Điều kiện để được hưởng án treo đối với tội dâm ô với người dưới 16 tuổi

ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Qua theo dõi các vụ án dâm ô trẻ em, tôi thấy có vụ chỉ dâm ô một trường hợp là đã phải ngồi tù, song cũng có vụ dâm ô tới vài trường hợp vẫn được hưởng án treo. Xin hỏi luật sư, như thế nào thì phải ngồi tù và như thế nào thì được hưởng án treo đối với người phạm tội dâm ô trẻ em?Nguyễn Công Hùng (Ninh Bình)

Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp phạm tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được pháp luật quy định hết sức chặt chẽ 

Luật sư trả lời: Theo quy định về án treo của Bộ luật Hình sự, khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 1 năm đến 5 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Và theo Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6-11-2013, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau.

Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng; có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật; trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ.

Ngoài ra phải có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng; không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự; nếu có 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự và có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Như vậy nếu người phạm tội “Dâm ô đối với trẻ em” (Theo Bộ luật Hình sự năm 1999) hoặc tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” (Theo Bộ luật Hình sự năm 2015) nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên thì hoàn toàn có thể được Tòa án cho hưởng án treo. Tuy nhiên, cần phải lưu ý câu từ được sử dụng trong Bộ luật Hình sự là đối với các trường hợp mặc dù đủ điều kiện được hưởng án treo, nhưng Tòa án sẽ “xem xét”, “có thể” cho hưởng chứ không phải đương nhiên được hưởng.

Và trên thực tế, Tòa án còn nhìn nhận đến các tác động xã hội, phản ứng của dư luận, ý kiến của đại bộ phận quần chúng nhân dân… để quyết định cho hay không cho người phạm tội được hưởng án treo. Thông thường nếu việc cho người phạm tội được hưởng án treo sẽ gây tâm lý xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, thì Tòa án không áp dụng chế định này.