Điều không nên có trong một cộng đồng văn minh

ANTD.VN - Câu chuyện đau lòng về trường hợp một bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội vừa bị chó cắn thiệt mạng khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và khiếp sợ. Em bé đã qua đời trong sự ân hận muộn màng của những người ở lại bởi con chó ngao Tây Tạng cắn chết em cũng chính là con chó đã được bố mẹ em nuôi nhiều năm nay trong nhà. Chắc chắn, đó sẽ là nỗi đau, nỗi day dứt và ám ảnh bám theo họ suốt phần đời còn lại. 

Điều không nên có trong một cộng đồng văn minh ảnh 1Tình trạng chó cảnh khi đưa ra nơi công cộng mà không được rọ mõm còn khá phổ biến

Vượt qua nỗi sợ 

Tôi từng tận mắt chứng kiến một câu chuyện tương tự xảy ra cách đây 23 năm. Khi đó, nhà hàng xóm nuôi một con chó ta khá lớn. Bình thường, con chó này được xích ngay ngoài cửa, dây xích đủ dài để ai đi qua mà bị nó lồng lên sủa cũng sợ hãi nép vào tận mép tường đối diện để nó không nhào ra với tới. Mỗi lần như thế, câu cửa miệng của bà chủ nhà luôn là: “Cứ đi đi, nó không cắn đâu mà sợ…”.

Ngày ấy, người lớn có lẽ chủ quan hơn bây giờ. Lũ trẻ con chúng tôi vì thế cũng không được dạy về sự nguy hiểm nếu bị chó tấn công. Vì thế, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn qua nhà người hàng xóm đó chơi, vô tư bước qua chỗ con chó bị xích đang gầm gừ nằm yên quan sát, vượt qua nỗi sợ hãi chỉ bằng câu nói kia: “Cứ đi đi, nó không cắn đâu mà sợ…”.

Thế rồi một ngày nọ, tiếng nháo nhác gào thét, tiếng chó sủa ăng ẳng điên loạn dội khắp xóm. Đám đông ào ra xúm xít vây quanh ngôi nhà bà hàng xóm kia. Rồi chiếc xe máy rồ ga phóng vút đi trong tiếng khóc lóc của những người ở lại. Đứa cháu nội vừa tròn 2 tuổi của bà hàng xóm bị chính con chó kia cắn, trên nền nhà còn vương vãi những giọt máu tươi.

Tôi được nghe kể lại, đứa cháu nội của bà hàng xóm đi qua chỗ con chó kia nằm, không may dẫm vào chân nó, vậy là nó lồng lên cắn. Sau khi được đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn gần nhà để cấp cứu, cậu bé con trở về với khuôn mặt khâu hơn 20 mũi, băng bó chằng chịt, đôi mắt đầy sợ hãi. Cũng may, cơn điên dại của con chó kia không cướp đi tính mạng của đứa bé tội nghiệp.

Kỳ lạ thay, bà hàng xóm ấy (bà nội của đứa bé) vẫn một mực “bênh” con chó, cho rằng do đứa cháu dẫm vào chân nó nên mới bị nó cắn chứ bình thường con chó đó… rất hiền (!?). Thế rồi, con chó vẫn tiếp tục được giữ lại trong ngôi nhà đó gần chục ngày để theo dõi xem có bị lên cơn dại hay không. Sau đó, rốt cuộc thì nó cũng được chuyển đi đâu không rõ. Từ bấy đến nay, nhà đó không còn nuôi chó. 

Chó thả rông, biết khi nào nó cắn? 

Hình dung lại, ngày ấy, con chó kia hàng ngày vào lúc tối muộn vẫn được bà hàng xóm kia thả cho chạy rông từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Phần là để nó thoải mái “phóng uế”, phần là như bà hàng xóm ấy nói: “Để nó chạy cho đỡ cuồng chân”. Nhiều người đi về thấy thế không dám vào ngõ, lại quay xe đứng ngoài đường đợi, hoặc đi đâu đó một lúc mới dám về. Ngày ấy, nếu không cắn chính đứa cháu nội của bà hàng xóm, có lẽ con chó này rất có thể cắn và gây nguy hiểm cho người khác vì nó không bao giờ được “rọ mõm” khi ra ngoài. 

Oái ăm thay, càng những nơi có chút không gian để người ta tập thể dục, vui chơi, thư giãn như: công viên, vườn hoa, ven hồ, sân khu tập thể… thì lại càng có nhiều chó được thả rông và không “rọ mõm”. Chủ nhân của chúng, đương nhiên vẫn luôn trấn an người qua lại với điệp khúc: “Cứ đi đi, không cắn đâu mà sợ…”.

Sau lần ấy, nỗi sợ chó vẫn đeo bám và ám ảnh những đứa trẻ thành thị như chúng tôi. Nỗi sợ ấy nhân lên gấp bội mỗi khi có dịp được về quê và chứng kiến cảnh chó được thả rông từ đầu làng đến cuối xóm, xe đi đến đâu chó chạy theo sủa đến ấy.

Còn nhớ cách đây 2 năm, sự việc một người đàn ông bị 4 con chó to và hung dữ tấn công cũng từng khiến mọi người chứng kiến lẫn nghe kể lại không khỏi kinh hoàng. Sự việc xảy ra ở phố Phúc Xá (quận Ba Đình) và người đàn ông bị tấn công kia cũng chính là chủ nhân của 4 con chó dữ. Anh này bị bầy chó “phản chủ” suýt đoạt mạng khi đang dắt chúng đi dạo và lao vào ứng cứu một người phụ nữ qua đường bị bầy chó của mình bất ngờ tấn công. Nghe đâu, người đàn ông này nuôi bầy chó trên vừa để canh giữ nhà, vừa vì thú vui thích nuôi chó. Sau này tôi được biết thêm, đây chính là người nhà của một người quen và sau bận ấy, đàn chó cũng được anh ta nhanh chóng giải tán. Từ đó, gia đình họ đoạn tuyệt với việc nuôi chó. 

