Điều chỉnh giờ làm việc, rút ngắn giờ nghỉ trưa: Nên nghiên cứu trước khi áp dụng rộng rãi

ANTD.VN - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng chia sẻ, việc điều chỉnh giờ làm việc hành chính, rút ngắn thời gian nghỉ trưa xuống còn 1 giờ cần xem xét nhiều yếu tố như điều kiện làm việc, mối liên hệ giữa các loại hình lao động và cả các yếu tố tâm sinh lý, thói quen, tập quán sinh hoạt cụ thể.

Liên quan đến đề xuất đổi giờ khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị, ông Lê Đình Quảng cho biết, đây là đề xuất hợp lý, tuy nhiên các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những nghiên cứu, tính toán một cách khoa học, tổng thể từ yếu tố tâm lý, văn hóa đến điều kiện xã hội, cơ sở hạ tầng, nhu cầu, thói quen sinh hoạt của người dân.

Điều chỉnh giờ làm việc được cho là giải pháp giảm ùn tắc ở các đô thị

Việc điều chỉnh giờ làm việc của khối hành chính dịch vụ và khối giáo dục công lập không chỉ tác động đến một nhóm quan hệ lao động mà tác động đến toàn xã hội. Ví dụ: nếu điều chỉnh giờ làm việc của khối giáo dục sang 8h30, nhưng giờ làm của doanh nghiệp không điều chỉnh, bố mẹ đi làm sớm hơn giờ con đi học thì giải quyết ra sao? Bên cạnh đó, mỗi tỉnh, thành phố; mỗi loại hình lao động có một đặc thù riêng nên nếu áp dụng đổi giờ làm việc phải căn cứ vào đặc thù của địa phương để xem xét nhân rộng.