điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Ebola ở Mỹ. 

Các nhà khoa học đã đề ra 2 phương án để tiếp cận với các phương pháp tạo ra các kháng thể. Cách thứ nhất được gọi là miễn dịch thụ động nhằm tạo ra một lượng lớn các kháng thể chống lại virus Ebola và tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân. Hiệu quả của phương pháp này tương đối ngắn (chỉ khoảng 2 đến 3 tuần) và cần được bảo quản trong tủ lạnh, một điều kiện bắt buộc nhưng rất khó đáp ứng bởi những người dân nghèo Tây Phi, nơi đại dịch Ebola bùng phát.

Cách thứ hai được các nhà khoa học triển khai là sản xuất thuốc dựa trên cơ sở vật chất di truyền như ARN hoặc ADN, thay vì việc sử dụng virus đã chết hoặc làm giảm khả năng kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể. ARN và ADN sẽ được tiêm trực tiếp vào các bệnh nhân để tạo ra hàng loạt kháng thể có khả năng chống lại Ebola. Giám đốc chương trình tại DARPA, Đại tá Daniel Wattendorf cho biết, bằng phương pháp này có thể bỏ qua các phản ứng miễn dịch và trực tiếp cung cấp các cơ chế giúp tạo ra một loạt những kháng thể mạnh nhất. 

Được biết, trước đây phương pháp trên được các nhà khoa học phát triển để ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh cúm theo mùa, sốt rét, hay dịch tiêu chảy trong các doanh trại quân đội Mỹ. Tuy nhiên, do sự bùng phát và lây nhiễm nhanh cũng như sự nguy hiểm đến tính mạng con người của virus Ebola nên các nhà khoa học đã ưu tiên đẩy nhanh quá trình nghiên cứu sâu hơn nữa. Để dự án sớm thành công, các nhà khoa học cần xác định hệ thống phân phối hiệu quả để đưa thông tin di truyền vào trong cơ thể cũng như tìm ra những kháng thể có hiệu quả cao nhất. Dự kiến, phương pháp trên sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người trong vòng 2 năm tới và nếu tính an toàn của nó được chứng minh thì đây chính là giải pháp nhanh nhất, rẻ hơn rất nhiều so với điều trị bằng thuốc, hay có thể điều trị cả những loại virus, vi khuẩn khác ở bệnh cúm theo mùa, sốt rét và tiêu chảy.