Khi chó cắn, thì ai cũng biết sợ!

Ở ven hồ Tây, đoạn gần lối rẽ vào Phủ Tây Hồ có một bãi đất trống mà nhiều người vẫn gọi là bãi thả diều. Sống trong không gian phố xá chật chội, có được một nơi cho bọn trẻ con vui chơi thả diều như thế này quả thực hiếm. Song chưa kịp mừng thì đã lo, bởi nơi này cũng là nơi tập kết của đủ loại chó, chủ yếu là chó to. Người ta dắt chó ra đây bằng nhiều cách, buộc dây xích dắt bộ, cho chạy theo xe đạp, xe máy, thậm chí chở ô tô. Con nào con nấy ra đến đây đều được tháo xích và hầu như chẳng con nào “rọ mõm”. Nhìn bọn trẻ con thả diều, chạy chơi tung tăng giữa những con chó thong dong xung quanh mà rùng mình khi hình dung ra cảnh, bỗng một con chó nào đó giữa bầy chó kia nổi cơn điên…

Rõ ràng, đã có quy định rất rõ về việc nuôi chó, mèo phải đăng ký phải UBND xã, phường, thị trấn, rằng nuôi chó, mèo thì phải xích, nhốt trong khuôn viên gia đình, còn khi đưa ra nơi công cộng thì phải đeo “rọ mõm” cho vật nuôi… Song chẳng khó gì bắt gặp cảnh những con chó từ nhỏ đến lớn được thả rông ngoài đường.

Oái ăm thay, càng những nơi có chút không gian để người ta tập thể dục, vui chơi, thư giãn như: công viên, vườn hoa, ven hồ, sân khu tập thể… thì lại càng có nhiều chó được thả rông và không “rọ mõm”. Những con chó cứ thoải mái chạy lông nhông trong sự khép nép và sợ hãi của mọi người xung quanh. Chủ nhân của chúng, đương nhiên vẫn luôn trấn an người qua lại với điệp khúc: “Cứ đi đi, không cắn đâu mà sợ…”. Có lẽ, chỉ khi chính họ trở thành nạn nhân của những con chó kia, họ mới biết thế nào là sợ!

Ý thức của người nuôi là quan trọng nhất

“Tôi đến nay đã làm công việc nuôi và huấn luyện chó được 12 năm. Đây là một nghề đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với chó, huấn luyện chúng từ lúc mới sinh cho đến khi 6 tháng tuổi, 1 năm tuổi hoặc trưởng thành. Trong cả quãng thời gian này, trang trại của tôi có 2 lần gặp phải trường hợp chó bị bệnh dại. Chúng biểu hiện qua những trạng thái như sợ nước, sợ ánh sáng, lười ăn và đặc biệt là có hành vi điên cuồng, bồn chồn, dễ bị kích động. Rất may là cả hai trường hợp đều được phát hiện sớm nên không gây nguy hiểm cho con người.

Tôi nghĩ đó là những rủi ro nghề nghiệp mà chúng tôi khó tránh khỏi, và những người nuôi chó nhà, chó cảnh bên ngoài càng khó tránh được 100%. Thế nên ý thức của chủ chó và những người nuôi cho là đặc biệt quan trọng. Quan trọng nhất là cần phòng bệnh dại cho chó bằng tiêm vaccine định kỳ mỗi năm 1 lần. Bên cạnh đó là hạn chế nuôi chó thả rông, hoặc cấm hẳn ở thành thị, khu đông dân cư là tốt nhất. Nếu dắt chó ra đường phải có rọ mõm và nằm trong tầm kiểm soát của con người. 

Hãy nhớ, con chó dù hiền lành đến mấy cũng có lúc giận dữ và có thể tấn công con người. Tôi cũng không ít lần bị chính những con chó do mình nuôi tấn công vì nhiều lý do khác nhau, nhưng rất may là đồ bảo hộ đầy đủ nên tránh được bị thương. Xin đừng bao giờ chủ quan dù bạn có nuôi một chú Berger, Rottweiler, Pitbull hay chỉ là một chú Chihuahua… vì nó có thể khiến bạn phải trả một cái giá rất đắt cho sức khỏe, tính mạng của mình và người khác”.

Anh Hoàng Tấn Bửu (Nhân viên một trại nuôi chó ở Vũng Tàu)

Ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống

“Vụ việc một em bé 8 tháng tuổi của Hà Nội bị chó ngao Tây Tạng cắn đến thiệt mạng đã thực sự đưa ra lời cảnh tỉnh cho các gia đình nuôi chó, nhất là ở chung cư nơi mật độ dân số đông hơn. Những con chó được thả rông, không rọ mõm được chủ dắt bộ ra khu vực công cộng ở chung cư luôn rình rập hiểm họa cho bất cứ ai.

Luôn có một sự ngụy biện cho hành động không rọ mõm chó là “con chó này hiền lắm, không cắn đâu!”, nhưng tôi đã không ít lần “đứng hình” khi một con chó to, cao bằng người bất ngờ lại gần. Cho dù là người yêu động vật nhưng quả thực tôi cho rằng, chỉ những hành động nhỏ vô ý thức của một số người nhưng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng cũng như chất lượng cuộc sống của những người khác là điều không nên có trong một cộng đồng văn minh. Tuy nhiên, điều này không dễ gì thay đổi mà cần có thời gian để thẩm thấu và biến chuyển”.

Nhà văn Di Li